Theo quy chế, năm nay thí sinh chỉ được thay đổi nguyện vọng xét tuyển một lần duy nhất bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp.
Phương thức điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến đã kết thúc vào ngày 21.7, nhưng tới cuối ngày 23.7 thì phương thức điều chỉnh bằng phiếu ở các trường mới kết thúc. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có gần 100.000 thí sinh điều chỉnh lại nguyện vọng của mình.
Chia sẻ về sự thay đổi này, nhiều thí sinh cho biết do điểm thi năm nay khá cao nên việc các trường đại học tăng điểm cao hơn so với năm trước là hoàn toàn có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, rất nhiều thí sinh đạt điểm 10 sau kỳ thi THPT quốc gia 2017 nên dù có điểm thi khá cao nhưng một số thí sinh vẫn muốn thay đổi nguyện vọng để khả năng đậu vào trường mình muốn một cách chắc chắn.
Trao đổi về quy chế mới này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, việc thí sinh thay đổi nguyện vọng cũng là để cho các em có cơ hội vào các trường yêu thích và phù hợp với số điểm của mình. Việc cho phép thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển đã tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh và nhà trường.
Điểm mới trong công tác tuyển sinh năm nay còn ở chỗ là các trường được tự chủ ở mức độ cao.
Ở miền Bắc và miền Nam đều hình thành nhóm trường với trên 50 trường đại học tham gia. Thông qua nhóm xét tuyển này, các trường sẽ hỗ trợ nhau sàng lọc thí sinh ảo vì năm nay thí sinh được đăng ký nguyện vọng không giới hạn và sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên của mình.
Căn cứ vào nguyện vọng đã đăng ký và số điểm đạt được, thí sinh sẽ chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Như vậy, quyền lợi của thí sinh được đảm bảo ở mức cao nhất.
Để công tác tuyển sinh được thuận lợi, Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ các trường về cơ sở dữ liệu, kỹ thuật, phần mềm lọc ảo. Sau khi các nhóm hỗ trợ nhau ở từng vùng miền thì cả hệ thống sẽ cùng sử dụng phần mềm lọc ảo hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Với quy định thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất cùng việc hỗ trợ sàng lọc thí sinh ảo của Bộ GD-ĐT, các trường có thể sàng lọc được số lượng thí sinh ảo một cách khoa học, dễ dàng hơn.
Khẳng định sự thay đổi nguyện vọng của các thí sinh rất có lợi cho các trường tốp trên, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho biết, các trường đại học tốp trên lấy được những thí sinh tương đối đồng đều. Chính điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng dạy và học ngay trong trường. Còn các trường tốp dưới sẽ khó tuyển sinh vì không tuyển được các thí sinh có số điểm cao, thậm chí sẽ không còn các thí sinh chất lượng để đưa vào các lớp trọng điểm của trường.
Năm nay, mức điểm sàn cho tất cả khối thi là 15,5 điểm (cao hơn năm 2016 là 0,5 điểm). Mặc dù Bộ GD-ĐT đã xác định bỏ điểm sàn từ kỳ tuyển sinh năm 2018, song vẫn có ý kiến băn khoăn về chất lượng đào tạo của các trường tốp giữa và thấp hơn. Đây cũng là bài toán khiến các trường buộc phải suy nghĩ và chuyển mình trong thời gian tới.
Theo Motthegioi