Sáng nay, 14/7, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố điểm thi và kết quả phân tích phổ điểm của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, điểm trung bình các môn thi năm nay hầu hết đều cao hơn năm 2018.
Cụ thể:
Môn Toán có điểm trung bình là 5,64 điểm và có 12 bài thi đạt điểm 10;
Môn Ngữ văn có điểm trung bình là 5,49 điểm và không có điểm 10 nào;
Môn Vật lý có điểm trung bình là 5,57 và có 2 bài thi đạt điểm 10;
Môn Hóa học có điểm trung bình là 5,35 và có 12 bài đạt điểm 10;
Môn Sinh học có điểm trung bình là 4,68 điểm và có 39 bài thi đạt điểm 10;
Môn Lịch sử có điểm trung bình là 4,3 và có 80 bài thi đạt điểm 10;
Môn Địa lý có điểm trung bình là 6,0 và có 42 bài thi đạt điểm 10;
Môn Giáo dục Công dân có điểm trung bình là 7,37 và có 784 bài đạt điểm 10;
Môn Tiếng Anh có điểm trung bình là 4,36 và có 299 bài đạt điểm 10.
3 môn tổ hợp Toán – Lý – Hóa xét tuyển đại học có mức điểm trung bình 16 – 17 điểm
Bà Nguyễn Thị Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, phổ điểm các môn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 phản ánh được đúng năng lực học sinh phổ thông. Việc phổ điểm hầu như nghiêng về phía tay phải có nghĩa đề thi không quá khó cũng không quá dễ.
Đáng chú ý, ở hầu hết các tổ hợp xét tuyển 3 môn truyền thống vào ĐH đều có mức điểm 16-17, tức trên mức trung bình, mức điểm cao 22 điểm trở lên có độ phân hóa rõ rệt.
Bà Nga đánh giá cao đề thi năm nay đã đáp ứng được cả tiêu tiêu chí xét tuyển ĐH-CĐ, các trường top giữa sẽ không còn “khát” sinh viên như những năm trước.
“Đây là đề thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá năng lực học sinh phổ thông so với chuẩn kiến thức kỹ năng các em phải đạt được, vì thế nếu nhìn từ phổ điểm thấy điểm trung bình và điểm trung vị gần sát nhau (là điểm tách giữa nửa lớn hơn và nửa bé hơn của tập hợp điểm, số lượng điểm nằm trên và dưới mức điểm này là bằng nhau – PV).
Điều đó có nghĩa rằng 1/2 quần thể sẽ có các giá trị nhỏ hơn hay bằng số trung vị, và một nửa quần thể sẽ có giá trị bằng hoặc lớn hơn số trung vị. Điều này cho thấy điểm thi đã phản ánh đúng năng lực của học sinh, đại đa số các em đạt điểm trung bình trở lên, đương nhiên trong đó có những em học sinh giỏi, trừ môn Ngữ Văn các môn khác đều có điểm 10” – Bà Nga nói.
Ngay cả môn Lịch sử và môn Tiếng Anh, 2 môn có điểm trung bình thấp nhất và có số điểm dưới trung bình nhiều nhất, theo bà Nga, cũng phản ánh đúng việc dạy và học hiện nay ở bậc phổ thông.
Bà Nga cho rằng, môn Lịch sử trong nhiều năm có phổ điểm thấp nhất là do phương pháp dạy của chúng ta chưa tốt, chủ yếu bắt học sinh học thuộc lòng nhiều sự kiện, học sinh chưa hứng thú học nên kết quả học tập không cao.
Môn Tiếng Anh có điểm rất thấp nhưng cũng có nhiều điểm rất cao, thể hiện sự mất cân bằng về chất lượng giảng dạy giữa các vùng miền, chất lượng ở các thành phố lớn tốt hơn các khu vực khác.
Không đồng tình với việc đánh giá dựa trên so sánh đề thi giữa các năm, bà Nga cho rằng, khi đánh giá phổ điểm phải đánh giá với chuẩn kiến thức kỹ năng chứ không nên so sánh đề thi giữa các năm, bởi lẽ lực học của học sinh các năm là khác nhau, không thể lấy lực học của năm nay, khóa này để so sánh với khóa khác.
“Chúng ta không thể so sánh đề thi với đề thi, vì đó chỉ là so sánh ở bề mặt. So sánh mức chuẩn kiến thức, chuẩn đầu ra mới là bất biến, không thay đổi” – Bà Nga nêu quan điểm.