fbpx
Home Bộ đề luyện thi THPT Quốc gia Môn Văn Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2016 – Đề số 10

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2016 – Đề số 10

0

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2016 – Đề số 10, được cập nhật theo mẫu đề thi THPT Quốc gia mới nhất, các em tham khảo dưới đây:

Xem thêm: Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN VĂN NĂM 2016 – ĐỀ SỐ 10

Câu 1 ( 4,0 điểm)

    “Chữ và tiếng trong thơ phải còn có một giá trị khác, ngoài giá trị ý niệm. Người làm thơ chọn chữ và tiếng không những vì ý nghĩa của nó, cái nghĩa thế nào là thế ấy, đóng lại trong một khung sắt. Điều kỳ diệu của thơ là mỗi tiếng, mỗi chữ,ngoài cái nghĩa của nó, ngoài công dụng gọi tên sự vật, bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến chung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ, tỏa ra chung quanh nó một vùng ánh sáng động đậy. Sức mạnh nhất của câu thơ là ở sức gợi ấy. Câu thơ hay, có cái gì làm rung những chiếc cốc kia trên bàn, làm lay động ánh trăng kia trên bờ đê. “Chim hôm thoi thót về rừng..”. Chúng ta đọc mà thấy rõ buổi chiều như hơi thở tắt dần, câu thơ không còn là một ý, một bức ảnh gắng gượng chụp lại cảnh chiều, nó đã bao phủ một vầng linh động truyền sang lòng ta cái nhịp phập phồng của buổi chiều. Mỗi chữ như một ngón nến đang cháy, những ngọn nến ấy xếp bên nhau thành một vùng sáng chung. Ánh sáng không những ở đầu ngọn nến, nó ở tất cả chung quanh những ngọn nến. Ý thơ không những trong những chữ, nó vây bọc chung quanh. Người xưa nói: Thi tại ngôn ngoại.”

(TríchMấy ý nghĩ về thơ.Tuyển tác phẩm văn học Nguyễn Đình Thi. Tiểu luận-Bút kí. NXB Văn học, Hà Nội, 2001)

Đọc đoạn trích văn bản trên và thực hiện các yêu cầu sau :
1. Nêu những ý chính của đoạn trích văn bản trên?
2. Người viết đã sử dụng kết hợp các thao tác lập luận nào trong đoạn trích trên? Xác định thao tác lập luận chính.
3. Xác định và chỉ ra hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: Mỗi chữ như một ngón nến đang cháy, những ngọn nến ấy xếp bên nhau thành một vùng sáng chung.
4. Anh/ chị hiểu như thế nào về câu: “Thi tại ngôn ngoại”? Hãy chỉ ra phần “Thi tại ngôn ngoại” trong 2 câu thơ:
             Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
              Những buổi ngày xưa vọng nói về
                    (Đất nước- Nguyễn Đình Thi)

Câu 2 ( 6,0 điểm)

Viết một bài văn nghị luận khoảng 600 từ trình bày suy nghĩ của anh chị về thông điệp từ câu chuyện sau đây:

     “Một cậu bé nhìn thấy cái kén của con bướm. Một hôm cái kén mở ra một khe nhỏ. Cậu bé ngồi yên lặng lẽ quan sát con bướm trong vòng vài giờ khi nó gắng sức để chui qua cái khe nhỏ ấy. Nhưng nó có vẻ như nó không đạt được gì cả. Dường như nó đã gắng hết sức và không thể đi xa hơn, nên nó dừng lại. Do đó, cậu bé quyết định giúp con bướm. Cậu bé lấy cái kéo và cắt cái khe của cái kén cho to hẳn ra. Con bướm chui ra được ngay. Nhưng cơ thể nó bị phồng lên, cánh của nó co lại. Cậu bé tiếp tục quan sát con bướm, hi vọng rồi cái cánh sẽ đủ lớn để đỡ được cơ thể nó. Nhưng chẳng thấy có chuyện gì xảy ra cả. Nhưng thực tế, con bướm đó sẽ không bao giờ bay được. Cậu bé, dù tốt bụng nhưng vội vàng, đã không hiểu rằng chính cái kén bó buộc làm cho con bướm phải nổ lực thoát ra là điều kiện tự nhiên để nó có thể bay được khi nó thoát ra ngoài  kén”

