Đó là băn khoăn của nhiều giáo viên đối với đề thi toán kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Nhiều giáo viên ở TP.HCM tỏ ra bức xúc khi đề toán quá dài và nặng, đề thi yêu cầu thí sinh làm bài theo kiểu trắc nghiệm nhưng câu hỏi lại ra theo kiểu tự luận.
“Đề thi môn toán năm nay có sự phân hóa rõ rệt, các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó. 20 câu hỏi đầu thuộc dạng nhận biết; từ câu 21 – 30 thuộc dạng thông hiểu; từ câu 31 – 40 thuộc dạng vận dụng thấp; từ câu 41 – 50 thuộc dạng vận dụng cao” – thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, tổ trưởng tổ toán Trường THPT Nguyễn Du, nhận xét.
Trong đó, có nhiều câu hỏi như những bài toán tự luận, muốn giải trọn vẹn sẽ mất rất nhiều thời gian làm bài của thí sinh.
“Thực sự khi xem đề tôi thấy rất tội cho thí sinh, sẽ có nhiều em biết cách, biết hướng giải bài nhưng không đủ thời gian để giải. Bên cạnh đó, sẽ có thí sinh không biết cách giải nhưng đánh “lụi” và may mắn đánh đúng. Điều này gây mất công bằng giữa các thí sinh – nhất là khi các em dùng kết quả kỳ thi để xét tuyển vào ĐH”.
Theo TS toán học Lê Thống Nhất: “Với khoảng 42 câu đầu tiên, học sinh nắm vững kiến thức đều có thể biết cách giải. Nhưng với chính những câu như vậy thì có khá nhiều câu, học sinh bắt buộc phải tính toán mất khá nhiều thời gian để chọn đáp số đúng mà không có cách nào khác.
Học sinh muốn đạt điểm 10 thì phải là học sinh giỏi về phương pháp giải toán, đồng thời phải được luyện kỹ năng tính toán nhanh. Nhìn chung điểm 10 sẽ hiếm. Đề thi giảm lượng tính toán khoảng 25% thì chắc sẽ phù hợp hơn với mức độ của đề năm 2017”.
Theo Tuoitre