Hôm qua 5.10, Bộ GD-ĐT công bố đề minh họa của kỳ thi THPT 2017. Theo nhiều giáo viên, thời gian làm bài thi ít, nhưng lượng kiến thức vẫn còn ôm đồm.
Đề toán không khó “dữ dội” như tự luận
Theo tiến sĩ Nguyễn Thiện, Tổ trưởng tổ toán Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đề thi minh họa môn toán khá hay. Dù kiến thức trong đề thi chỉ thuộc chương trình lớp 12 nhưng phạm vi kiến thức trải rộng khắp chương trình. Có những vấn đề các năm trước chưa bao giờ đề cập thì xuất hiện trong đề năm nay, vì vậy học sinh (HS) không thể học lơ mơ hoặc tập trung vào một số vấn đề.
Đề có 25 câu dễ, HS trung bình không khó để đạt 5 điểm. 25 câu này trong tổng thể 50 câu toàn bài tương đương với 4 – 5 câu dễ của đề thi tự luận năm ngoái. Các câu này chỉ cần nhận biết nhưng vẫn đòi hỏi HS phải nắm vấn đề căn bản trong sách giáo khoa. Bên cạnh đó, đề có 15 câu ở mức độ dễ vừa dành cho HS khá, HS phải hiểu sâu và có kỹ năng mới có thể làm được. HS trung bình và yếu chỉ có thể xoay xở được trong vòng 25 câu dễ nhất của phần đề.
Đề có khoảng 10 câu khó, tuy nhiên trong đề trắc nghiệm này phần câu hỏi khó không thể khó như ở đề tự luận các năm trước. Nếu các năm trước đề khó dữ dội và đánh đố HS thì năm nay HS nhạy bén, thông minh vẫn làm được.
Tuy nhiên, nét đặc biệt ở đề toán là có tính vận dụng thực tiễn cao. Có khoảng 5 câu yêu cầu thể hiện được tính vận dụng thực tế đời sống về các vấn đề: tính lãi suất ngân hàng tiền gửi, vận tốc ô tô chạy… Ở các câu hỏi này, yêu cầu đề không khó nhưng đòi hỏi HS phải có hiểu biết căn bản, có năng lực vận dụng toán tốt thì mới giải quyết được.
Ông Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), cho rằng nội dung kiến thức hoàn toàn nằm trong chương trình lớp 12. Đề hay phải suy luận toán học để tìm ra đáp án chứ không thể đoán “mò”.
Riêng phần hình học không gian (7 câu), Bộ cho như vậy sợ rằng HS không kịp giờ vì bài nào cũng phải vẽ hình giống như bài tự luận sau đó mới tính toán. Phần hình học giải tích (8 câu), kiến thức tương đối cơ bản.
Phần khảo sát hàm số, HS chú ý đến kiến thức về tính chất đơn điệu và cực trị của hàm số. Riêng phần mũ log, HS phải nắm vững công thức vì trong 8 câu của phần này Bộ chỉ cho một câu để HS có thể sử dụng máy tính tìm ra đáp án đúng. Qua đề thi minh họa cho thấy Bộ hạn chế một cách tối đa các bài toán sử dụng máy tính cầm tay vì trong 50 câu chỉ có 4 câu.
Đề thi có sự phân hóa tuy nhiên về hình thức câu dẫn không phải của câu hỏi trắc nghiệm mà của bài toán tự luận.
Với đề thi này, thay vì luyện giải toán ở dạng trình bày ghi chép cẩn thận, HS cần thay đổi cách học mới. Theo đó, 3 kỹ năng cần luyện kỹ gồm: có thói quen suy đoán để phân tích chọn lựa đáp án đúng, suy nghĩ nhanh để phản xạ nhanh và các thao tác làm bài phải được luyện tập nhiều.
