fbpx
Home Bộ đề luyện thi THPT Quốc gia Môn Văn Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2016 – Đề số 9

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2016 – Đề số 9

0

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2016 – Đề số 9, được cập nhật theo cấu trúc đề thi THPT quốc gia mới nhất, các em tham khảo dưới đây:

Xem thêm: Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN VĂN NĂM 2016 – ĐỀ SỐ 9

Câu 1(3,0 điểm):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Hạnh phúc cho dân”, đó là điều Người đã nêu lên trong bản Tuyên ngôn Độc lập: “dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Hạnh phúc mà Người muốn đem lại cho dân là một niềm hạnh phúc trọn vẹn. Hạnh phúc đó không chỉ ở những thành quả mà hôm nay cách mạng vừa đem lại cho toàn dân. Hạnh phúc đó còn đang tiếp tục đến với nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh để tiêu diệt tận cùng nguồn gốc mọi khổ đau của con người, xây dựng nên một xã hội mà mọi hiện tượng người bóc lột người đều hoàn toàn bị xóa bỏ. Trong cuộc đấu tranh vĩ đại ấy, Đảng và Hồ Chủ tịc đã chọn cho nhân dân ta một con đường ngắn nhất.

“Hạnh phúc cho dân”, đó là mục đích của việc giành lấy chính quyền và giữ vững, bảo về chính quyền ấy. Đó là lí tưởng của Người. Đó cũng là tấm lòng của Người.

(Trích“Những năm tháng không thể nào quên”– Võ Nguyên Giáp, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, 2010, tr.209)

A: Ngôn ngữ sinh hoạt             B. Ngôn ngữ chính luận

C. Ngôn ngữ khoa học              D. Ngôn ngữ báo chí

2. Việc sử dụng từ“hạnh phúc”trở đi trở lại nhiều lần có ý nghĩa gif?

3. Văn bản gợi nhắc đến văn kiện lịch sử trọng đại nào của dân tộc? Nêu ý nghĩa lịch sử của văn kiện đó.

4. Hình tượng con người được nhắc đến trong văn bản trên là ai? Ấn tượng sâu sắc nhất của anh/chị về con người ấy sau khi đọc văn bản?

5. Văn bản thể hiện tình cảm gì của tác giả Võ Nguyên Giáp?

Câu 2(3,0 điểm)

      “Tôi đạp xe ở đường Phan Đình Phùng, tôi đạp chậm, vừa đạp vừa nghĩ ngợi. Một ông bạn trẻ đạp xe như gió thúc mạnh bánh xe vào đít xe tôi, may mà gượng kịp. tôi quay lại nói cũng nhẹ nhàng: “Cậu đi đâu mà vội thế?”. Hắn không trả lời, đạp xe vượt qua tôi, rồi quay mặt lại chửi một câu đến sững sờ: “Tiên sư anh già!”. Lại một buổi sáng tôi đến thăm một người bạn ở quận Đống Đa, đã lâu không đến nên quên đường, lát lát phải hỏi thăm. Có người trả lời, là nói sõng hoặc hất cằm, có người cứ giương mắt nhìn mình như nhìn con thú lạ”

(Một người Hà Nội– Nguyễn Khải, Ngữ văn 12, NXB Giáo dục, 2010, tr.97)

      Từ hiện tượng được nêu trong đoạn văn trên, anh/chị hãy bày tỏ suy nghĩ của mình về ý kiến sau:“Để tỏ ra là người văn minh, chúng ta không cần tạo ra khuôn mặt lạnh, không cần phớt tính, thờ ơ khi có ai cần giúp đỡ, hỏi han; không nhất thiết chỉ lắc, gật hoặc chỉ tay để thể hiện là người của thời đại công nghiệp, khẩn trương và tốc độ. Hãy quan tâm, niềm nở, ân cần, nhã nhặn trong giao tiếp, ứng xử. Như với mẹ ta, chị ta và em ta…”

( Nguồn:http://thanglong.chinhphu.vn)

Câu 3(4,0 điểm)

 Về bài thơ“Sóng”của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng:“Tình yêu của người phụ nữ trong bài thơ vẫn vẹn nguyên những biểu hiện muôn đời của tình yêu truyền thống”.Ý kiến khác lại cho rằng:“Tình yêu ấy mang tính chất hiện đại của tình yêu hôm nay”.

