Đề thi gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài 60 phút với 5 kỹ năng. Vì vậy hiểu được ma trận đề thi này sẽ giúp học sinh tập trung nguồn lực, thời gian ôn tập vào trọng điểm các kiến thức.
Chiều ngày 7/5/2020, Bộ GD&ĐT công bố bộ đề minh họa của các môn thi THPT 2020 cho kì thi Tốt nghiệp sắp tới (dự kiến diễn ra vào 8/8/2020).
Áp dụng cách phân tích ma trận đề thi tiếng Anh theo các cấp độ năng lực khác nhau của thang Bloom, đã từng được Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN thực hiện trong 2 cuốn cẩm nang hướng dẫn ôn luyện thi môn tiếng Anh THPT QG 2019, chúng ta có thể xây dựng được bảng ma trận sau:
Phân tích Ma trận đề minh họa môn tiếng Anh của Bộ GD&ĐT ra ngày 7/5/2020
Đề thi gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài 60 phút. Đề thi bao quát 5 lĩnh vực lớn (Ngữ âm, Ngữ pháp – Từ vựng, Chức năng giao tiếp, Kỹ năng đọc, và Kỹ năng viết), gồm 12 chuyên đề ứng với 12 tác vụ riêng biệt.
Tuy nhiên có tác vụ lại bao hàm 2 chuyên đề, và ngược lại có chuyên đề lại được thực hiện ở 2 tác vụ. Vì vậy hiểu được ma trận đề thi này sẽ giúp các em học sinh tập trung nguồn lực và thời gian ôn tập vào các trọng điểm kiến thức, và khoanh vùng câu hỏi cần ưu tiên khi làm bài thi để đạt kết quả thi tối ưu nhất so với khả năng của mình.
Đề thi minh họa ngày 07/5/2020 cho thấy đợt thi TN THPT 2020 này sẽ khá “dễ thở” đối với các thí sinh năm nay, thể hiện ở số lượng các câu hỏi ở mức độ thông hiểu và nhận biết nhiều nhất trong những năm gần đây, kể từ khi Bộ GD&ĐT tổ chức kì thi chung, cụ thể là số câu ở mức độ thông hiểu và nhận biết nhiều hơn hẳn so với đề thi dự định cho kì thi THPT QG 2020 được ra trước đó, vào ngày 03/4/2020.
Các em học sinh cần tự đánh giá năng lực hiện tại của mình để quyết định lựa chọn những câu cần làm trước và những câu cần làm sau theo độ khó được phân hóa từ thấp đến cao.
Theo đề thi minh họa, có thể chia các em học sinh thành 3 nhóm với năng lực hiện tại khác nhau như sau:
1. Đối tượng học sinh Trung bình, hướng tới mục tiêu cần đạt là 5.0 – 6.0 điểm.
Các em học sinh có năng lực tiếng Anh ở mức trung bình chỉ nên tập trung vào giải quyết 12 câu trong phần nhận biết và 17 câu trong phần thông hiểu để đảm bảo cầm chắc 6 điểm. Các em có thể tạm thời bỏ qua các câu hỏi khó hơn ở phần Vận dụng (15 câu) và Vận dụng cao (6 câu). Các câu hỏi phần nhận biết và thông hiểu cần quan tâm là những câu sau đây:
– 2 câu phát âm có quy tắc: âm cuối “ed” hoặc “s”, phát âm từ 1 âm tiết có mức độ nhận biết cơ bản và độ khó thuộc cấp độ A2 (câu 1 và 2 trong đề thi minh họa).
– 2 câu trọng âm: đọc trọng âm có quy tắc, trường hợp bất quy tắc là do có chứa âm /ɪ/ hoặc /ə/; 1 câu gồm các từ 2 âm tiết (câu 3) và 1 câu gồm các từ 3 âm tiết (câu 4).
– 6 câu ngữ pháp ở mức độ cơ bản: mạo từ (a/an/the), cụm giới từ quen thuộc, câu hỏi đuôi, từ nối (biểu hiện ý thuận/nghịch), thì động từ (có dấu hiệu nhận biết như trạng từ chỉ thời gian, hay thì của mệnh đề còn lại), câu điều kiện loại 1 và loại 2, danh động từ và động từ nguyên thể (to verb/verb-ing).