Đề văn tích hợp phần đọc hiểu và nghị luận xã hội
Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Tuyết, giáo viên văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), băn khoăn về cấu trúc đề và thời gian làm bài. So với kỳ thi năm 2016 đề thi văn giảm đi 1/3 thời lượng (từ 180 phút rút xuống chỉ còn 120 phút). Ở phần làm văn, dù đề minh họa yêu cầu viết một đoạn văn ngắn 200 chữ (trước là viết 600 chữ) nhưng viết ngắn không có nghĩa là HS không cần đầu tư nhiều thời gian.
Cả 3 phần mà đề minh họa đưa ra thì đúng là không thể bỏ được phần nào, nhưng vẫn có thể cấu trúc lại. Phần đầu có ngữ liệu đọc hiểu và sau đó có 3 câu hỏi: câu hỏi về tiếng Việt, câu hỏi về cảm thụ và câu hỏi dựa vào một chủ đề nào đó trong ngữ liệu đọc hiểu để yêu cầu HS viết đoạn văn. Phần thứ hai sẽ là nghị luận văn học. Cấu trúc đề thi như vậy sẽ tăng thời gian cho HS làm phần nghị luận, bớt đi một câu đọc hiểu cũng không ảnh hưởng gì đến chất lượng đề thi.
Trong khi đó ông Trương Minh Đức, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), phân tích với thời lượng 120 phút, nội dung và lượng kiến thức được thể hiện trong đề thi minh họa khá phù hợp.
Phần đọc hiểu chỉ còn một văn bản và lượng câu hỏi đã giảm từ 8 còn 4 câu sẽ giúp HS không mất quá nhiều thời gian tiếp cận. Điểm mới và hay của đề thi minh họa là có sự tích hợp nội dung giữa phần đọc hiểu và phần nghị luận xã hội. Việc tích hợp này khá hay, vừa giúp HS tập trung vào một nội dung trên cùng văn bản, vừa đảm bảo thời gian phù hợp để có thể khai thác sâu luận đề chính theo hướng vận dụng cao.
Theo ông Đức, do giới hạn về thời gian nên phần nghị luận văn học khó có thể ra những dạng đề mới, kích thích tư duy và sáng tạo của HS nên độ phân hóa của đề cũng khó thực hiện. Phần nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn chỉ với 200 chữ thì không dễ để đánh giá.
Đề tiếng Anh chưa phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp
Bà Lê Thu Hương, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An), nhận xét: Đề minh họa môn tiếng Anh có 50 câu mà chia nhỏ thành 12 bài thì đề bị xé lẻ, trong khi đó hoàn toàn có thể gộp với nhau. Ví dụ, ở đề minh họa, có thể ghép bài 3, 4, 5 thành một bài để bao quát hơn, không làm cho HS bị rối và đề thi kéo dài không cần thiết.
Ở phần đọc hiểu, trước đây 3 bài đọc với 30 câu thì nay 3 bài đọc và số lượng là 15 câu. Phần bài đọc là để phân hóa HS chỉ nên gói gọn trong 10 câu với phần điền từ vào chỗ trống tổng cộng là 15 câu thì sẽ phù hợp hơn.
Theo bà Hương, nên bớt số câu của phần đọc hiểu để bù vào phần từ vựng, ngữ pháp thì sẽ hợp lý hơn. Bởi đây chính là phần kiểm tra kiến thức cơ bản của HS, dành cho đa số HS và phù hợp với mục tiêu chính là để xét tốt nghiệp. Cả 3 năm THPT, HS được học rất nhiều ở phần từ vựng, ngữ pháp mà nếu chỉ có 12 câu như đề minh họa thì không thể kiểm tra được hết. Như các năm trước thì phần này khoảng 25 câu. Nếu giảm số câu kiểm tra kiến thức cơ bản của HS mà đòi hỏi nhiều hơn ở phần nâng cao thì phổ điểm tiếng Anh trong kỳ thi sẽ lại rất “xấu” và như vậy cũng không phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp.
Về thời gian làm bài với môn tiếng Anh, bà Hương cho rằng như vậy là phù hợp vì với đặc thù của môn ngoại ngữ, HS nào trả lời được thì sẽ trả lời rất nhanh.
Theo Thanh niên