      Bằng cảm nhận về tình yêu của người phụ nữ trong bài thơ“Sóng”, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên, từ đó liện hệ tình yêu của tuổi trẻ hiện nay.

ĐÁP ÁN ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN VĂN NĂM 2016 – ĐỀ SỐ 9

Câu

Ý

Nội dung

Điểm

I.

Đọc đoạn văn và trả lời các câu hỏi:

3,0

1.

Đáp án B

2.

Việc sử dụng từ“hạnh phúc”trở đi trở lại nhiều lần nhằm nhấn mạnh, làm nổi bật lí tưởng cao đẹp của Người là đem lại “hạnh phúc cho dân”.

3.

– Văn bản nhắc đến văn kiện lịch sử trọng đại của dân tộc:“Tuyên ngôn Độc lập”.

– Ý nghĩa của văn kiện:

+Tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

+ Khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – hoàn toàn độc lập, tự chủ.

+ Khẳng định khát vọng độc lập, tự do và quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

4.

Hình tượng con người được nhắc đến trong văn bản trên là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ấn tượng về Người sau khi đọc văn bản: một con người có lí tưởng và tấm lòng cao cả, đẹp đẽ, luôn hết lòng vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nói riêng và giải phóng con người cần lao trên thế giới nói chung.

5.

Văn bản thể hiện sự kính trọng, ngợi ca, ngưỡng mộ, biết ơn của đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

II.

Từ hiện tượng được nêu trong đoạn văn, bày tỏ suy nghĩ của mình về một ý kiến.

3,0

1.

NHẬN THỨC VỀ HIỆN TƯỢNG ĐƯỢC NÊU TRONG ĐOẠN VĂN TRÍCH TỪ “MỘT NGƯỜI HÀ NỘI” – NGUYỄN KHẢI::

0,5

– Các sự việc: 

+ Nhân vật “tôi” đang đi xe trên đường, rất chậm rãi, bỗng bị một người trẻ tuổi hơn đâm xe phải. “Tôi” không những không được nhận lời xin lỗi mà còn bị chửi mắng lại. 

+ Lần khác, khi “tôi” hỏi đường đều nhận được thái độ thiếu thiện chí, thiện cảm của những người đi đường, người trả lời, người không, cứ giương mắt nhìn anh như nhìn con thú lạ hoặc kẻ nói sõng, hất cằm. 

– Phân tích sự việc: Thái độ của những người đi đường: thờ ơ, lạnh nhạt, dửng dưng, thậm chí tỏ ra khó chịu, phiền hà, khinh khỉnh khi người khác cần giúp đỡ; có lỗi, đâm xe vào người khác không xin lỗi lại cáu kỉnh, đổ lỗi cho người khác vì đi chậm, khiến họ đâm phải và vì “tôi” làm mất thời gian của họ?! Tất cả đều tỏ ra bận rộn, khó cảm thông, giúp đỡ người khác. 

=>Cách ứng xử không đúng với chuẩn mực, bị chi phối bởi lối sống mới

2.

BÀN LUẬN VỀ Ý KIẾN:

a

Giải thích ý kiến

0,5

– “Người văn minh”: chỉ người có suy nghĩ, tầm nhìn, nhận thức tiến bộ, cư xử lịch sự, có văn hóa, đáng trân trọng. 

– Ý kiến có 2 vế:

+ Về 1: Phủ nhận các thái độ “mặt lạnh”, hành vi “phớt tính, thờ ờ”, “chỉ lắc, gật hoặc chỉ tay để thể hiện là người của thời đại công nghiệp, khẩn trương và tốc độ”.

