Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết Bộ sẽ sớm ban hành đề thi minh họa để thí sinh và giáo viên nắm được cách thức ra đề trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016.
Theo chia sẻ của Thứ trưởng, Bộ đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, giáo viên giàu kinh nghiệm liên quan đến nội dung đề thi. Trong bản Quy chế được ban hành vào ngày 3/2 trước đó cũng quy định rõ, đề thi năm nay sẽ có sự phân hóa rõ nét hơn với nhiều câu hỏi nâng cao, câu hỏi mở, giảm hình thức học thuộc lòng máy móc.
Môn Toán cần nâng mức khó để đánh giá học sinh khá
Theo đánh giá của nhiều giáo viên, đề thi Toán năm 2015 có nhiều điểm bất hợp lý. Đặc biệt đề thi chưa có độ phân hóa cao, khi chỉ phân biệt được học sinh có học lực trung bình với học sinh học lực giỏi. Phần phân loại học sinh khá giỏi với 2 câu nâng cao được cho là dễ hơn nhiều so với những năm trước đó. Điều này khiến học sinh có học lực ở mức 6 – 7 điểm lại đạt được 8 – 9 điểm.
Các giáo viên mong muốn, năm 2016, Bộ phải điều chỉnh độ khó của đề thi với các câu hỏi ở mức 6 điểm trở lên. Các bài thi nên chia làm nhiều ý, ý đầu dành cho học sinh trung bình, ý tiếp theo dành cho học sinh khá và ý cuối cùng dành cho học sinh giỏi.
Tăng chất lượng đề thi Ngữ văn
Về cấu trúc đề thi môn Văn gồm có 2 phần: đọc hiểu và làm văn. Các giáo viên cho rằng hình thức thi này khá hợp lý, tuy nhiên phần đọc hiểu không nên chia vụn vặt, tránh những câu hỏi quá dễ như “Văn bản dưới đây thuộc thể loại nào?”. Những câu hỏi như vậy có thể bỏ đi để tập trung tăng chất lượng cho những câu hỏi khác.
Đề thi cần bám sát mặt bằng chất lượng của các thí sinh theo khu vực, đặc biệt chú trọng đến kỹ năng viết bài, hiểu biết xã hội, kiến thức thường thức, tư duy phân tích. Tránh tình trạng thí sinh học tủ theo văn mẫu. Các giáo viên trong quá trình ôn thi nên hướng dẫn các em đọc thêm nhiều sách báo, văn bản bên ngoài chương trình sách giáo khoa để mở rộng kiến thức. Bộ ra đề mở mà thí sinh ôn thi tủ thì chắc chắn kết quả thi sẽ không cao.
Đề Vật lý cần có 25/50 câu hỏi khó
Theo đánh giá của các giáo viên môn Vật lý, đề thi năm 2015 là quá dễ cho các thí sinh. Độ phân hóa của đề không rõ nét, kết quả bài thi không phân loại được học sinh khá giỏi. Trong 50 câu trắc nghiệm chỉ có khoảng 15 câu hỏi khó. Lượng câu hỏi khó như vậy là quá ít, không đủ để đánh giá năng lực của những em có thực lực giỏi, lại có lợi cho những học sinh khá.
Nhiều giáo viên đề nghị, năm 2016, đề thi môn Vật lý cần phải có cấu trúc 50 – 50. Trong đó 25 câu hỏi dành cho những thí sinh khá, giỏi có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Đề Hóa tăng tính suy luận
Theo đánh giá đề Hóa năm 2015 được cho là khá hợp lý. Tuy nhiên, để đề thi thực sự hay và có sự phân hóa tốt, Bộ cần lồng ghép nhiều hơn những câu hỏi mang tính suy luận. Với hình thức thi trắc nghiệm, điều này không phải dễ thực hiện. Bộ phải tập trung vào những câu hỏi thực hành, thực nghiệm cụ thể, nâng độ khó của các câu hỏi lý thuyết, đặc biệt chú trọng đến những hiện tượng hóa học trong cuộc sống đòi hỏi học sinh phải hiểu được bản chất của những hiện tượng này mới có thể chọn được đáp án hợp lý nhất.
Giảm độ khó đề thi Ngoại ngữ
Đề Ngoại ngữ năm 2015 được nhận định là chưa phù hợp với năng lực của học sinh đại trà. Đề thi khá cơ bản, bám sát chương trình, nhưng quá nặng đối với học sinh trung bình. Một số kiến thức trong đề thi, chương trình giảng dạy lại không đề cập nhiều, khiến cho những học sinh đại trà lúng túng trong việc làm bài thi.
Đặc biệt là phần thi đọc hiểu, nhiều đoạn văn, câu hỏi điền từ thí sinh phải mất khá nhiều thời gian để hiểu bởi lượng từ vựng mới và khó quá nhiều. Những thí sinh có học lực trung bình hầu như không hiểu được nội dung bài đọc. Vì vậy, việc giảm độ khó đề thi Ngoại ngữ là cần thiết, để không gây khó dễ cho các thí sinh trong việc xét đỗ tốt nghiệp.
Đa dạng hóa câu hỏi mở trong đề Địa lý
Ngoài yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm ra quyết định thí sinh có được mang Atlat vào phòng thi hay không, nhiều giáo viên đề nghị đề thi cần phải gắn chặt với những kiến thức thực tế, tăng cường các câu hỏi mở để có sự phân hóa rõ nét hơn.
Nên lồng ghép những vấn đề thời sự, sự kiện nóng của đất nước, thế giới trong đề thi để đánh giá kiến thức thường thức, khả năng tư duy, phân tích của thí sinh. Phải đa dạng hóa các câu hỏi, không nên đề thi nào cũng tập trung mãi vào những vấn đề như biển đảo, biên giới như những năm vừa qua để tránh tình trạng học sinh học tủ.
Đề Sinh không nên quá dài
Đề Sinh năm 2015 được đánh giá là bám sát chương trình, không quá khó nhưng có sự phân hóa cao, cấu trúc đề hợp lý, phù hợp với từng loại đối tượng. Thí sinh dễ dàng đạt được 5 – 6 điểm, nếu nắm vững kiến thức không khó để đạt điểm 8, để dành điểm tuyệt đối thí sinh cần có tư duy tốt.
Tuy nhiên, đề thi năm ngoái khá dài, nếu thí sinh không có kỹ năng tốt thì khó lòng hoàn thiện bài thi. Các em hầu như không làm hết được những câu hỏi cuối trong đề thi. Vì vậy, Bộ nên rút gọn đề thi và giữ nguyên cấu trúc đề như năm 2015.
Đề Sử cần tăng cường câu hỏi thực tiễn
Năm 2015, đề thi môn Sử có 4 câu, trong đó chỉ có 1 câu hỏi lý thuyết, 1 câu liên hệ thực tế, 2 câu phân tích, suy luận không đòi hỏi thí sinh phải học thuộc lòng máy móc. Đây là hướng ra đề được hầu hết các giáo viên và thí sinh ủng hộ.
Với cấu trúc đề thi như vậy vừa đảm bảo bám sát kiến thức trong sách giáo khoa, không xa rời lý thuyết, nhưng không đòi hỏi các em phải học thuộc lòng quá nhiều. Vì vậy, việc tăng cường các câu hỏi thực tiễn là điều nên làm trong đề thi năm 2016. Những câu hỏi này vừa đánh giá được kỹ năng làm bài, kỹ năng phân tích vừa thúc đẩy tư duy của các thí sinh.