Bài viết này sẽ giới thiệu cho các bạn có nhu cầu tìm hiểu về khái niệm của điện tử viễn thông, những bạn có ý định học theo ngành này, hay thậm chí các bạn đang học hay ra trường nhưng vẫn không hiểu rõ là mình đã và đang học những thứ này để làm gì.
Điện tử viễn thông là gì?
Điện tử viễn thông là ngành sử dụng những công nghệ tiên tiến, tạo nên các thiết bị giúp cho việc truy xuất thông tin bạn muốn có.Đó có thể là những thiết bị điện tử thông thường gắn liền với cuộc sống hằng ngày như: Đài, TV, điện thoại cho tới những hệ thống phức tạp chưa đến 1s đã chuyển thông tin từ châu lục này tới châu lục khác, từ vệ tinh bay trên bầu không khí quyển tới Trái Đất.
Lĩnh vực điện tử:
Đây là lĩnh vực nghiên cứu và chế tạo ra các vi mạch điện tử – “bộ não” điều khiển toàn bộ hoạt động của các thiết bị thông minh. Với sự nỗ lực không ngừng của các chuyên gia, những vi mạch ngày càng trở nên bé nhỏ và thông minh hơn. Ngày nay, một trong những hướng nghiên cứu được thế giới tập trung phát triển là các “chip sinh học”. Đây là những con chip có cấu trúc như cấu trúc của ADN, giúp tăng cường tối đa khả năng lưu trữ.
Lĩnh vực viễn thông:
Lĩnh vực viễn thông là ngành nghiên cứu và sử dụng các thiết bị điện tử viễn thông để tạo nên các mạng viễn thông. Bạn thường nghe nói chúng ta đang sống trên xa lộ thông tin? Các mạng viễn thông này chính là xa lộ thông tin ấy – nơi bạn có thể kết nối thông tin liên lạc với mọi nơi.
Mạng viễn thông là phương tiện truyền thông tin từ đầu phát tới đầu thu, gồm các thành phần chính: thiết bị chuyển mạch, thiết bị truyền dẫn, môi trường truyền, thiết bị đầu cuối.
Nếu điện tín (1884), điện thoại (1876), radio (1895) và vô số tuyến truyền hình (1925) đã thay đổi cách thức giao tiếp của con người thì sự xuất hiện của thông tin viễn thông (1960), sợi quang học (1977) và mới nhất là công nghệ thông tin không dây tạo nên 1 hệ thần kinh thông minh, nhạy bén trên Trái Đất.
Có thể nói lĩnh vực viễn thông đã làm thay đổi bộ mặt của Trái Đất hiện thực hóa khả năng liên kết của mỗi người, mỗi quốc gia. Gắn kết mọi người với nhau nhờ 1 mạng lưới viễn thông vô hình và vô hình trên khắp Trái Đất và vũ trụ.
Sự hội tụ của ngành điện tử viễn thông và các ngành khác
Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu sử dụng và truyền dữ liệu của con người cũng tăng lên theo hàm số mũ. Ngành Điện tử Viễn thông tự hào là ngành đưa tri thức của mọi người đến mỗi người và ngược lại…
Ngành Điện rử Viễn thông không ngừng phát triển để đem lại sự hội tụ (hay sự thống nhất) về các loại hình dịch vụ truyền dữ liệu như điện thoại, truyền hình (truyền hình quảng bá và truyền hình theo yêu cầu)… Dữ liệu internet băng rộng đã thúc đẩy ngành Công nghệ thông tin phát triển lên 1 mức cao hơn, loại hình dịch vụ đa dạng hơn và chi phí rẻ hơn.
Các bạn có thể gọi điện thoại qua mạng internet, xem hình ảnh của bạn bè trên khắp thế giới, chia sẻ nguồn dữ liệu hay giao dịch mua bán ở khoảng cách rất xa…Trên tất cả, điều mà những người làm trong ngành Điện tử Viễn thông luôn hướng tới là tạo ra 1 thế giới gần gũi hơn cho tất cả mọi người.
