Bên cạnh nắm vững, hiểu sâu các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 12, kiến thức về làm văn, tiếng Việt, kiến thức xã hội, kỹ năng đọc hiểu văn bản, việc có chiến thuật, kinh nghiệm khi làm bài thi là lợi thế để thí sinh dễ dàng vượt qua “cửa” Ngữ văn. Thí sinh cũng cần đặc biệt quan tâm phần nghị luận văn học (NLVH).
Đọc và phân tích kỹ đề thi
Theo đề thi tham khảo, câu NLVH có sự điều chỉnh theo hướng giảm độ khó. Làm rõ quan điểm này, cô Nguyễn Thị Hương cho biết: Nếu đề thi các năm trước có 2 vế yêu cầu, đề năm nay chỉ còn 1. Đề tham khảo 2 lần tập trung nghị luận về một đoạn thơ và về nhân vật trong một đoạn văn. Vậy nên, với các văn bản thơ, bất cứ đoạn nào cũng có thể xuất hiện trong đề thi. Với văn bản văn xuôi và kịch thì các nhân vật, hình tượng nhân vật trung tâm đều có thể xuất hiện trong đề. “Như vậy, các em chỉ cần làm đúng cấu trúc kiểu bài cộng với kiến thức về văn bản, kết quả sẽ được như mong muốn” – cô Hương lưu ý.
“Đọc kỹ đề, phân tích đề một cách kỹ càng” – nhấn mạnh điều này giai đoạn trước khi làm bài, cô Hương khuyên thí sinh cần phải xác định vấn đề cần nghị luận mà đề bài yêu cầu và phạm vi tư liệu. Cùng với đó, cần trả lời được các câu hỏi: Đề ra liên quan đến tác phẩm nào? Vùng kiến thức mà đề yêu cầu ở phần nào của tác phẩm? Đề yêu cầu giải quyết nội dung gì, trọng tâm ở đâu? Với đề tham khảo năm 2020, vấn đề khá lộ, tức là yêu cầu được tường minh hóa đến mức tối đa. Thí sinh có thể xác định ngay vấn đề cần nghị luận và có thể dẫn ngay ý đó vào trong phần mở bài của mình.
Bảo đảm cấu trúc bài văn nghị luận
Ở giai đoạn viết bài, cô Hương lưu ý phải bảo đảm cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề. Việc thực hiện đúng kỹ năng làm bài từ những tiểu tiết sẽ giúp thí sinh không bị mất điểm. Tuyệt đối không được để toàn bài văn mà chỉ có 1 hoặc 2 đoạn văn.
Thêm đó, cần triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: HS có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và dẫn chứng để làm rõ các luận điểm. Luận điểm, luận cứ phải kết nối chặt chẽ. Trong bài viết thể hiện được đâu là luận điểm trung tâm, đâu là luận điểm bộ phận để bài viết cân đối, hài hòa, không lệch hướng. Phần thân bài cần được triển khai thành nhiều đoạn văn, mỗi đoạn văn triển khai một nội dung khác nhau, giữa các đoạn phải có sự liên kết.
Đặc biệt, phải thực hiện đúng cấu trúc, mô hình của kiểu đề nghị luận về một đoạn thơ/nhân vật trong một đoạn văn. Đây là 2 dạng đề xuất hiện trong cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT. Với những dạng này, theo cô Hương, cần phải thực hiện 4 bước. Bước 1: Giới thiệu thiệu chung về tác giả, tác phẩm, yêu cầu của đề.
Bước 2: Phân tích, cảm nhận theo yêu cầu của đề. Với đề về thơ, chú ý giới thiệu ngắn gọn thông tin quan trọng như chủ đề của bài thơ, vị trí của đoạn thơ trước khi cảm nhận; phân tích các từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu, biện pháp tu từ… nhằm làm nổi bật hình tượng nghệ thuật hoặc nội dung cốt lõi của đoạn thơ. Với đề về nhân vật, chú ý giới thiệu khái quát ngắn gọn về tác phẩm, đặc điểm của nhân vật như số phận/lai lịch/ngoại hình/vẻ đẹp…; giới thiệu cảnh huống mà nhân vật xuất hiện trong đoạn trích; bám sát, phân tích các chi tiết nghệ thuật tiêu biểu có trong đoạn trích nhằm làm nổi bật đặc điểm của nhân vật.
Bước 3: Nhận xét, so sánh, tổng hợp sau khi phân tích, cảm nhận. Với đề về thơ, khái quát được giá trị nội dung nổi bật, đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ đó. Khi khái quát cần đặt trong tương quan so sánh với các nội dung liên quan đến đoạn thơ, bài thơ. Cần khẳng định được vị trí của đoạn thơ với tổng thể chung của bài thơ và trong việc thể hiện tài năng, tâm hồn, phong cách của tác giả. Với đề về nhân vật/hình tượng nghệ thuật, khái quát được đặc điểm nổi bật trong trích đoạn và đặc sắc nghệ thuật. Chú ý đặt trong tương quan so sánh với các nhân vật, hình tượng, tác phẩm khác cùng đề tài, cảm hứng. Cần khẳng định vai trò của nhân vật đó trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm, tư tưởng và góp phần tạo nên nét phong cách riêng của tác giả.
Bước 4: Khái quát lại, có thể liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn cuộc sống. Ở bước này, cô Hương cho biết, cần sự so sánh, liên hệ để bài văn có điểm nhấn. Cụ thể, trong quá trình viết không chỉ phân tích, cảm nhận tinh tế, thể hiện suy nghĩ sâu sắc vấn đề nghị luận, các em cần biết so sánh, mở rộng, nâng cao nghị luận, biết liên hệ vấn đề nghị luận với cuộc sống. Cần có nhận xét khái quát, nâng cao trong việc khẳng định vị trí, vai trò của vấn đề đang nghị luận trong tương quan với tổng thể của của toàn bộ tác phẩm và sự nghiệp sáng tác của tác giả. Cần chú ý về chữ viết, diễn đạt: Chữ viết phải cẩn thận, tránh tẩy xóa nhiều; viết đúng chính tả, ngữ pháp tiếng Việt, diễn đạt lời văn trôi chảy.
Tránh một số lỗi thường gặp
Muốn bài văn đạt điểm tốt, trong quá trình làm bài cần tránh một số lỗi thường gặp. Những vấn đề này được cô Hương đưa ra cụ thể là: Với đề về thơ, tránh diễn nôm, diễn xuôi thơ. Tránh phân tích thơ nhưng không đi từ các tín hiệu nghệ thuật, không khái quát được giá trị, ý nghĩa của hình ảnh, giọng điệu, ngôn ngữ, biện pháp tu từ… trong việc thể hiện hình tượng trữ tình và cái tôi trữ tình của tác giả.
Với đề về văn xuôi: Như đề tham khảo sẽ tập trung vào việc làm nổi bật một hay một số nét riêng của nhân vật trong một đoạn. Yêu cầu này khác hoàn toàn đề cảm nhận về một đoạn văn hay cảm nhận về nhân vật trong toàn bộ tác phẩm. Vì thế, tránh giới thiệu về nhân vật như cuộc đời, hoàn cảnh… quá nhiều, quá dài; tránh chỉ phân tích mà không có cảm nhận; hoặc cảm nhận chung chung mà không có phân tích, đánh giá. Bên cạnh đó, cần tránh chỉ đi sâu phân tích chi tiết mà không có sự khái quát, nâng cao vấn đề. Nếu bài viết thiếu phần này sẽ rất nhạt, thiếu chiều sâu. Thời gian tối đa dành cho câu NLVH nên là từ 80 – 85 phút