 (Hạt giống tâm hồn, NXB T.P Hồ Chí Minh, tr 123)

Câu 3 ( 10,0 điểm)

     Về bài thơ “Sóng”của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng:“ Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ và hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu”.  Nhưng lại có ý kiến khác cho rằng“Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống”

    Từ cảm nhận về bài thơ“ Sóng”, hãy bình luận những ý kiến trên?

ĐÁP ÁN ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN VĂN NĂM 2016 – ĐỀ SỐ 10

Câu

Ý

Nội dung

Điểm

I

Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi:

4,0

1

Những ý chính của đoạn trích văn bản:
–  Chữ và tiếng trong thơ phải có một giá trị khác, ngoài giá trị ý niệm. Ngoài công dụng gọi tên sự vật, nó còn có khả năng gợi hình, gợi cảm cao.
–   Nghĩa của câu thơ, bài thơ, không chỉ là nghĩa cộng của những chữ, những tiếng tạo nên câu thơ, bài thơ mà là nghĩa tổng hợp trong mối quan hệ đa chiều của những tiếng, những chữ tạo nên câu thơ, bài thơ ấy.

1,0

2

–  Người viết đã sửng dụng kết hợp các thao tác : Bình luận, chứng minh…

– Bình luận là thao tác lập luận chính
Biểu hiện: Có nhiều câu văn thể hiện quan điểm, ý kiến của người viết về vấn đề chữ và tiếng trong thơ như câu 3,4…

1,0

3

Các biện pháp tu từ
– Biện pháp so sánh:Mỗi chữ như một ngọn nến đang cháy
 Hiệu quả nghệ thuật: Làm tăng tính gợi hình, gợi cảm. Có cảm giác mỗi chữ không còn là một cái vỏ ngôn ngữ vô hồn, bất động mà lung linh, sinh động, có sức sống đang toả nhiệt và truyền hơi ấm sang người đọc.
– Biện pháp ẩn dụ:Hình ảnh một vùng sáng chung.
Hiệu quả nghệ thuật: Đó là nghĩa của những tiếng, những chữ ( nói chung là từ ngữ) trong mối quan hệ tương tác, hoà hợp, bổ sung lẫn nhau để tạo nên những ý nghĩa ngoài ý nghĩa riêng của mỗi tiếng, mỗi chữ. Phép ẩn dụ cũng làm tăng tính gợi hình gợi cảm cho câu văn.

1,0

4

– Thi tại ngôn ngoại nghĩa là : Ý thơ ở ngoài lời thơ
– Phần Thi tại ngôn ngoại trong hai câu thơ:
+ Tiếng nói thiêng liêng của lịch sử cha ông luôn vọng về nhắc nhở.
+ Sức mạnh truyền thống của lịch sử dân tộc tạo nên động lực, niềm tự hào cho thế hệ hiện tại trong cuộc đương đầu với thực

dân Pháp xâm lược.

1,0

II

Viết một bài văn nghị luận khoảng 600 từ trình bày suy nghĩ của anh chị về thông điệp từ câu chuyện đã cho.

Học sinh có thể đưa ra những ý kiến riêng và trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần chân thành, thiết thực, hợp lí, chặt chẽ và thuyết phục. Khuyến khích những bài viết có sự sáng tạo. Cần nêu được các ý chính sau:

6,0

1.

Giải thích vấn đề đặt ra trong câu chuyện:

1,0

Thông qua sự việc cậu bé và cái kén bướm, ta rút ra được một quy luật tự nhiên cũng như quy luật xã hội: 

+Khó khăn thử thách là cơ hội, giá đỡ để con người tồn tại trưởng thành và để đạt được thành công.

