Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã kết thúc nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về khâu đề thi, trong đó có việc bảo mật đề và độ “tương đương” của các mã đề.
Đề thi THPT quốc gia hàng năm là tài liệu được xếp hạng bí mật quốc gia. Trước đây, như tôi được biết, nhóm ra đề chỉ được chọn câu hỏi trong một thư viện câu hỏi bảo mật của Bộ GD&ĐT, họ không được mang theo tài liệu gì vào trại ra đề.
Vì tính chất bảo mật như vậy, bất cứ quan chức nào vào thăm trại ra đề đều có an ninh đi kèm, vào và ra tay không… Như vậy, có thể hiểu, không ai có quyền miễn trừ trong trường hợp này.
Đề thi năm nay đã được soạn sẵn
Đề thi THPT quốc gia 2017 được làm sẵn từ bên ngoài, đặc biệt là ngay trước kỳ thi một khoảng thời gian ngắn. Ai có thể bảo đảm các đề thi này được bảo mật tuyệt đối trước khi đến tay “người ra đề” cuối cùng?
Đáng lo ngại hơn cả là những đề thi này vừa được tiến hành thi thử ngay trước kỳ thi chính thức với chính thí sinh (TS) tham dự kỳ thi.
Theo những người tham gia “ra đề ở vòng trong”, công việc của họ chủ yếu là cắt mấy câu của đề này và dán vào đề khác từ những đề có sẵn.
Phải chú thích một chút để bạn đọc có thể hình dung “vòng trong” là gì. Đây là vòng cuối cùng mà người tham gia bị cách ly ở một địa điểm nào đó, được công an, an ninh gác trong, gác ngoài, phá sóng, ra vào phải qua máy soi như lên máy bay…
Theo mô tả của ông Sái Công Hồng – Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) – người ta có thể hình dung được công việc còn lại của nhóm “ra đề” thực chất chỉ là cắt một vài câu của đề này ghép vào đề kia…
Công việc này khiến người viết nhớ đến thời kỳ (khoảng các năm cuối những năm 1980-1990) thi theo “bộ đề” in sẵn bán trên thị trường. Công việc của người “ra đề” (cũng được canh gác rất chặt chẽ) chỉ còn là việc “cắt dán”.
Việc làm này sau đó bị bãi bỏ vì chẳng giống ở đâu.
Thiếu công bằng trong kỳ thi tầm quốc gia
Việc đưa đề thi vừa soạn sẵn và thi thử vào ngay kỳ thi thật dẫn đến vấn đề nữa: Sự công bằng. Chính Phó cục trưởng Sái Công Hồng cho biết đề thi được thi thử với chính học sinh lớp 12. Như vậy, học sinh ở những trường không được tiếp xúc các câu hỏi thi thử này sẽ bị thiệt thòi so với các bạn được làm bài trước.
Ai sẽ trả lời câu hỏi về vấn đề công bằng cho TS? Về nguyên tắc, câu hỏi đề thi phải nạp vào ngân hàng có hàng vạn câu trước hàng năm, như thế mới bảo đảm được bảo mật và công bằng.
Về sự “tương đương” giữa các mã đề thi, ông Hồng cho rằng “sẽ khập khiễng nếu so sánh độ khó giữa các đề mà chỉ có thể so sánh trong ma trận tổng thể bài thi. Cùng một nội dung kiến thức nhưng ở mã đề này rơi vào nhóm câu hỏi dễ, còn mã đề khác lại sử dụng để hỏi thuộc nhóm câu hỏi khó”. Phát biểu này khiến người ta phải băn khoăn.
Thực tế, dù theo cùng một quy ước hay ma trận, độ khó của đề thi phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có độ khó từng câu, chứ không thể nói rằng mọi đề thi chiếu theo ma trận ắt có độ khó như nhau – nhất là với cách làm “đi tắt đón đầu” trong việc xây dựng ngân hàng câu hỏi.
Nói như thế e là quá chủ quan, không khác gì bảo 2 người có trọng lượng, chiều cao như nhau và ăn mặc như nhau… là mọi thứ cũng như nhau? Lập luận về sự so sánh 2 đề thi theo cách đó khó thuyết phục được người khác.
Kỳ thi THPT quốc gia, ngoài mục đích xét tốt nghiệp THPT, còn có giá trị xét tuyển vào trường ĐH, CĐ. Mọi người đều biết tính hệ trọng của kỳ thi này đối với TS.
Chỉ hơn kém nhau nửa điểm, người này thành sinh viên nhưng người kia đứng ngoài cổng trường ĐH, CĐ. Vậy, kỳ thi này là quan trọng. Do vậy, để bảo đảm công bằng, mọi TS trong cùng đợt thi phải giải cùng một đề.
Sao chứng minh được độ ‘tương đương’!
Vả lại, thế nào là tương đương? Tương đương theo định lượng, định tính hay cả hai? Nói là “tương đương” thì dễ nhưng chứng minh sự tương đương lại là một chuyện rất khó.
Xin dẫn một ví dụ về môn ngoại ngữ, 2 bài đọc khác nhau về nội dung đã có độ khó tự thân khác nhau, như cách hành văn, bố cục… Đó là chưa kể đến chất lượng câu hỏi (nhất là câu hỏi trắc nghiệm khách quan) có tốt không…
Việc phải có nhiều mã đề thực hiện từ mấy năm trước đến nay chủ yếu phục vụ chống gian lận, quay cóp trong thi cử chứ không có mục đích gì khác hơn. Tuy nhiên, muốn bảo đảm tính công bằng, các mã đề cần phải xuất phát từ cùng một đề.
Ai cũng biết trong một đề thi, câu dễ thường được đặt lên trước để giảm áp lực tâm lý cho TS. Song, dù có bị xáo trộn, nội dung vẫn là một, còn hơn họ phải làm vài cái gọi là đề thi tương đương.
Như vậy, cho TS thi các đề “tương đương” đã là một sự không công bằng, chưa nói đến các đề thi có tương đương thật hay không.
Theo Zing