Nhiều giáo viên dự đoán đề thi THPT quốc gia năm 2019 dễ hơn năm ngoái nên điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng.
Bộ GD&ĐT vừa công bố đáp án tất cả môn thi THPT quốc gia 2019. Theo dự đoán của nhiều giáo viên, điểm chuẩn vào các trường đại học năm nay tăng trong khoảng 1-2 điểm, tùy trường và ngành học.
Điểm chuẩn vào khối C, D tăng từ 1-1,5 điểm
Thầy Tạ Quang Quyết – giáo viên dạy Lịch sử tại Hà Nội – cho hay đề thi THPT quốc gia 2019 có sự điều chỉnh về mức độ so với năm 2018. Độ khó của đề thi Lịch sử đã giảm nhưng không nhiều.
Đề có sự phân hóa khá tốt, từ câu 28 của tổ hợp Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân), mức độ khó tăng lên để lựa chọn thí sinh vào đại học, cao đẳng.
Thầy Quyết đánh giá phổ điểm năm nay chủ yếu là 7. Số thí sinh đạt 8, 9 điểm cũng nhiều, hiếm điểm 10. Trên cơ sở đó, mức trúng tuyển vào các trường đại học có thể tăng từ 1-1,5 điểm.
Là giáo viên dạy Tiếng Anh nhiều năm, cô Vũ Thị Mai Phương nhận định phổ điểm môn này tập trung mức 6-8. Học sinh trung bình dễ dàng đạt 5-6 điểm. Sĩ tử học lực khá đạt 7-8 điểm. Những em học tốt Tiếng Anh, dự thi khối A1, D sẽ có nhiều điểm 8-9.
Theo cô Mai Phương, đề thi năm nay dễ hơn năm ngoái, đặc biệt ở phần đọc hiểu và một số câu từ vựng (từ đồng nghĩa, trái nghĩa). Phần tìm lỗi sai hay ngữ pháp cũng dễ dàng tìm ra đáp án. Vì vậy, điểm chuẩn sẽ tăng từ 1-1,5 điểm.
Khối A, A1 sẽ biến động từ 1-2 điểm
Sau khi giải đề Vật lý, cũng như tham khảo ý kiến của một số đồng nghiệp dạy các môn khác, thầy Phạm Văn Tùng, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, nhận định sĩ tử có thể dễ dàng lấy 6 điểm ở môn Toán, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh.
Tuy nhiên, bắt đầu ở mức độ điểm 7, đề thi Vật lý phân hóa mạnh. Học sinh chăm chỉ có cơ hội đạt 8 điểm dễ hơn năm 2018 nhưng để lấy điểm 9 hoặc hơn, các em phải vượt qua những câu có độ khó tương đương năm ngoái.
Nam giáo viên dự đoán phổ điểm môn Vật lý khoảng 6-7. Số lượng điểm 9-10 sẽ tương đương năm 2018 hoặc có thể cao hơn về số điểm 9. Rất ít thí sinh đạt điểm 10. Xét tổng thể, điểm môn Vật Lý sẽ dịch chuyển so với năm ngoái từ 0,25-0,5 điểm đối với các trường xét tuyển môn này.
Dự đoán điểm môn Toán tăng từ 0,5-1 điểm (tùy trường). Vật Lý, Hóa Học, Tiếng Anh sẽ khiến mức trúng tuyển đại học tăng khoảng 0,5 điểm cho mỗi tổ hợp xét tuyển có các môn trên.
Với các trường hoặc ngành “cửa dưới” hay “bậc trung”, điểm chuẩn khối A, A1 được dự báo biến động khá mạnh, khoảng 1 đến 2 điểm.
Các trường hoặc ngành “hot”, điểm chuẩn khối A, A1 có thể tăng nhẹ từ 0,5 đến 1 điểm, hoặc giữ nguyên như năm trước.
Tuy nhiên, theo thầy Phạm Văn Tùng, đây chỉ là nhận định bước đầu. Điểm chuẩn vào các trường sẽ được dự đoán chính xác hơn ở thời điểm Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm các môn thi, khi đó có căn cứ đối chiếu với phổ điểm năm 2018.
Thí sinh nên chờ đợi để sắp xếp lại nguyện vọng
Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên dạy Sinh học tại Hà Nội, cho rằng việc Bộ GD&ĐT công bố đáp án môn thi giúp học sinh sơ bộ đánh giá được điểm của mình một cách tương đối chính xác.
Đối với ngành Y, 2 đơn vị có điểm sàn trúng tuyển luôn ở mức cao nhất là ĐH Y Hà Nội và ĐH Y Dược TPH.CM. Mức trúng tuyển của 2 trường khá tương đương nhau qua các năm và thường được coi là mốc để dự đoán.
Năm 2017, điểm sàn cao ngất ngưởng, thí sinh đạt 29,2 điểm vẫn trượt ngành Y Đa khoa của ĐH Y Hà Nội. Đến năm 2018, điểm sàn giảm mạnh, chỉ còn 24,75 (điểm sàn phụ thuộc rất nhiều vào đề thi).
Năm nay, chỉ tiêu ngành Y Đa khoa của ĐH Y Hà Nội giảm còn 400 (ít hơn 100 so với năm trước). Điều này khiến việc dự đoán điểm sàn càng khó hơn không chỉ với ngành này mà còn các ngành khác trong khối Y – Dược, vì có sự di chuyển nguyện vọng trong xét tuyển.
So với mức độ đề, dự đoán điểm mà học sinh báo về sau khi biết đáp án trắc nghiệm, có thể dự đoán điểm trúng tuyển của khối ngành Y sẽ tăng một chút so với 2018, tùy từng ngành.
Thầy Nguyễn Thành Công đưa ra lời khuyên thí sinh nên chờ phổ điểm từng môn và từng khối của Bộ GD&ĐT để đăng ký, sắp xếp lại các nguyện vọng theo thứ tự phù hợp, nhằm tăng khả năng đỗ vào các trường mình ưu tiên.