+Sự giúp đỡ là đáng quý, nhưng giúp đỡ không đúng nơi đúng lúc sẽ làm phản tác dụng và gây hại cho người được giúp. 

2

Bàn luận:

3,0

a

Khó khăn thử thách là cơ hội để ta có kinh nghiệm, có kỹ năng để có thể vượt qua được những chông gai sau này. 
+ Trong cuộc sống, những khó khăn thử thách là điều khó tránh khỏi. Nhưng nhờ có nó con người mới rút ra những kinh nghiệm quý báu cho mình, mới tự khám phá và phát huy được những khả năng của bản thân mà ngày thường có thể bị khuất lấp. Nhờ đó, ta sẽ trưởng thành hơn.

+ Trước khó khăn thử thách, phải bình tĩnh và cố gắng tìm cách

vượt qua, không nên vội bỏ cuộc, chỉ có như thế mới mong đạt 

được những điều mình mong muốn. 

[Lấy dẫn chứng minh họa]

1,5

b

-Trong cuộc sống, sự giúp đỡ luôn đáng quý và cần thiết vì: Ai trong chúng ta cũng có lúc gặp khó khăn trắc trở mà nhiều khi không thể tự mình giải quyết.

Nhưng giúp đỡ không đúng lúc sẽ làm hạicho người được nhận sự giúp đỡ vì:

+ Họ mất đi cơ hội được rèn luyện, trau dồi bản thân, sẽ thiếu kĩ năng sống.
+ Họ sẽ không  tự mình làm chủ được cuộc sống của mình, trở nên lệ thuộc, trông chờ, thụ thộng, ỉ lại vào người khác, yếu đuối, không có ý chí vươn lên.

+ Người như vậy, gặp thất bại là điều tất yếu.

[Lấy dẫn chứng minh họa]

0,5

1,0

3.

Bài học nhận thức và hành động:

2,0

–    Bài học:

+Sự nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn sẽ giúp ta nhiều điều, sẽcho ta thêm sức mạnh, kinh nghiệm và cơ hội đạt đến thành công. 

+Phải kiên trì vươn lên trong cuộc sống để hái được hoa thơm trái ngọt.
+Trân trọng sự giúp đỡ của người khác và lấy đó làm động lực tiến lên chứ không dựa dẫm, ỉ lại.

+Cần cân nhắc thật kĩ trước khi giúp người khác để tránh gây ra 

những hậu quả đáng tiếc và day dứt về sau như cậu bé sẽ mãi ân

 hận vì đã làm cho bướm nhỏ không bay được. 

–    Liên hệ bản thân.

1,5

0,5

III

Bình luận các ý kiến về bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh.

Trên cơ sở những hiểu biết về nhà thơ Xuân Quỳnh và tác phẩm “Sóng”, học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau:

10,0

1

GIỚI THIỆU CHUNG:

1,0

– Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc đời thường.

– Bài thơ “Sóng” được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), lúc đó Xuân Quỳnh mới 25 tuổi trẻ trung, yêu đời. Đây là một bài thơ đặc sắc viết rất hay về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu hiện lên qua hình tượng sóng: tình yêu thiết tha, nồng nàn, đầy khát vọng và sắt son chung thuỷ, vượt lên mọi giới hạn của đời người.

0,5

0,5

2

CỤ THỂ:

8,0

2.1

Giải thích ý kiến:

1,5

– Ý kiến thứ nhất: “ Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ và hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu”

Quan niệm mới mẻ, hiện đại là quan niệm ngày nay, quan niệm của những người có đời sống văn hóa, tinh thần không bị ràng buộc bới ý thức hệ tư tưởng phong kiến. Về tình yêu, sự mới mẻ, hiện đại thể hiện ở: chủ động bày tỏ những khát khao yêu đương mãnh liệt, khát vọng mạnh mẽ táo bạo về những rung động rạo rực cảm xúc trong lòng, tin vào sức mạnh của tình yêu.