+ Vế 2: Đưa ra cách ứng xử có văn hóa “quan tâm, ân cần, nhã nhặn trong giao tiếp, ứng xử…”. 

b

Bàn luận về ý kiến:

1,5

– Giao tiếp là một nhu cầu tất yếu của con người nhằm trao đổi thông tin, ý nghĩ, tình cảm. Đồng thời, thông qua giao tiếp, mỗi con người tự bộc lộ chính mình và có thể hiểu phần nào tính cách của người khác.

-“Khuôn mặt lạnh”, “phớt tính”, “thờ ơ'”, “lắc”, “gật”, “chỉ tay” là những thái độ, hành động bên ngoài, cố tạo ra cho mình một vị thế, một đẳng cấp khác, hơn người. (do bị ảnh hưởng bởi lối sống nhanh, sống gấp, những trào lưu bê ngoài tràn vào…)

Thực chất những cử chỉ, hành động đó chỉ làm cho người khác trở nên xa cách, không có thiện cảm với mình -> Đáng phê phán, loại trừ.

– “Quan tâm”, “niềm nở”, “ân cần”, “nhã nhặn” là thái độ chân thành, xuất phát từ tấm lòng mỗi con người, là cách hành xử đẹp. Cần đối xử với người ngoài như với chính những người thân ruột thịt trong gia đình mình.

Thái độ ấy giúp con người với con người gần nhau hơn, các mối quan hệ trở nên tốt đẹp, từ đó hình thành lối sống văn minh một cách bản năng, như lẽ tự nhiên chứ không cần gượng ép -> Đáng ngợi ca.

3.

BÀI HỌC NHẬN THỨC VÀ HÀNH ĐỘNG:

0,5

– Cần tạo lập cho mình thói quen ứng xử đúng chuẩn mực, văn minh, gìn giữ những nét đẹp truyền thống trong giao tiếp, tránh để bị những yếu tố xung quanh tác động, làm mai một.

– Sẵn sàng giúp đỡ mọi người với thái độ chân thành, vui vẻ…

III.

Bằng cảm nhận về tình yêu của người phụ nữ trong bài thơ“Sóng”, bình luận các ý kiến, từ đó liện hệ tình yêu của tuổi trẻ hiện nay

4,0

1.

KHÁI QUÁT CHUNG:

0,5

– Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ nhiều trắc ẩn, hồn nhiên, chân thành, đằm thắm, da diết trong khát vọng đời thường.

– Bài thơ “Sóng” được sáng tác năm 1967, trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh, đồng thời là một trong những bài thơ tình hay nhất trong nền văn học Việt Nam.

2.

CỤ THỂ: 

4,0

2.1

Giải thích ý kiến: 

0,25

– Giải thích:

+ “Tính chất truyền thống của tình yêu muôn đời”: có từ xưa, được bảo tồn trong cuộc sống hiện đại, trở thành nét đặc trưng về tinh thần, văn hóa của cộng đồng, dân tộc…

+ “Tính hiện đại như tình yêu hôm nay”: thời đại ngày nay, con người có đời sống văn hóa, tinh thần tự do, dân chủ, không bị ràng buộc bởi những hệ tư tưởng phong kiến.

– Hai ý kiến đề bài đưa ra đều đúng, bổ sung cho nhau, làm nên vẻ đẹp hoàn thiện của tình yêu mà Xuân Quỳnh muốn thể hiện.

2.2

Phân tích ý kiến: 

2,0

a.

“Tình yêu của người phụ nữ trong bài thơ vẫn vẹn nguyên những biểu hiện muôn đời của tình yêu truyền thống”

1,0

–  Tình yêu gắn liền với nỗi nhớ khi xa cách: (nỗi nhớ tràn ngập không gian, thời gian; cả ý thức lẫn vô thức: “cả trong mơ còn thức”)  

–  Tình yêu gắn liền với sự chung thủy: Với em không chỉ có phương Bắc, phương Nam mà còn có cả “phương anh”.Đó là phương của tình yêu đôi lứa, là không gian của tương tư. 