Những tố chất giúp bạn thành công trong ngành Điện tử Viễn thông
Thông minh và năng động
Điện tử Viễn thông là 1 ngành công nghệ mới, đòi hỏi bạn phải có tư chất thông minh, sự năng động và niềm đam mê tìm hiểu các công nghệ mới trên thế giới và áp dụng nó vào thực tế tại Việt Nam.
Kiên trì, nhẫn nại
Làm khoa học đòi hỏi đức tính kiên trì và nhẫn nại. Các công việc trong ngành Điện tử Viễn thông chịu ảnh hưởng rất nhiều của yếu tố khác quan bên ngoài. Vì vậy, nếu bạn không có tính kiên trì và nhẫn nại thì khi 1 hệ thống gặp khó khăn, bạn khó có thể giải quyết được sự cố xảy ra.
Có mục tiêu và đam mê
Đây là điều không thể thiếu cho sự thành công ở bất cứ ngành nghề hay lĩnh vực khoa học nào và không ngoại từ Điện tử Viễn thông. Bạn trước hết cần phải có niềm đam mê thật sự, quyết tâm theo đuổi trong công việc. Khi đó bạn mới có thể tự mình đề ra mục tiêu phấn đấu, định hướng rõ ràng, lên kế hoạch cụ thể cho công tác học tập và nghiên cứu của mình.
Thế giới khoa học nói chung và ngành Điện tử Viễn thông nói riêng có rất nhiều điều thú vị, có thể làm bạn bị phân tán khỏi mục tiêu chính, hoặc tệ hơn, khiến bản cảm thấy chán nản trước 1 kho kiến thức rộng lớn nếu như bạn không có niềm đam mê.Tuy nhiên xin bạn đừng thất vọng hay e ngại, bởi niềm đam mê có thể được bồi đắp và mục tiêu có thể được nuôi dưỡng qua thời gian.
Tìm tòi, học hỏi, khả năng ngoại ngữ
Ngành Điện tử Viễn thông thường xuyên thay đổi, đòi hỏi các kĩ sư trong lĩnh vực này luôn phải đọc, tìm kiếm các công nghệ mới đã và đang được đưa ra trên thế giới, học tập qua nghiên cứu và thực tế tại các nước có ngành Điện tử Viễn thông phát triển.Khả năng đọc hiểu ngoại ngữ là yếu tố không thể thiếu trong ngành.
Các công nghệ mới, các chuẩn mới đưa ra đều được viết bằng tiếng nước ngoài (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức). Vì vậy nếu bạn không có khả năng ngoại ngữ thì bạn khó có thể nắm bắt đước các công nghệ mới. Ngược lại, với khả năng ngoại ngữ tốt, bạn có thể tự tin rằng bạn đã đi được 1 nửa chặng đường.
Khả năng làm việc theo nhóm ( Team-work)
Điện tử Viễn thông là ngành công nghệ cao, khối lượng công việc cùng sự phức tạp của nó đòi hỏi sự chung sức của rất nhiều người. Những người tham gia, bên cạnh năng lực làm việc và nghiên cứu độc lập, phải có khả năng làm việc theo nhóm, thực hiện tốt phần công việc của mình, góp phần hoàn thành công việc chung. Đối với người Việt Nam nói chung, khả năng này còn yếu, do vậy bạn sẽ phải rèn luyện ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để sau này có thể thích ứng ngay được với yêu cầu của công việc.
Trong thế giới Điện tử Viễn thông bạn sẽ làm gì?
Nghiên cứu, sáng tạo công nghệ mới, các thiết bị Điện tử Viễn thông mới
Nếu bạn thích tím tòi sáng tạo thì đây có thể là sự lựa chọn phù hợp với bạn. Cá kĩ sư làm việc trong lĩnh vực này dựa trên những ứng dụng của xã hội nói chung và ngành Điện tử Viễn thông nói riêng, phát triển các công nghệ mới, ứng dụng mới hữu ích và đơn giản hơn cho mọi người.Đây chính là lĩnh vực thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ ngành Điện tử Viễn thông, đem lại sự sáng tạo mới, phương thức liên lạc mới cho xã hội.