– Ý kiến thứ hai: “bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống”

Quan niệm truyền thống là quan niệm có từ xa xưa, được bảo tồn trong đời sống hiện đại. Trong tình yêu, nó được thể hiện ở những nét đẹp truyền thống: đằm thắm, dịu dàng, thủy chung,…

=> Khẳng định: hai ý kiến không đối lập mà bổ sung cho nhau làm nên vẻ đẹp cảu bài thơ: bài thơ thể hiện quan niệm của Xuân Quỳnh về tình yêu rất mực mới  mẻ, hiện đại lại mang vẻ đẹp truyền thống.

0,5

0,5

0,5

2.2

Cảm nhận:

6,5

a

Bài thơ thể hiện quan niệm mới mẻ hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu:

– Đó là một tình yêu với nhiều cung bậc phong phú, đa dạng:dữ dội, ồn ào, dịu êm, lặng lẽ.

– Đó là sự mạnh bạo, chủ động bày tỏ những khát khao yêu đương mãnh liệt và rung động rạo rực trong lòng mình“Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể”.So sánh: không còn sự thụ động, chờ đợi tình yêu mà chủ động, khao khát kiếm tìm một tình yêu mãnh liệt.

– Người con gái dám sống hết mình cho tình yêu, hòa nhập tình yêu cá nhân vào tình yêu rộng lớn của cuộc đời.

2,5

b

Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống:

– Nỗi nhớ thương trong tình yêu được thể hiện qua hình tượng sóng và em“Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được/ Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”.Nỗi nhớ thường trực, da diết, mãnh liệt suốt đêm ngày.

–   Tình yêu gắn liền với sự chung thủy: Với em không chỉ có phương Bắc, phương Nam mà còn có cả “phương anh”. Đó là phương của tình yêu đôi lứa, là không gian của tương tư.

–    Tình yêu gắn với khát vọng về một mái ấm gia đình hạnh phúc: Cũng như sóng, dù muôn vàn cách trở  rồi cuối cùng cũng đến được bờ, người phụ nữ trên hành trình đi tìm hạnh phúc cho dù lắm chông gai nhưng vẫn tin tưởng sẽ cập bến.

2,5

c

Nghệ thuật biểu hiện:

1,5

– Thể thơ năm chữ, nhịp điệu thơ đa dạng, linh hoạt tạo nên âm hưởng của những con sóng: lúc dạt dào sôi nổi, lúc sâu lắng dịu êm rất phù hợp với việc gởi gắm tâm tư sâu kín và những trạng thái tình cảm phức tạp của tâm hồn.

– Cấu trúc bài thơ được xác lập theo kiểu đan xen giữa hình tượng sóng – bờ, anh – em cũng góp phần làm nên nét đặc sắc cho bài thơ.

3.

ĐÁNH GIÁ:

1,0

– Hai ý kiến đều đúng, thể hiện những vẻ đẹp , những khía cạnh khác nhau trong tâm hồn người phụ nữ khi yêu, thể hiện rõ những quan niệm mang tính mới mẻ, hiện đại, thậm chí táo bạo, chân thực, mãnh liệt, nồng nàn, đắm say của Xuân Quỳnh về tình yêu. Nhưng mặt khác. Quan niệm về tình yêu của Xuân Quỳnh có cốt rễ sâu xa trong tâm thức dân tộc vì thế thơ Xuân quỳnh nói chung và bài thơ“Sóng”nói riêng tạo sự đồng điệu trong nhiều thế hệ độc giả.

– Hai ý kiến không đối lập mà bổ sung cho nhau, giúp người đọc cảm nhận bài thơ ở cả bề mặt, chiều sâu và có những phát hiện thú vị, mới mẻ trong mĩ cảm. “Sóng” xứng đáng là một trong những bài thơ hay nhất của Xuân Quỳnh nói riêng và thơ tình hiện đại Việt Nam nói chung.

0,5

0,5

Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết tại đây:Download

Comments

comments