Điểm trúng tuyển của nhiều trường đại học vượt qua mức kỷ lục của năm 2017. Trong đó, điểm chuẩn của ngành Hàn Quốc học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) là 30.
Chiều 4/10, sau khi hoàn tất công đoạn lọc ảo, các trường đại học lần lượt công bố điểm chuẩn năm 2020.
Dù đã được dự báo điểm chuẩn sẽ tăng mạnh, nhiều người vẫn ngỡ ngàng với mức trúng tuyển chính thức được các trường công bố.
30 điểm mới đậu ngành Hàn Quốc học
Năm nay, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) lấy điểm chuẩn ngành Hàn Quốc học là 30 cho tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý).
Ngành Đông phương học cũng có điểm chuẩn cao kỷ lục là 29,75 (năm ngoái là 28,5 khối C00). Ngành Quan hệ công chúng của trường cũng ghi cột mốc mới với mức chuẩn 29 (khối C00)
Lý giải mức điểm này, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng phụ trách ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết ngành Hàn Quốc học có chỉ tiêu tuyển sinh ít.
Đây là năm đầu tiên trường tuyển sinh ngành này. Các năm trước, Hàn Quốc học là chuyên ngành thuộc Đông Phương học – ngành “hot” của trường với điểm chuẩn 28,5 năm 2019 (cao nhất trong khối dân sự) và năm nay là 29,75. Năm nay, tỷ lệ “chọi” vượt mức 1/30, thậm chí cứ 35-37 em mới chọn một người.
Ông Tuấn cho biết do chưa rà soát dữ liệu nên chưa thể khẳng định tất cả thí sinh trúng tuyển ngành Hàn Quốc học theo tổ hợp C00 đều được cộng điểm ưu tiên.
Tuy nhiên, căn cứ dữ liệu điểm thi đợt 1 của Bộ GD&ĐT, điểm cao nhất ở tổ hợp này là 29,25. Ngoài ra, đợt thi đầu tiên, cả nước có thêm 6 thí sinh đạt 29 điểm và một em đạt 28,75 điểm. Như vậy, để trúng tuyển vào ngành Hàn Quốc học bằng tổng điểm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, thí sinh cần có điểm ưu tiên hoặc khuyến khích.
Điểm chuẩn của ĐH Bách khoa cao hơn ĐH Y Hà Nội
Ởkhối tự nhiên, ĐH Bách khoa Hà Nội có điểm chuẩn vượt trội. Cụ thể, ngành Công nghệ thông tin: Khoa học máy tính (IT1) lấy đến 29,04 điểm, tăng 1,62 điểm so với năm ngoái. Đây cũng là mức điểm chuẩn cao nhất của trường từ trước đến nay.
Ngoài ra, trường còn 4 ngành khác xác định điểm trúng tuyển trên 28. Trong đó, ngành Kỹ thuật điều hiển – Tự động hóa lấy 28,16 điểm. Hai ngành Công nghệ thông tin: Kỹ thuật máy tính (IT2), Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (chương trình tiên tiến) cùng lấy 28,65 điểm. 28,38 điểm là mức thấp nhất để trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin (Global ICT, mã IT-E7).
Năm 2020, điểm chuẩn cao nhất vào ĐH Y Hà Nội theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT là 28,9 điểm của ngành Y đa khoa (đào tạo tại Hà Nội). Ngành Răng – Hàm – Mặt lấy 28,65 điểm.
Đây là năm thứ hai liên tiếp ghi nhận điểm chuẩn ĐH Bách khoa Hà Nội vượt qua các trường Y, Dược.
PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết ông không thấy bất ngờ. Sau khi có điểm thi, trường dự báo điểm trúng tuyển sẽ cao hơn năm ngoái.
Hơn nữa, các năm trước, điểm chuẩn cho ngành Kỹ thuật điều khiển – Tự động hóa và Công nghệ thông tin cũng ở mức 27-28.
“Điểm cao do thí sinh giỏi dồn vào Khoa học máy tính. Đây là ngành ‘hot’, xu hướng chung của thế giới. Thực tế, tại các trường có đào tạo ngành Công nghệ thông tin, ngành này luôn đứng đầu bảng về điểm chuẩn”, ông Điền nói.
Vị này cũng nói thêm không chỉ Khoa học máy tính, ĐH Bách khoa Hà Nội có 7 ngành liên quan công nghệ thông tin và đều có điểm chuẩn cao. Ngay cả chương trình Công nghệ thông tin liên kết đào tạo, học phí cao, điểm chuẩn vẫn trên 25.
PGS Nguyễn Phong Điền cho hay tất nhiên, trong số những thí sinh trúng tuyển ngành lấy điểm chuẩn 29,04, một số em được cộng điểm ưu tiên, khuyến khích. Trong cuộc cạnh tranh vào đại học, thí sinh giành giật từng 0,25 điểm. Khi dự thi thi tốt nghiệp THPT, các câu cuối trong đề có độ khó cao để phân loại thí sinh.
Như vậy, giữa hai em học lực tương đương, em thuộc đối tượng ưu tiên sẽ có lợi thế hơn. Tuy nhiên, ông Điền đánh giá điểm ưu tiên không phải vấn đề lớn khi so với các năm trước, mức điểm cộng giảm, bước nhảy giữa các đối tượng chỉ còn 0,25 thay vì 0,5 điểm như trước đây. Số điểm ưu tiên khu vực tối đa là 0,75.
“Tôi cho rằng sự ưu tiên này là xứng đáng vì thí sinh ở thành phố có lợi thế học tập hơn các em ở nông thôn. Chúng ta cần cộng điểm để động viên những em có điều kiện học tập khó khăn”, ông Điền nêu quan điểm.
Có thể tái diễn tình trạng đạt điểm cao vẫn trượt đại học
PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đánh giá điểm chuẩn năm 2020 cao kỷ lục ở nhiều trường kỹ thuật, công nghệ, kinh tế.
Ông lý giải các ngành xét tuyển khối A00, A01, C00 sẽ có mức chuẩn tăng cao hơn các ngành xét khối B00, bởi điểm thi các khối này tăng mạnh.
Nhiều người bất ngờ trước mức tăng điểm chuẩn của nhiều trường. Tuy nhiên, hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng đây là bức tranh đã được dự báo trước. Bởi lẽ, trung bình điểm thi mỗi môn năm nay tăng 1,5 điểm, tổng 3 môn xét tuyển ở mỗi tổ hợp tăng 4,5 điểm, tùy ngành.
Ông cho rằng trường hợp thí sinh thi điểm cao hoặc rất cao nhưng sẽ trượt tất cả nguyện vọng có thể tái diễn như năm trước.
“Điểm thi cao nên thí sinh rất dễ ảo tưởng. Khi đăng ký nguyện vọng, nhiều em có thể chủ quan, chỉ tập trung các ngành hot mà không có những nguyện vọng thấp hơn để dự phòng. Rất nhiều người đã dự đoán điểm chuẩn 2020 cao kỷ lục, phải đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng thí sinh không lưu tâm”, ông Dũng phân tích.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng qua bức tranh điểm chuẩn năm nay có thể thấy sự phân hóa rất lớn giữa trường nhóm trên và số còn lại.
“Thí sinh vẫn đổ xô vào số ít trường nhóm trên, bằng chứng là điểm các trường nào rất cao. Các trường tốp giữa và dưới, điểm chuẩn vẫn ở mức trung bình”, TS Nghĩa nói.