Lĩnh vực mạng, viễn thông
Trong lĩnh vực này, bạn không chỉ làm chủ các thiết bị truyền tin trên toàn cầu như hệ thống truyền dẫn: cáp quang, vệ tinh, hệ thống truyền tin không dây (vi ba) v.v… mà còn nắm rõ hoạt động của các thiết bị định tuyến, chuyển mạch tổng đài, giúp cho việc liên lạc giữa hàng tỉ người trên toàn cầu được chính xác…
Không chỉ vậy, bạn còn thiết kế các hệ thống mạng, từ hệ thống mạng LAN trong văn phòng, gia đình, tới những hệ thống mạng trục phức tạp, tinh vi, tạo nên hệ thần kinh cho mỗi quốc gia và toàn thế giới. Các hệ thống mạng không cần thông minh, đơn giản, tin cậy đối với khách hàng mà còn phải có khả năng an toàn trước những đợt tấn công của virus, hacker (tin tặc) phá hoại.
Lĩnh vực định vị dẫn đường.
Để mỗi chuyến bay cất cánh, hạ cánh an toàn, bay ở đúng tầm cao là công sức không chỉ của tổ bay mà còn của những thành viên các trạm kiểm soát không lưu đặt khắp nơi trên mặt đất. Đảm bảo cho hàng nghìn chuyến bay, tàu thuỷ hoạt động an toàn là công việc của những kĩ sư Điện tử Viễn thông làm việc trong lĩnh vực định vị dẫn đường.
Lĩnh vực điện tử y sinh.
Các máy móc, thiết bị điện tử hiện đại trong lĩnh vực y tế và sinh học đều cần sự hiện diện của những kĩ sư Điện tử Viễn thông làm công tác vận hành cũng như tu sửa máy móc.Những căn bệnh rất khó khăn trong chẩn đoán hay điều trị trước kia, nay nhờ thiết bị điện tử đã trở nên đơn giản hơn nhiều. Các thí nghiệm, nghiên cứu sinh vật học cũng nhờ thiết bị Điện tử Viễn thông trở nên chính xác hơn. Điện tử Viễn thông ngày càng giữ vai trò tích cực trong sự phát triển của lĩnh vực điện tử y sinh.
Lĩnh vực âm thành, hình ảnh
Sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực âm thanh, hình ảnh cũng có 1 phần đóng góp quan trọng của ngành Điện tử Viễn thông như việc thiết kế ra các trang thiết bị nghe nhìn, điều chỉnh âm độ các thiết bị thu âm v.v…
Học Điện tử Viễn thông ở đâu?
Học tập ở các trường Đại học, Cao đẳng
Tại Việt Nam các bạn có thể học ngành Điện tử Viễn thông ở rất nhiều trường đại học khác nhau.
Học ở thế giới ảo.
Tất nhiên chúng ta không thể không nhắc đến môi trường học tập phong phú và đầy đủ thông tin: học tập trên mạng.Học tập trên mạng có nhiều hình thức khác nhau: bạn có thể đăng kí các khoá học trực tuyến (online), hoặc có thể tự học từ những nguồn tài liệu bổ ích, luôn sẵn có.Cũng trên môi trường mạng, một cách học tập và trao đổi kinh nghiệm rất tốt là tham gia vào các diễn đàn (forum) về Điện tử Viễn thông.
Tại đây, bạn sẽ gặp những người có chung hoài bão và niềm say mê với bạn, từ những người mới bắt đầu bước vào lĩnh vực này cho đến những chuyên gia. Những vấn đề, rắc rối của từng cá nhân hoặc nhóm sẽ được đưa ra để nhiều “cái đầu” cùng suy nghĩ và đưa ra những giải pháp tối ưu nhất. Cũng tại diễn đàn này những thông tin công nghệ, ứng dụng mới trong ngành luôn được cấp nhất liên tục.
