Giai đoạn 2021-2023, kỳ thi THPT quốc gia về căn bản giữ ổn định phương thức thi như hiện nay và tính toán những nơi nào có điều kiện, sẽ từng bước thực hiện thi trên máy tính một số lần/năm. Việc tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính có thể ở một số vùng miền thuận lợi trước, để tiến tới thi đại trà.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết như vậy tại Hội nghị “Tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ 2019-2020 đối với giáo dục Trung học”, do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Đà Nẵng ngày 10/8.
Theo ông Trinh, sẽ có một số định hướng điều chỉnh thi, kiểm tra đánh giá trong thời gian sắp tới.
Theo đó, Bộ sẽ cố gắng phất đấu xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi, trên cơ sở đó, các Sở sử dụng để đánh giá, kiểm tra thường xuyên.
Về thi THPT quốc gia, hiện đã qua 5 mùa tổ chức, kỳ thi càng ngày càng hoàn thiện tốt hơn. Chúng ta sẽ ổn định kỳ thi này đến năm 2020.
Giai đoạn 2021-2023 vẫn thực hiện chương trình GDPT hiện hành. Theo lộ trình, năm 2024 sẽ có mùa thi THPT quốc gia đầu tiên theo chương trình GDPT mới.
Do đó, định hướng kỳ thi THPT quốc gia giai đoạn năm 2021-2023 về căn bản vẫn giữ phương thức như hiện nay, song song với đó, chúng ta phải thực hiện các bước cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo mà chủ yếu là làm sao tiệm cận với cách thức thi của chương trình GDPT mới và tiếp cận quốc tế.
“Chúng tôi đang tính toán, giai đoạn 2021-2023 kỳ thi THPT quốc gia về căn bản giữ ổn định phương thức thi như hiện nay, những nơi nào có điều kiện, từng bước thực hiện thi trên máy tính một số lần/năm.
Việc tổ chức thi trên máy có thể tổ chức ở một số vùng miền thuận lợi trước, trên cơ sở hình thành dần các test site (vệ tinh của trung tâm khảo thí quốc gia) để tiến tới thi THPT quốc gia đại trà trên máy tính”, ông Trinh cho biết.
Cũng theo Cục trưởng, từ năm 2021, sẽ có sự đổi mới để chuẩn bị cho năm 2024 – năm đầu tiên thi THPT quốc gia theo chương trình mới. Theo đó, sẽ xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hoá để thi trên máy tính.
Một số đại diện sở GD&ĐT đồng tình và đóng góp ý cho phương án thi dự kiến này.
Ông Nguyễn Văn Tuế – Phó GD Sở GD&ĐT Quảng Ninh, đại diện các Sở GD&ĐT Thái Bình, Hà Tĩnh… cho rằng, đổi mới phương án thi là cần thiết và ủng hộ nhưng cần tính toán lộ trình.
Ông Tuế cho rằng, việc ổn định kì thi rất quan trọng và rất khó. Trong đó, cũng cần có những đổi mới để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Còn theo ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình, việc thi trên máy tính, Bộ cần công bố lộ trình.
“Theo tôi được biết, hiện nay Bộ Nội vụ thi nâng ngạch đã có bộ đề và thi trên máy tính, thấy cũng thuận lợi. Do đó tôi cho rằng, chủ trương rất đúng và cần thiết nhưng cần có lộ trình”, ông Hiển nói.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Tĩnh chia sẻ, về cơ bản phương án thi giai đoạn tới giữ ổn định rất đồng tình.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cần giảm áp lực của kì thi này cho các địa phương, tăng cường tự chủ trong tuyển sinh của các trường đại học.