Có thể thấy trong đề thi minh họa các câu hỏi như sau: xác định phần đuôi của câu hỏi đuôi (câu 5); chọn mạo từ the đứng trước các sự vật được xem là duy nhất (câu 6); cụm giới từ “in the sky” (câu 7); sau động từ avoid dùng verb-ing (câu 8); thì của động từ TO BE trong câu điều kiện loại 2 luôn là were với tất cả các ngôi của chủ ngữ (câu 9), hiểu được ý thuận/nghịch trong nội dung 2 vế của câu để chọn từ nối because (câu 11).
– 3 câu từ vựng ở mức độ cơ bản: trật tự từ quyết định từ loại (word-form); lựa chọn từ đối với các collocation quen thuộc (chẳng hạn với do/make/have/get…), hay các cụm động từ (phrasal verbs) quen thuộc liên quan đến look/put/take/get…. Thể hiện trong đề thi minh họa: xác định từ loại tính từ đứng trước danh từ (câu 14), nhận biết collocation quen thuộc của make + sugggestions (câu 16); hiểu được nghĩa của câu và cách dùng cụm động từ quen thuộc như trường hợp của put on (câu 15).
– 1 câu tìm từ đồng nghĩa (trạng từ,/tính từ): trường hợp này không cần dựa quá nhiều vào ngữ cảnh. Như có thể thấy trong đề thi minh họa, các em học sinh cần hiểu nội dung câu và từ in đậm để chọn từ cùng nghĩa: instantly – immediately (câu 20)
– 1 câu tìm từ trái nghĩa (trạng từ,/tính từ): trường hợp này không cần dựa quá nhiều vào ngữ cảnh. Trong đề thi minh họa, các em học sinh cần hiểu được ý nghĩa của câu và từ in đậm để chọn cặp từ trái nghĩa: encouraging – negative (câu 22).
– 3 câu tìm lỗi sai: sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ, quy tắc song song của các thành phần câu giống nhau, phân từ quá khứ/hiện tại. Thể hiện trong đề thi minh họa: quy tắc về sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ (câu 43); hiểu được quy tắc song song giữa các động từ khi nhiều hoạt động được liệt kê cùng một lúc (câu 44); phân từ hiện tại đóng vai trò là tính từ có đuôi Ing thường bổ nghĩa và đứng trước danh từ chỉ vật, mang nghĩa chủ động, nên entertained + application là sai, cần phải sửa thành entertaining + application (câu 45).
– 2 câu chức năng giao tiếp: tiếp nhận và đáp lời khen, tiếp nhận và đáp lời cảm ơn, tiếp nhận và đáp lời xin lỗi, tiếp nhận và đáp lại yêu cầu, thể hiện quan điểm đồng ý/không đồng ý…
Những chức năng giao tiếp này được thể hiện trong đề thi minh họa như sau: tình huống một khách hàng đưa ra yêu cầu, phục vụ nhà hàng thực hiện yêu cầu cùng lời đáp lại “Here you are” (câu 24); hiểu được tình huống đưa ra, và thể hiện sự đồng ý (câu 25).
– 3 câu đọc hiểu và điền vào chỗ trống trong đoạn văn: ngữ pháp về đại từ quan hệ, từ hạn định chỉ số lượng (all, every, most, many, much, some, few, little, any, another, other, no…), và từ nối (thuận/nghịch/tăng tiến/nhượng bộ/giải thích…). Thể hiện trong đề thi minh họa: nhận biết đại từ quan hệ chỉ người who đi sau danh từ chỉ người people (câu 27); hiểu được ý của từ hạn định other và sự đối lập giữa 2 đối tượng you và other people (câu 28); hiểu được kiến thức về từ nối và dựa trên nghĩa của 2 câu liền nhau để chọn từ nối thể hiện nghĩa đối lập However (câu 30).
– 5 câu đọc hiểu (nằm trong 2 bài bài đọc hiểu, gồm một bài 5 câu hỏi và một bài 7 câu hỏi): Các em nên tập trung vào trả lời các câu hỏi quy chiếu, hoặc câu hỏi thông tin cụ thể trong bài đọc.