Qua bài viết trên đây các bạn có thể có một cái nhìn tổng quan về ngành điện tử viễn thông. Tuy nhiên, là một học viên điện tử viễn thông đang làm đồ án tốt nghiệp (tại thời điểm viết bài), mình cũng muốn viết những kiến thức, nhận xét suy nghĩ cá nhân, theo cách suy nghĩ và nhìn nhận theo con mắt chủ quan của bản thân, theo một cách trình bày ngắn gọn hơn và đính chính cả các nhầm lẫn mà mọi người trong gia đình, họ hàng, bạn bè vẫn nghĩ về ngành này.
Thông tin có thể đúng, có thể sai, các bạn vẫn nên dựa trên bài viết trên (và các bài viết khác trên mạng nếu vẫn chưa rõ) để có thể so sánh những sai khác và có một cách nhìn khách quan nhất.Điện tử viễn thông ngay từ cái tên đã gồm 2 phần, điện tử và viễn thông, 2 hướng đi khác nhau nhưng kết hợp chặt chẽ phối hợp với nhau để cho ra các sản phẩm dịch vụ nghe nhìn – bất ly thân, không thể thiếu – trong đời sống hiện đại.
Mình học điện tử viễn thông, khóa 6 – hvktqs hệ dân sự – niên khóa 2007-2012 và thiên hướng của mình là về viễn thông. Mình và đa số các bạn lớp mình khi đăng ký đồ án cũng là về viễn thông, nhất là di động (dạo này đang hot). Sau khi học hết chương trình viễn thông mình được các thày cộng với tìm hiểu trên mạng thì có mấy hướng chính để làm đồ án và cũng là mấy hướng phổ biến trong viễn thông:
- Truyền hình: các chuẩn dvb , chuẩn nén, chuẩn truyền dữ liệu …
- Di động (đồ án đăng ký nhiều nhất) : 2G, 2.5, 2.75, 3G, 3.5g, 3.75, 4g, đấy là tổng quan chứ thường đồ án thì nghiên cứu một vài kỹ thuật trong nó thôi, nghe các thày nói tổng quan thì được ít điểm.
- Quang : cho tốt độ cao nhất hiện nay trong các công nghệ thông dụng (còn phòng thí nghiệm thì thấy thỉnh thoảng ti vi giới thiệu các công nghệ truyền khủng khiếp lắm).
- Mạng: mạng thì nhiều và cũng lắm cách phân chia như theo phương thức truyền (có dây không dây), phạm vi (phổ biến hay gặp nhất là mạng nội bộ như LAN, to nhất thì internet chúng ta đang dùng), theo chức năng (ấn tượng đọng lại rõ nhất là mạng cảm biến wireless sensor network)…
- Vệ tinh: được giới thiệu đúng 1 buổi và nghe nói kiến thức hàn lâm lắm
- Vi ba: cũng chỉ được giới thiệu một tí không hơn, một dạng truyền vô tuyến tốc độ cao với sóng rất ngắn.
- Tổng đài, chuyển mạch …
Nhiều người không có sự phân biệt rõ ràng công nghệ thông tin với điện tử, viễn thông hay thậm chí với điện.
Thông tin được xử lý bằng các thiết bị phần cứng, đó là vấn đề nghiên cứu của điện tử. Thông tin đó được truyền đi và phân phối các nơi, đó là công việc của viễn thông (tương tự giao thông vận tải thôi, chỉ khác là cái cần vận chuyển là thông tin). Thông tin đó được xử lý thì của phần thiết bị cứng thì đúng rồi, nhưng để ra lệnh cho nó xử lý thế nào, hiển thị thế nào, lưu trữ thế nào, tương tác thế nào thì phải có ai đó viết kịch bản để nó chạy, đó là công nghệ thông tin. Còn điện thì để nuôi sống, giúp máy móc hoạt động. Nôm na là như vậy.Nếu coi thông tin như 1 gói hàng thì trang thiết bị vật tư bến bãi vận chuyển gói hàng đó là anh điện tử, người phụ trách vận chuyển, điều hàng phân phối gói hàng đó là anh viễn thông, anh công nghệ thông tin thì xử lý các thông tin gói hàng (gói hàng của ai, từ đâu, gửi đến đâu, không gửi được thì làm sao, xác nhận người gửi người nhận …), còn anh điện thì như là xăng dầu cho xe vận chuyển, chạy máy móc vậy.