TS Lê Trường Tùng đề xuất mỗi địa phương chọn 30% học sinh kém nhất để thi tốt nghiệp. Số còn lại nên được đặc cách.
Nêu ý kiến tại hội nghị “Công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học” ngày 17/7, tại Hà Nội, TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH FPT – cho rằng sau gian lận thi cử năm 2018, kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã có sự tham gia tích cực của địa phương và chỉ đạo quyết liệt của Bộ GD&ĐT. Sự thay đổi về tỷ trọng bài thi, kỹ thuật, cách tổ chức thi đã tốt hơn.
Tuy nhiên, theo TS Lê Trường Tùng, cần tính đến việc tổ chức kỳ thi sao cho không mất quá nhiều thời gian và công sức. Trong tương lai, Bộ GD&ĐT có thể xem xét về tỷ lệ thi tốt nghiệp, bởi hàng năm số liệu đỗ của toàn quốc đều trên 90%.
Ông Tùng cho rằng các địa phương có thể tổ chức thi tốt nghiệp cho 30% học sinh có kết quả học tập kém nhất. 70% còn lại nên đặc cách.
Để phấn đấu được đặc cách, học sinh có động cơ học tập. Đồng thời, số lượng 30% thi tốt nghiệp vẫn đánh giá được chất lượng của địa phương.
Việc không phải thí sinh nào cũng thi tốt nghiệp sẽ phá bỏ áp lực, giúp các trường thúc đẩy tự chủ tuyển sinh đại học. Trong tương lai, chủ trương thành lập trung tâm khảo thí độc lập cũng sẽ hỗ trợ tuyển sinh cho các trường.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thông tin phương án thi THPT quốc gia sẽ được giữ ổn định đến năm 2020. Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát để có lộ trình cho những năm tiếp theo.
Theo ông Nhạ, kỳ thi THPT quốc gia để đánh giá chuẩn đầu ra của học sinh phổ thông về kiến thức, kỹ năng sau 12 năm học. Năm nay, tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn năm trước, có tỉnh chỉ đạt 70%, phản ánh dần thực chất.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng kỳ thi không thuần túy là công nhận tốt nghiệp, càng không phải chỉ phục vụ đại học, cao đẳng, mà quan trọng để đánh giá chất lượng từng môn học, hướng tới giáo dục toàn diện.