Thể hiện trong đề thi minh họa là các câu 32, 34, 37, 39, 40. Ví dụ đối với câu 32, các em cần nhận biết nghĩa của từ the stuff và dựa vào từ khóa card board của câu trước; đối với câu 34 các em cần tìm thông tin trong các câu xung quanh và câu chứa thông tin được hỏi để quyết định chọn đáp án là packaging; các câu 37, 39, 40 đều là những câu tham chiếu thông tin, các em chỉ cần xem lại dòng chứa thông tin chi tiết trong bài đọc.
– 1 câu viết lại câu sao cho gần nghĩa nhất với câu đã cho: các em nên ôn lại cách chuyển so sánh hơn thành so sánh không ngang bằng, cách chuyển câu trực tiếp sang câu gián tiếp, cách sử dụng động từ khuyết thiếu (modal verbs) để diễn tả khả năng xảy ra của hành động. Trong đề thi minh họa, câu gốc ở dạng so sánh hơn kém, và đáp án đúng sẽ là 1 câu so sánh không ngang bằng (câu 46).
2. Đối tượng học sinh Khá Giỏi, mục tiêu cần đạt từ trên 6,0 – 8,5 điểm (15 câu).
Các em học sinh có năng lực tiếng Anh ở mức Khá trở lên cần làm tốt 15 câu trong phần vận dụng này để ghi thêm 3 điểm nữa cho mình. Các em có thể tạm thời bỏ qua các câu hỏi khó hơn ở phần vận dụng cao (6 câu). Các câu hỏi phần vận dụng cần quan tâm là những câu sau đây:
– 2 câu ngữ pháp: thì động từ (có dấu hiệu nhận biết là sự tương quan với thì của mệnh đề còn lại), cụm giới từ ít quen thuộc, mệnh đề quan hệ rút gọn. Thể hiện trong đề thi minh họa là các câu 10 và 13. Ví dụ, thì của động từ trong mệnh đề sau since là quá khứ đơn, trước since là thì hiện tại hoàn thành (câu 10); vận dụng kiến thức mệnh đề quan hệ rút gọn vào tình huống câu đưa ra (câu 13).
– 2 câu từ vựng ở mức độ vận dụng: sử dụng kiến thức về collocation (VD: make a decision/progress, do sb harm/good…) để lựa chọn chính xác từ cần điền. Như có thể thấy trong đề thi minh họa, các em học sinh cần dựa vào từ khóa để chọn ease the pressure + on, để loại trừ emphasis + on (câu 18); cần hiểu được ý nghĩa câu và ngữ cố định pursue + career (câu 17).
– 1 câu tìm từ đồng nghĩa: cụm động từ (phrasal verbs), thành ngữ (idioms) và mệnh đề quan hệ; cần dùng phương pháp đoán nghĩa trong ngữ cảnh, và phương pháp loại trừ. Trong đề thi minh họa, các em cần vận dụng quy tắc về sử dụng mệnh đề quan hệ để giải thích cho danh từ, đồng thời phải hiểu ý nghĩa của câu để chọn từ đồng nghĩa (câu 21).
– 1 câu tìm từ trái nghĩa: cụm động từ (phrasal verbs), thành ngữ (idioms), nghĩa của từ với tiền tố/ hậu tố phủ định, và mệnh đề quan hệ; cần dùng phương pháp đoán nghĩa trong ngữ cảnh, và phương pháp loại trừ (câu 23 trong đề thi minh họa).
– 1 câu đọc điền vào chỗ trống trong đoạn văn: liên quan tới các cụm động từ, giới từ theo sau tính từ, cụm từ cố định, ngữ cố định (VD: make friends)…. Trong đề thi minh họa, các em cần hiểu được nghĩa của câu và cấu trúc aware + of để chọn đúng đáp án này (câu 26).
– 5 câu đọc hiểu (nằm trong 2 bài đọc hiểu, gồm một bài đọc 5 câu hỏi và một bài đọc 7 câu hỏi): Các em nên tập trung vào trả lời các câu hỏi tìm ý chính ở cấp độ vận dụng; câu tìm từ gần nghĩa trong ngữ cảnh (mức độ vận dụng), suy đoán nghĩa dựa vào văn cảnh.
