fbpx
Home Tin tuyển sinh Điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học thế nào để tỷ lệ đỗ cao nhất?

Điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học thế nào để tỷ lệ đỗ cao nhất?

0
Điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học thế nào để tỷ lệ đỗ cao nhất?

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia, các trường ĐH lần lượt công bố mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển, không ít thí sinh đang lo lắng về việc điều chỉnh nguyện vọng do kết quả thi thấp hơn so với mức điểm chuẩn những năm trước của các ngành đã đăng ký.

Tham gia Ngày hội tư vấn xét tuyển CĐ, ĐH do Bộ GD-ĐT phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức ngày 15/7, Lê Quỳnh Chi (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, em thi THPT quốc gia được 19 điểm và không khỏi do dự khi đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Quản trị kinh doanh của Học viện Tài chính. “Nếu so sánh với mức điểm của năm 2017, thì khả năng đỗ của em rất thấp. Do đó em đang suy nghĩ đến việc sẽ thay đổi NV1 sang trường khác có mức điểm thấp hơn, cùng đào tạo ngành này”.

Cùng chung tâm trạng, Nguyễn Khánh Linh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng băn khoăn khi điểm thi THPT quốc gia thấp hơn nhiều so với dự đoán cũng như điểm chuẩn các năm trước.

“Em được 22 điểm, đăng ký NV1 vào ngành Kinh tế quốc tế của ĐH Ngoại Thương, NV2 vào ngành Kế toán của Học viện Tài chính. Tuy nhiên với mức điểm này khiến em rất lo lắng, em đang tìm hiểu để đăng ký thêm nguyện vọng tại các trường có phổ điểm thấp hơn như ĐH Thương Mại, Công nghiệp, Công đoàn… Bên cạnh đó, em cũng đang rất thắc mắc, nếu không trúng tuyển vào ĐH Ngoại thương, nhưng đủ điểm vào Học viện Tài chính, em có trúng tuyển hay không, hay trường sẽ ưu tiên những thí sinh đăng ký NV1 dù có điểm thi thấp hơn hoặc bằng em”, nữ sinh băn khoăn.

Điều chỉnh nguyện vọng theo nguyên tắc nước chảy

Trước những băn khoăn của nhiều thí sinh, chia sẻ tại buổi tư vấn xét tuyển, TS Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính cho biết, theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, các nguyện vọng được các trường xét tuyển bình đẳng. Nếu không trúng tuyển NV1, thí sinh sẽ được trường NV2 xét tuyển bình đẳng với các thí sinh khác đăng ký vào ngành đó căn cứ vào điểm thi, không phân biệt thứ tự NV. Chỉ có 1 điểm chuẩn cho tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển vào mỗi ngành.

TS Tùng cũng lưu ý, khi đăng ký xét tuyển đại học, thí sinh có 2 cách: “Thứ nhất, các em có thể chọn trường mà mình yêu thích, trong đó chọn các ngành theo thứ tự điểm từ cao đến thấp. Nhiều em đặt câu hỏi, từ 16-17 điểm, thì nên chọn trường nào. Lời khuyên cho các em là, với phổ điểm này, các em nên chọn theo ngành. Lúc này thí sinh không cần quan tâm rằng đây là trường công hay trường ngoài công lập, chỉ cần tập trung vào ngành đào tạo. VD, cùng ngành kế toán, 22 điểm, các em có thể đăng ký NV1 vào ĐH Kinh tế quốc dân, NV2 vào HV Tài chính hay ĐH Thương Mại, ở các nguyện vọng sau, các em chọn các trường có mức điểm thấp hơn hẳn. Đây là nguyên tắc nước chảy khi các em đăng ký nguyện vọng để đảm bảo chắc chắn sẽ đỗ đại học”.

Về căn cứ để thay đổi, hay đăng ký bổ sung nguyện vọng, PGS.TS Lê Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại Thương cho rằng, hiện nay nhiều thí sinh đang dựa trên điểm chuẩn năm 2017 để thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Song thực tế, các em nên căn cứ vào phổ điểm mà Bộ GD-ĐT đã công bố cũng như mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển mỗi trường. Năm 2017, mức điểm thi cao hơn nhiều so với năm nay, do đó, để chính xác nhất, thí sinh nên tham khảo mức điểm trúng tuyển các trường thời kỳ chưa thi 3 chung, khoảng các năm 2014, 2015 để xác định nguyện vọng và đăng ký vào các trường cho phù hợp.

Còn theo PGS.TS, chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà (Khoa Quản lý giáo dục, ĐH Giáo dục – ĐHQGHN), sau khi biết điểm, thí sinh thường có tâm lý vội thay đổi nguyện vọng, dựa trên mức điểm chuẩn của các năm trước, do đó gây ra những thay đổi lớn trong việc xét tuyển.

“Thực tế, có nhiều học sinh trượt oan ức hoặc đỗ một cách oan ức vì thay đổi nguyện vọng không đúng. Các em lo lắng NV1 không đỗ, nên thay đổi đăng ký trường khác có mức điểm thấp hơn, nhưng khi biết điểm, thì các em lại đủ điểm vào trường mà mình đã thay đổi vì lo trượt.

Các em chỉ thay đổi khi đã có sự nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ, nếu thấy không có khả năng thì mới đổi nguyện vọng. Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên lần lượt như sau: NV1 dành cho những trường có mức điểm cao hơn, NV 2 cho trường ngang với mức điểm của bản thân và NV3 cho các trường thấp hơn mức điểm của mình để chắc chắn đỗ”, PGS.TS Phạm Mạnh Hà lưu ý.

TS Hà cho rằng, nếu tất cả các thí sinh đồng loạt thay đổi nguyện vọng sẽ tạo ra tỷ lệ ảo rất lớn trong quá trình xét tuyển, từ đó dẫn đến những biến động về điểm chuẩn khác xa so với dự đoán ban đầu.

Chuyên gia này dẫn chứng, có năm các trường top giữa, top dưới tăng 2-3 điểm so với điểm chuẩn năm trước, trong khi các trường top trên điểm không tăng nhiều do thí sinh có tâm lý sợ hãi, lo lắng trượt trường cao, đổ xô vào các trường mức trung để chắc chắn.

Bên cạnh đó, TS Hà cũng tư vấn các thí sinh không nên xét tuyển cùng lúc nhiều nhóm ngành khác nhau từ kinh tế, kỹ thuật đến khoa học xã hội và nhân văn, mà nên xác định chính xác năng lực, sở thích của bản thân để chọn ngành phù hợp nhất.

“Nếu các em chọn ngành dàn trải, sẽ rất khó để có việc làm sau khi ra trường. Thí sinh chỉ nên chọn từ 1-2 ngành mà mình thực sự yêu thích và lựa chọn các trường có mức điểm phù hợp”, thầy Hà nhấn mạnh.

Theo lịch của Bộ GD-ĐT, từ ngày 19/7-26/7, thí sinh tham gia xét tuyển đại học sẽ chính thức thực hiện điều chỉnh nguyện vọng (theo hình thức trực tuyến) và từ ngày 19/7-28/7, điều chỉnh theo hình thức bằng phiếu. Thí sinh được thực hành điều chỉnh nguyện vọng duy nhất 1 lần dựa trên dữ liệu đã đăng ký./.

Theo VOV

Comments

comments