Điểm xét tuyển của các trường ĐH đào tạo ngành y đa khoa công bố trong thời gian vừa qua cho thấy năm nay điểm chuẩn của ngành này sẽ rất bất ngờ.
Điều gây bất ngờ nhất cho những thí sinh (TS) tham gia xét tuyển ngành y đa khoa thời điểm vừa qua là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) do các trường ĐH đào tạo khối y dược lớn công bố. Lần đầu tiên, ngành y đa khoa của Trường ĐH Y Dược TP.HCM xét 21,5 điểm, Trường ĐH Y Hà Nội xét 20 điểm, Trường ĐH Y Dược (ĐH Huế) xét 20 điểm, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch xét 18 điểm, Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) xét 18 điểm.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết việc lấy điểm xét tuyển như năm nay chủ yếu là không nhiều TS khối B có điểm cao. Đây là mức điểm an toàn để trường xét tuyển trong bối cảnh thi năm nay.
Nhìn vào phổ điểm của TS thi khối B năm nay, có thể thấy rõ vì sao các trường lại chọn điểm xét tuyển an toàn như vậy. Điểm trung bình của TS là 15,63 điểm. Số điểm TS khối B đạt được nhiều nhất là 15,1. Nếu lấy mức điểm xét tuyển từ 23 như năm 2017, Trường ĐH Y Dược TP.HCM chỉ có thể xét tuyển 7.424 TS trên toàn quốc. Trong khi số lượng TS này phải chia ra hàng trăm trường với hàng ngàn ngành học có xét khối B trên cả nước.
Việc các trường ĐH y dược lớn xét mức điểm sàn thấp cũng ảnh hưởng rất lớn đến các trường ngoài công lập có đào tạo ngành y đa khoa. Nhiều trường phải xin giảm điểm xét tuyển. Một số trường khác công bố điểm, sau đó lại phải tăng lên vì bị cảnh báo là quá thấp.
Ngày 16.7, Trường ĐH Võ Trường Toản công bố điểm dự kiến xét tuyển ngành y đa khoa là 15. Có nghĩa TS chỉ cần 5 điểm/môn là có thể xét tuyển ngành y đa khoa, chưa tính đến điểm ưu tiên. Sau đó, khi có ý kiến từ Bộ GD-ĐT, trường này đã nâng điểm xét tuyển lên thành 17. Trường ĐH Phan Châu Trinh công bố xét tuyển 17, sau đó sửa đổi thành 19 cho ngành y đa khoa.
Một số trường ĐH bắt đầu tuyển ngành y đa khoa năm nay càng bị bất ngờ vì bị “há miệng mắc quai”. Năm nay, các trường được cấp phép đào tạo ngành này phải cam kết điểm chuẩn với Bộ GD-ĐT. Theo ông Đặng Quang Việt, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, các trường đăng ký mở ngành khối khoa học sức khỏe phải có ý kiến Bộ Y tế về nhu cầu nhân lực của ngành y tế và phải thực hiện đúng cam kết theo đề án đã đăng ký. Chẳng hạn, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cam kết điểm chuẩn là 22,5 với 50 chỉ tiêu, Trường ĐH Nam Cần Thơ cam kết điểm chuẩn là 24 với 35 chỉ tiêu.
Vì mức điểm chuẩn cam kết này, ban đầu Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thông báo xét tuyển ngành y đa khoa với mức 22,5 điểm. Tuy nhiên, sau khi các trường lớn đưa ra mức điểm xét tuyển thấp và tình hình thực tế số TS khối B điểm cao không nhiều nên trường buộc phải xin phép Bộ GD-ĐT giảm mức điểm xét tuyển còn 19. Trường ĐH Nam Cần Thơ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Mặc dù cam kết điểm chuẩn ngành y đa khoa đến 24 điểm nhưng hiện tại, trường này chỉ xét 17 điểm.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi cho biết điểm chuẩn ngành y đa khoa của Trường ĐH Y Dược TP.HCM sẽ giảm so với năm 2017. Điều này được chứng thực qua phổ điểm các thí sinh khối B của năm nay. Nếu lấy mức điểm chuẩn 29,25 như năm ngoái của Trường ĐH Y Dược TP.HCM và ĐH Y Hà Nội, thì chưa đến 9 TS trên cả nước đạt được mức này. Muốn lấy đủ 400 chỉ tiêu cho ngành này, theo phổ điểm, hai trường phải lấy điểm chuẩn là 26. Tuy nhiên, đây là số TS tính cho cả nước nên chắc chắn mức điểm chuẩn của ngành y đa khoa ở hai trường này sẽ còn giảm nhiều hơn nữa.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết với phổ điểm thi khối B của TS năm nay, rất nhiều khả năng điểm chuẩn ngành này của trường sẽ giảm 2 – 3 điểm so với năm ngoái. Năm 2017, điểm chuẩn ngành y đa khoa của trường là 27.
Với tình hình như vậy, việc xét tuyển ngành y đa khoa tại các trường ĐH ngoài công lập càng trở nên khó đoán định. Theo các chuyên gia, với mức điểm xét tuyển đưa ra hiện nay ở các trường trong bối cảnh cạnh tranh TS khối B, rất nhiều khả năng đây cũng là điểm chuẩn. Nếu có tăng so với điểm xét tuyển thì cũng sẽ từ 0,5 – 1 điểm chứ khó tăng nhiều.