Thể hiện trong đề thi minh họa là 2 câu hỏi ý chính (câu 31 và 36); 1 câu tìm từ gần nghĩa trong ngữ cảnh (câu 33); và câu và suy đoán nghĩa của các từ dựa vào ngữ cảnh (câu 38 và 41).
– 2 câu viết lại câu gần nghĩa nhất với câu đã cho: các em nên ôn lại cách chuyển câu trực tiếp sang câu gián tiếp, dạng hoàn thành hoặc thức giả định của động từ tình thái (may, could, must have done, should have done, …) để diễn tả khả năng xảy ra của hành động.
Trong đề thi minh họa, câu gốc ở dạng câu trực tiếp, và đáp án đúng sẽ là 1 câu thuật lại ở dạng gián tiếp (câu 47); và câu gốc là câu chỉ khả năng không chắc chắn của hành động với từ perhaps, và đáp án đúng sẽ là 1 câu sử dụng động từ khuyết thiếu để diễn tả khả năng xảy ra của hành động (câu 48).
– 1 câu kết hợp câu (ghép 2 câu đơn thành 1 câu ghép/phức): vận dụng kiến thức về từ nối ở thức giả định (đặc biệt) trong các câu điều kiện với unless, if, in case, provided, wish, if only… và khả năng tạo nghĩa phù hợp giữa các mệnh đề trong câu mới. Trong đề thi minh họa, câu mới được tạo ra từ hai câu đơn bằng từ nối ở thức giả định provided (câu 49).
3. Đối tượng học sinh Giỏi và Xuất sắc, mục tiêu cần đạt từ 9.0 điểm trở lên.
Các em học sinh có năng lực tiếng Anh ở mức Giỏi trở lên có thể hướng đến việc hoàn thành được 6 câu trong phần vận dụng cao này để ghi thêm 1 điểm nữa cho mình. Các câu hỏi phần vận dụng cao liên quan tới các vấn đề sau đây:
– 1 câu ngữ pháp: vận dụng sự tương quan giữa từ nối với thì của động từ ở các mệnh đề. Thể hiện trong đề thi minh họa là câu 12: mệnh đề chính của câu ở thì tương lai, tiến trình của hành động cần từ mang nghĩa sau khi, vậy chỉ có as soon as hoặc after là phù hợp.
Tuy nhiên sau từ nối after là thì quá khứ hoàn thành thì không phù hợp với thì của mệnh đề chính; vậy as soon as và thì hiện tại hoàn thành là phù hợp để bắt đầu mệnh đề phụ này.
– 1 câu từ vựng: vận dụng tốt kiến thức về thành ngữ vào các tình huống được đưa ra, ví dụ như thành ngữ “a house on fire” ở câu 19 trong đề thi minh họa.
– 1 câu điền từ vào chỗ trống trong đoạn văn: vận dụng tốt kiến thức về từ loại và khả năng dịch đoán nghĩa của câu, các tính từ nâng cao ít phổ biến (câu 29 trong đề thi minh họa)
– 2 câu đọc hiểu: các câu hỏi về đúng sai có tính suy luận cao, cần phải suy đoán nghĩa của các từ dựa vào văn cảnh (câu 35 và 42 trong đề thi minh họa).
– 1 câu kết hợp câu (ghép 2 câu đơn thành 1 câu ghép/ phức): vận dụng kiến thức về hiện tượng đảo ngữ. Trong đề thi minh họa, câu mới được tạo ra từ hai câu đơn bằng cách dùng đảo ngữ của so…that (câu 49 trong đề thi minh họa).
Nhìn chung, đề minh họa lần này khá nhẹ nhàng và đảm bảo giảm tải kiến thức theo chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Dự đoán phổ điểm môn tiếng Anh năm nay sẽ cao hơn những năm trước do số lượng các câu hỏi khó ít hơn hẳn, những câu đòi hỏi suy luận cao chủ yếu rơi vào phần Đọc hiểu.
Nếu bỏ qua các câu hỏi khó này, và đảm bảo làm tốt các câu hỏi ở mức độ thấp hơn như vận dụng, thông hiểu, nhận biết thì điểm 8,5 trong bài thi tiếng Anh hoàn toàn không khó đối với những học sinh học khá môn này.
Chúc các em có một kì thi thật thành công!
TS. Nguyễn Việt Hùng, Khoa Quốc tế – ĐHQG Hà Nội