fbpx
Home Điểm chuẩn Điểm chuẩn ĐH giảm mạnh hơn dự kiến

Điểm chuẩn ĐH giảm mạnh hơn dự kiến

0

Sau 2 ngày chạy dữ liệu điểm trên phần mềm xét tuyển lọc ảo nhóm và toàn quốc, lãnh đạo nhiều trường ĐH nhận ra điểm chuẩn các trường có xu hướng giảm mạnh so với dự kiến trước đó.

Có ngành giảm trên 4 điểm

Theo quy định chung của Bộ GD-ĐT, trong 3 ngày (3 – 5.8) phần mềm dữ liệu xét tuyển sẽ chạy lọc ảo theo nhóm đồng thời với toàn quốc. Đến chiều nay (5.8), các trường sẽ hoàn tất phương án điểm chuẩn cuối cùng để công bố tới thí sinh (TS). Tuy nhiên, sau 2 ngày đầu chạy dữ liệu thực tế TS đăng ký vào trường mình, điểm chuẩn dự kiến được các trường đưa ra có xu hướng giảm so với dự báo trước đó.

Đại diện một trường ĐH tại TP.HCM cho biết dù đã hình dung trước về tình trạng giảm mạnh điểm so với năm ngoái do phổ điểm thấp nhưng vẫn rất bất ngờ với kết quả thực tế sau khi chạy lọc ảo. Ở hầu hết các trường, bảng điểm chuẩn đưa ra đều thấp hơn so với dự kiến ban đầu.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết các ngành điểm chuẩn dự kiến cao nằm trong khoảng từ 21 – 21,8 gồm: sư phạm tiếng Anh, công nghệ kỹ thuật máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, kỹ thuật hóa học, công nghệ thực phẩm, logistic và quản lý chuỗi cung ứng. Các ngành điểm chuẩn có mức 16 – 17 gồm: kỹ thuật nữ công, công nghệ chế biến lâm sản, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, công nghệ kỹ thuật môi trường (hệ chất lượng cao), quản lý xây dựng (hệ chất lượng cao tiếng Anh).
Như vậy so với dự báo trước đó điểm chuẩn nằm trong khoảng 17,5 – 23 thì phương án điểm chuẩn được đưa ra ở thời điểm này đã giảm xuống khá nhiều. Đặc biệt, so với điểm trúng tuyển năm ngoái thì năm nay giảm mạnh từ 2 – 4 điểm tùy ngành.
Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết khả năng sẽ có ngành trường lấy điểm chuẩn bằng “sàn” là 17 điểm. Nhóm ngành máy tính có điểm chuẩn cao nhất, dự kiến dưới 24 điểm (năm ngoái là 28). Theo tiến sĩ Thắng, ban đầu trường dự kiến điểm chuẩn giảm từ 2 – 3 điểm tùy theo ngành, nhưng hiện tại mức giảm cao nhất đã trên 4 điểm so với năm ngoái.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dự kiến điểm chuẩn các ngành trong khoảng trên 17,5 đến gần 23 điểm. Năm ngoái ngành ngôn ngữ Anh (chuyên ngành tiếng Anh thương mại) có điểm chuẩn cao nhất là 25,75.
Trường công vẫn xét bổ sung
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết một số ngành điểm chuẩn cao nhất (khoảng 21) gồm: luật kinh tế, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật cơ khí, luật quốc tế… Có những ngành ít TS đăng ký điểm chuẩn bằng mức nhận hồ sơ 15,5 như nhóm ngành về môi trường.
Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM dự kiến điểm chuẩn các ngành trong khoảng 19 – 21. Cụ thể: ngôn ngữ Anh và kế toán 19,5 – 20,5; kinh tế quốc tế 20,5 – 21,5; quản trị kinh doanh 20 – 21; tài chính ngân hàng 19 – 20; hệ thống thông tin quản lý và luật kinh tế 18,5 – 19,5.
PGS-TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết điểm chuẩn dự kiến từ 14 – 21. Trong đó các ngành đi biển có thể lấy từ 14 điểm, ngành quản trị logistic và vận tải đa phương tiện 21 điểm.
Điểm chuẩn Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM cũng dự kiến thấp hơn năm ngoái. Theo đó, ngành thấp nhất là 16,5 và cao nhất 24 điểm (năm ngoái cao nhất là báo chí khối C lên tới 27,25 điểm).
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM điểm chuẩn dự kiến giảm 1 – 3 điểm so với năm ngoái (năm 2017 điểm chuẩn các ngành từ 17 – 23,75 điểm). Riêng tại 2 phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận, điểm chuẩn ở mức 15 và nhiều khả năng phải xét tuyển bổ sung.
Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, điểm chuẩn dự kiến theo hình thức xét kết quả thi từ 15,5 – 19,5. Trong đó ngành công nghệ thực phẩm cao nhất khoảng 19,5 và các ngành khối kinh tế sẽ khoảng 17,5 – 18 điểm. “Chỉ tiêu xét nguyện vọng bổ sung được công bố ngày 8.8”, ông Sơn nói.
Theo Thanhnien

Comments

comments