Từ năm 2015, quy chế tuyển sinh đại học – cao đẳng có nhiều thay đổi, các thí sinh sau khi biết điểm thi của mình mới đăng ký chọn trường, chọn ngành. Phương thức tuyển sinh này có nhiều lợi thế như bớt rủi ro cho thí sinh, hạn chế tình trạng thí sinh ảo. Tuy nhiên, có một vấn đề khó khăn của các bạn thí sinh là làm sao để chọn được đúng trường, đúng ngành phù hợp với năng lực bản thân.
Rất nhiều trường đại học – cao đẳng tổ chức những buổi tư vấn hướng nghiệp, tuy nhiên, những thông tin đưa ra vẫn khá chung chung. Xin được gửi tới bạn đọc 5 quy tắc chọn ngành, chọn nghề nhằm giúp các sĩ tử 12 có được những quyết định tốt nhất
Chọn ngành trước khi chọn trường
Trong quá trình chọn nguyện vọng thi đại học – cao đẳng, một số học sinh thường có xu hướng chọn trường trước, sau đó mới chọn ngành. Điều này dễ dàng dẫn đến hiện trạng nhiều bạn cảm thấy ngành mình học không phù hợp và đứng giữa quyết định khó nhằn ở giai đoạn năm hai, năm ba: bỏ ngang ngành mình đang học để bắt đầu lại hay gắng gượng vì nuối tiếc công sức phấn đấu suốt một thời gian dài.
Vì vậy, việc chọn ngành nên được ưu tiên thực hiện trước khi chọn trường để hạn chế những rủi ro trong tương lai. Khi chọn ngành, bên cạnh sở thích, đam mê, học sinh nên cân nhắc các yếu tố về khả năng, sở thích cùng triển vọng của ngành nghề đó trong vòng 5 năm tới.
Đừng vội chọn ngành khi chưa hiểu rõ bản chất
Nhiều người nghĩ rằng, chỉ cần điểm đầu vào thật cao và học ngành đúng khối thi “thế mạnh” của mình là đã nắm chắc thành công 4 năm đại học. Tuy nhiên, đó chỉ mới là bước đầu, đưa bạn chạm đến cánh cửa của trường đại học, cao đẳng, bởi sau cánh cửa đó là một hành trình đầy khắc nghiệt đang đón chờ nếu bạn không nắm rõ bản chất của ngành mình có ý định theo đuổi..
Ví dụ, đặc thù ngành Y là thường xuyên phải tiếp xúc với máu. Nếu một sinh viên Y sợ máu thì dù đã từng học giỏi đến đâu, người đó cũng khó lòng trở thành một bác sĩ trong tương lai. Vì vậy, khi chọn ngành nghề, việc xem nhẹ những điểm mạnh cũng như điểm yếu của bản thân khi chọn ngành có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng.
Không nên chọn ngành học theo hiệu ứng đám đông
Những ngành như Quản trị Kinh doanh nghe có vẻ thật hào nhoáng, bạn sẽ biết tất cả mọi thứ sau 4 năm đại học nhưng điều này thật sự nguy hiểm. Việc cái gì cũng biết đến cuối cùng lại thành không biết gì.
Vì vậy, bạn hãy chọn một chuyên ngành thật cụ thể để theo đuổi.
Chọn trường đào tạo đúng ngành
Khi đã chọn được ngành phù hợp, hãy thật cẩn thận trong việc chọn ngôi trường để “chọn mặt gửi vàng”. Một trong những lời khuyên của các chuyên gia mỗi mùa tư vấn tuyển sinh là nên chọn trường có thế mạnh trong lĩnh vực mà mình đã chọn.
Một trong những khối ngành hot được nhiều trường “đổ xô” mở thêm ngành đào tào là khối ngành Kinh tế. Tuy nhiên trước khi nộp hồ sơ, các bạn sĩ tử 12 nên đặt ra câu hỏi : “Liệu tấm bằng Kinh tế ở những trường đại học không thuộc nhóm ngành kinh tế thì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá như thế nào?”, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho bản thân.
Môi trường học tập cởi mở
Việc chọn trường đại học – cao đẳng không nên chỉ dừng ở chất lượng đào tạo hay điểm chuẩn. Để một sinh viên học tập hiệu quả trong suốt 4 năm đại học, môi trường học tập thoải mái cũng là một tiêu chí quan trọng.