–  Tình yêu gắn với khát vọng về một mái ấm gia đình hạnh phúc: Cũng như sóng, dù muôn vàn cách trở  rồi cuối cùng cũng đến được bờ, người phụ nữ trên hành trình đi tìm hạnh phúc cho dù lắm chông gai nhưng vẫn tin tưởng sẽ cập bến. 

b.

“Tình yêu mà Xuân Quỳnh thể hiện trong bài thơ mang tính hiện đại như tình yêu hôm nay”  

1,0

–  Tình yêu là trạng thái tâm lí phong phú, đa dạng, luôn chứa đựng những biến động, thao thức thất thường, vừa nồng nàn, táo bạo, tha thiết, vừa tỉnh táo, đắm say “Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ…” 

–  Trong tình yêu người phụ nữ không cam chịu, nhẫn nhục mà luôn chủ động, khao khát kiếm tìm một tình yêu mãnh liệt, đồng cảm, bao dung“Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể” 

–  Dám sống hết mình cho tình yêu, hòa nhập tình yêu cá nhân vào tình yêu rộng lớn của cuộc đời “Làm sao được tan ra/…/ Để ngàn năm còn vỗ” 

c.

Nghệ thuật thơ: 

0,25

–   Bài thơ có âm hưởng vừa dạt dào, sôi nổi, vừa êm dịu, lắng sâu. Kết cấu song trùng hai hình tượng sóng và em giúp người phụ nữ biểu hiện vẻ đẹp tâm hồn và những quan niệm về tình yêu vừa mới mẻ, hiện đại, vừa sâu sắc, mang tính truyền thống.

–   Ngôn ngữ giản dị, trong sáng, cách ngắt nhịp linh hoạt, nghệ thuật so sánh, nhân hóa, ẩn dụ được sử dụng sáng tạo, tài hoa.

2.3

Liên hệ tình yêu của tuổi trẻ hiện nay:

0,5

 – Tuổi trẻ hôm nay vẫn phát huy được những vẻ đẹp của tình yêu trong bài thơ như :

+ Sự thuỷ chung trong tình yêu

+ Niềm khát khao, tin tưởng vào một tình yêu đích thực 

+ Chủ động vươn tới một tình yêu tốt đẹp 

– Bên cạnh đó, một bộ phận nhỏ các bạn trẻ có quan niệm sai lầm trong tình yêu. Họ sống thực dụng, không trân trọng những giá trị truyền thống đẹp đẽ của tình yêu. Cần phải phê phán hiện tượng này. 

( Học sinh lấy dẫn chứng thực tế và phân tích để làm sáng tỏ luận điểm)

– Rút ra được bài học cho bản thân 

3.

ĐÁNH GIÁ: 

0,5

– Hai ý kiến đều đúng, thể hiện những vẻ đẹp , những khía cạnh khác nhau trong tâm hồn người phụ nữ khi yêu, thể hiện rõ những quan niệm mang tính mới mẻ, hiện đại, thậm chí táo bạo, chân thực, mãnh liệt, nồng nàn, đắm say của Xuân Quỳnh về tình yêu. Nhưng mặt khác. Quan niệm về tình yêu của Xuân Quỳnh có cốt rễ sâu xa trong tâm thức dân tộc vì thế thơ Xuân quỳnh nói chung và bài thơ “Sóng”nói riêng tạo sự đồng điệu trong nhiều thế hệ độc giả.

– Hai ý kiến không đối lập mà bổ sung cho nhau, giúp người đọc cảm nhận bài thơ ở cả bề mặt, chiều sâu và có những phát hiện thú vị, mới mẻ trong mĩ cảm. “Sóng” xứng đáng là một trong những bài thơ hay nhất của của Xuân Quỳnh nói riêng và thơ tình hiện đại Việt Nam nói chung.

Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết tại đây:Download

Comments

comments