Với mức điểm sàn cho tất cả các khối thi năm nay là 15,5 điểm, sẽ có khoảng 85 trường sẽ tuyển đủ ngay đợt 1. Tuy nhiên, các trường top thấp lại lo ngại rằng, chỉ cần mỗi trường top trên “cấu” thêm chỉ tiêu một chút thì họ không còn nguồn để tuyển.
Bộ GD&ĐT cho biết, với hệ thống phần mềm xét tuyển/lọc ảo và cơ sở dữ liệu năm nay, Bộ đã có thể tính toán, dự báo tổng thể tình hình xét tuyển đợt 1. Kết quả này đương nhiên sẽ có sự thay đổi sau khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Với điểm sàn 15,5 điểm thì trong đợt xét tuyển đầu tiên: Có 85 trường đạt chỉ tiêu 100%; có 66 trường đạt chỉ tiêu từ 80 đến 99%; Có 83 trường đạt chỉ tiêu từ 40 đến 79%; Tất cả các trường trong cả nước tuyển được 83% tổng chỉ tiêu trong đợt 1.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết đối với tất cả các thí sinh có điểm từ 15.5 trở lên đều có thể đăng ký nguyện vọng vào trường. Với mức điểm sàn năm nay đưa ra thì điểm chuẩn vào trường chỉ dao động so với năm trước từ 0-1 điểm.
Trong khi đó, với mức điểm sàn và dữ liệu mà Bộ công bố, ông Lê Ngọc Hoàn, trường ĐH Lâm nghiệp cho biết nếu Bộ không quản chặt chỉ tiêu, đặc biệt là các trường top trên thì nhiều trường top thấp hơn sẽ thiếu trầm trọng. Vì căn cứ vào kết quả chạy thử, nếu kết quả này đúng thì 66 trường tuyển đạt 80-99% trong đợt 1, 88 trường đạt 40 – 79% đợt 1. Vậy nếu mỗi trường top trên “cấu” thêm một tí (10-20%) thì các trường top thấp không còn nguồn để tuyển.
Nhiều trường công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đưa ra mức điểm nhận hồ sơ khá cao so với điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Theo đó, ở hệ đào tạo đại trà, ngành có ngưỡng đầu vào cao nhất là ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô là 22,5 điểm; kế đến các ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ kỹ thuật Hóa học, Công nghệ Thực phẩm, Công nghệ thông tin đều có điểm “sàn” là 22 điểm.
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Nông lâm TPHCM cho biết trường dự kiến sẽ có 3 mức điểm xét tuyển là 17 điểm, 18 điểm và 20 điểm, tùy theo nhóm ngành. Riêng đối với 2 phân hiệu đào tạo của trường tại Gia Lai và Ninh Thuận, điểm nhận hồ sơ sẽ bằng điểm “sàn” 15,5 điểm.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo trường Đại học Mở TPHCM cho biết, dự kiến ngưỡng điểm xét tuyển vào trường sẽ lấy bằng điểm “sàn” của Bộ GD-ĐT là 15,5 điểm.
Ở khối trường tư thục, đa phần các trường này đều có ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT, riêng với các ngành đặc thù, “hót” thì mức điểm có cao hơn.
Theo Tienphong