ĐH Sư phạm Huế lấy điểm chuẩn 12,75 cho một số ngành nhưng vẫn đảm bảo điểm tổ hợp 3 môn đạt mức sàn. Mối lo về chất lượng đầu vào ngành sư phạm vẫn còn đó.
Danh sách điểm chuẩn của ĐH Sư phạm – ĐH Huế khiến không ít người bất ngờ khi điểm trúng tuyển của nhiều ngành chỉ ở mức 12,75 (dưới mức điểm sàn 15,5 của Bộ GD&ĐT). Tuy nhiên, điểm thấp là do cách tính điểm đặc thù, tổng điểm 3 môn vẫn trên điểm sàn.
Đây là sự hiểu nhầm, song không thể phủ định việc điểm chuẩn của ngành đào tạo đội ngũ giáo viên tương lai đang ở mức thấp so với nhiều ngành khác.
Điểm cao vẫn… thấp
Hai cơ sở đào tạo ngành sư phạm danh tiếng và có điểm trúng tuyển vào top cao nhất nước ta là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP.HCM. Cụ thể, với ĐH Sư phạm Hà Nội, năm nay, ngành SP Toán học (dạy bằng tiếng Anh) có điểm chuẩn cao nhất 27,75.
Hai năm trước, điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành SP Ngữ văn với điểm trúng tuyển lần lượt là 26,75 và 26 điểm.
Trong khi đó, mức điểm chuẩn thấp nhất của trường năm 2017 là 17 (ngành Giáo dục Công dân và Giáo dục Quốc phòng – An ninh). Con số này vào năm 2015, 2016 là 16 điểm, với ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp.
Trong khi đó, năm nay, ĐH Sư phạm TP.HCM lấy điểm chuẩn từ 17,75 (Sư phạm Tiếng Nga) đến 26,25 (Sư phạm Toán).
Hai năm trước, điểm cao nhất cũng là ngành Sư phạm Toán, lần lượt là 34,33 và 33 (nhân hệ số 2 môn Toán). Điểm thấp nhất năm 2015 là 18,5 (Giáo dục Chính trị), năm 2016 là 17 (Tâm lý Giáo dục).
Nhìn chung, mức điểm chuẩn 27,75 hay 26,25 không thấp. Tuy nhiên, nếu so với những ngành “hot” khác, khối sư phạm vẫn có chuẩn đầu vào thấp hơn.
Theo thống kê sơ bộ, 6 ngành lấy điểm chuẩn cao nhất năm nay đều nằm ngoài khối sư phạm. Trong đó, ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện An ninh Nhân dân lấy điểm cao kỷ lục đối với thí sinh nữ miền Bắc: 30,5 điểm.
Điểm chuẩn khối A00, A01 hệ quân sự của Học viện Kỹ thuật Quân sự và khối B00 hệ quân sự của Học viện Quân y đối với thí sinh nữ miền Bắc cũng rất cao: 30 điểm.
Ở hệ dân sự, ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội lấy đến 29,25 điểm, ngành Luật kinh tế của ĐH Luật Hà Nội 28,75 và điểm trúng tuyển ngành Kinh tế Quốc tế của ĐH Ngoại thương là 28,25.
Trở lại với câu chuyện ĐH Sư phạm – ĐH Huế lấy điểm chuẩn 12,75, trao đổi với Zing.vn, ông Trương Thế Quy, Phó trưởng phòng Công tác Sinh viên, cán bộ phụ trách tư vấn tuyển sinh của trường, giải thích, đây là điểm quy chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Trên thực tế, tổng điểm 3 môn xét tuyển vẫn đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do bộ quy định.
Cụ thể, điểm môn chính được nhân đôi, cộng với điểm hai môn còn lại rồi chia 4 và nhân 3. Sau đó, điểm được cộng với điểm ưu tiên làm điểm xét tuyển.
Điểm chuẩn theo quy chuẩn và không quy chuẩn của trường như sau:
Tuy nhiên, ông Quy thừa nhận nhìn chung, điểm chuẩn mấy năm nay của trường đang có xu hướng giảm.
Bài toán chất lượng đầu vào – ra
Như vậy, trường hợp ngành sư phạm lấy điểm chuẩn dưới sàn không tồn tại. Song việc trường sư phạm lấy điểm trúng tuyển ngang ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (15,5) không hề hiếm.
Trong đó, ĐH Hà Tĩnh lấy điểm chuẩn 15,5 cho tất cả ngành học, trừ Sư phạm Mầm non.
Một số ngành như SP Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Âm nhạc của ĐH Sư phạm Thái Nguyên cùng lấy điểm trúng tuyển 15,5.
Đây cũng là mức điểm trúng tuyển vào nhóm ngành Sư phạm Tự nhiên và Sư phạm Xã hội (trừ Giáo dục Tiểu học) của ĐH Vinh.
Các ngành Sư phạm Sinh học, Hóa học, Vật lý và Giáo dục thể chất của ĐH Tây Nguyên lấy điểm chuẩn 15,5.
Một số trường khác, mức điểm chuẩn cao hơn điểm sàn nhưng vẫn thấp so với mặt bằng chung như ĐH Sư phạm Đà Nẵng lấy điểm chuẩn ngành sư phạm từ 15,75 đến 24.
Điểm trúng tuyển ngành này của ĐH Đà Lạt cũng chỉ dao động từ mức 16,5 đến 24, trong đó, 4 trên tổng số 7 ngành lấy điểm từ 18,5 trở xuống.
ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tuyển 13 ngành sư phạm thì có 4 ngành có điểm trúng tuyển từ 19 trở xuống.
Trong khi đó, năm nay, mặt bằng điểm thi THPT quốc gia cao nên điểm chuẩn nhiều trường tăng kỷ lục. Điểm trúng tuyển khối sư phạm cũng tăng nhưng không đáng kể, thậm chí nhiều ngành không bằng điểm chuẩn năm 2015.
Theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, đây là điều dễ hiểu. Ngành sư phạm vốn lương thấp, khó xin việc làm, lại thêm chuyện đề xuất bỏ biên chế, nên càng khó thu hút thí sinh dự thi.
Ông nói thêm ngày trước, chính sách ưu đãi cho sinh viên sư phạm tốt, công việc sau khi tốt nghiệp cũng được đảm bảo, điểm trúng tuyển vào ngành luôn ở mức cao.
Hiện tại, thí sinh thích các ngành khác có triển vọng hơn. Trong khi đó, chất lượng đầu ra ngành sư phạm chưa được đảm bảo, việc tăng chất lượng đầu vào rất khó.
TS Nguyễn Vinh Dự, tốt nghiệp tiến sĩ ĐH Texas, Mỹ, cũng nhận định ngành sư phạm lấy điểm chuẩn thấp không phải là câu chuyện mới.
“Ngành có triển vọng thì ‘hot’. Ngành sư phạm vốn thu nhập thấp, người lao động khó đổi nghề thì điểm chuẩn đương nhiên không cao bằng một số ngành khác”, TS Dự nói.
Ngoài ra, ông cho rằng hệ thống tuyển sinh ở nước ta chưa vận hành theo cơ chế thị trường. Nhiều người vẫn còn tâm lý cố vào đại học bằng được, không quan tâm có việc làm sau tốt nghiệp hay không dẫn đến các trường đặt chỉ tiêu cao vẫn tuyển đủ thí sinh.
Bên cạnh đó, liên quan quy định chung cũng như kinh phí hoạt động, các trường sẽ không chủ động giảm số lượng tuyển để tăng chất lượng đầu vào. Vì thế, bài toán điểm chuẩn ngành sư phạm rất khó giải quyết.
Đây là một trong những ngành cốt lõi của xã hội, ảnh hưởng lớn tới nhiều thế hệ. Do đó, việc nâng chất lượng thí sinh ngành này rất cần thiết.
“Xã hội cần đánh giá mức độ đóng góp của ngành sư phạm để có những cú hích thích đáng nhằm thu hút người tài giỏi, tâm huyết theo nghề”, PGS Văn Như Cương nhận định.
Theo Zing