Sáng 15/3, các thí sinh lớp 12 Hà Nội đã hoàn thành bài thi khảo sát môn Ngữ văn. Một số giáo viên nhận xét, đề thi có độ phân hóa tốt. Tuy nhiên, thí sinh khá bất ngờ và dễ mất điểm ở phần kiến thức lớp 11.
Sẽ tăng áp lực ôn thi
Sau buổi thi sáng nay, em Nguyễn Xuân Hà – lớp 12A5 Trường THPT Hoài Đức B chia sẻ, đề thi khảo sát không quá khó và chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, em hy vọng sẽ đạt được từ 6 – 7 điểm.
Một thí sinh khác ở điểm thi tại quận Ba Đình cho biết, do chủ quan, nghĩ kiến thức lớp 11 đơn giản nên em tập trung ôn ở chương trình lớp 12. Không ngờ, phần kiến thức này khiến em bối rối, nhất là cách làm bài so sánh.
Nhận định về đề văn trên, TS Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Ngữ văn, Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội) cho biết, ngữ liệu đọc hiểu có khả năng khơi mở suy ngẫm về những vấn đề được quan tâm của cuộc sống thời hiện đại, đó là thái độ ứng xử của con người với công việc, với cuộc sống tuỳ theo quan niệm của họ về giá trị và ý nghĩa cuộc sống.
Tuy nhiên, ngoại trừ câu hỏi 1 yêu cầu nhận biết về kiến thức tiếng Việt, các câu hỏi sau, nhất là câu 2 và câu 4 hầu như chưa tác động tới tư duy của học trò khi ý trả lời hiện hữu một phần ở câu hỏi và là điều đương nhiên trong suy luận.
Thứ hai, tuy nội dung yêu cầu Nghị luận ở câu Nghị luận xã hội là một ý trong ngữ liệu đọc hiểu, nhưng đó không phải vấn đề cơ bản của văn bản ngữ liệu đọc hiểu. Sự triển khai nội dung Nghị luận của học trò có thể sẽ rẽ theo hướng hoàn toàn khác với thông điệp trong ngữ liệu của phần đọc hiểu.
Thứ 3, câu Nghị luận văn học chọn hai đoạn thơ đặc sắc của Xuân Diệu và Xuân Quỳnh cho học sinh cảm nhận. Tuy nhiên, có hai điều khiến các trò có thể băn khoăn:
– Đoạn thơ cuối bài Vội vàng của Xuân Diệu thể hiện khát khao tận hưởng hương sắc cuộc sống ngay trong quĩ thời gian ngắn ngủi của đời người. Câu lệnh “khát vọng tình yêu tuổi trẻ” khiến ý thơ bị thu hẹp.
Đoạn thơ cuối của Xuân Quỳnh thể hiện niềm tin vào đích đến tốt đẹp của tình yêu cùng khát vọng hi sinh, dâng hiến và vĩnh viễn hoá tình yêu ngay trong cái ngắn ngủi của đời người, cái nhỏ bé của kiếp người. Ý trong câu lệnh của đề bài vì thế cũng quá chật hẹp so với ý thơ. Vả lại, nếu Xuân Diệu bận tâm nhiều tới tuổi trẻ thì điều khiến Xuân Quỳnh trăn trở lại là tình yêu nói chung, không giới hạn “ tình yêu tuổi trẻ”.
– Cấu trúc đề của câu Nghị luận văn học cho thấy yêu cầu Nghị luận là so sánh hai đoạn thơ theo tỷ lệ 50-50; trong khi đó, đề tham khảo của Bộ mới công bố là Nghị luận chủ yếu về đơn vị kiến thức lớp 12 ( hình ảnh ông đò vượt thác) – phần liên hệ tới kiến thức lớp 11 ( hình ảnh Huấn Cao trong cảnh cho chữ) chỉ để làm rõ quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người.
Vậy với cấu trúc đề thi thử của Hà Nội, học sinh sẽ rất băn khoăn về hướng ôn tập chương trình lớp 11 – bởi theo hướng đề của Bộ, trọng tâm sẽ là chương trình lớp 12; còn theo đề thi của Hà Nội, phần lớp 11 cũng sẽ có vị trí ngang bằng với lớp 12, có thể sẽ tăng áp lực ôn thi cho học trò.
Mất điểm nếu không nắm chắc kiến thức lớp 11
TS Phạm Hữu Cường (Trường ĐHSP Hà Nội) thì cho rằng, điểm mới của đề thi so với những năm trước là có thêm phần kiến thức lớp 11 (chiếm khoảng 25%) và đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc cách làm kiểu bài so sánh văn học; giống như cấu trúc đề thử nghiệm của Bộ GD&ĐT. Thí sinh nào không nắm chắc kiến thức Ngữ văn 11, và cách làm kiểu bài so sánh văn học sẽ mất khá nhiều điểm ở câu này.
Câu nghị luận xã hội rất có ý nghĩa đối với tuổi trẻ hiện nay khi yêu cầu trình bày suy nghĩ về cách để mỗi người có thể tận hưởng cuộc sống một cách thực sự. Đây cũng là vấn đề có khả năng khơi gợi hứng thú làm bài cho học sinh. Ở câu này, học sinh có học lực trung bình và khá có thể giải quyết được những yêu cầu cơ bản của đề bài, nên việc đạt được 2 điểm trở lên ở phần này cũng là trong tầm tay.
Câu nghị luận xã hội và câu nghị luận văn học đều là những câu hỏi mở, có khả năng phân loại thí sinh. Là câu có nhiều ‘chất văn’ hơn cả, câu nghị luận văn học (câu 2, phần II) có thể khơi gợi được nhiều hứng thú làm bài của học sinh. Các em chỉ cần bám sát văn bản, vận dụng kĩ năng phân tích và năng lực cảm thụ văn học của mình là có thể hoàn thành được phần lớn yêu cầu của đề.
Ở câu này, yêu cầu cảm nhận khát vọng tình yêu của tuổi trẻ ở hai đoạn thơ trích từ ‘Vội vàng’ của Xuân Diệu và ‘Sóng’ của Xuân Quỳnh sẽ có nhiều học sinh làm được, nhất là khi các em nắm vững kiến thức văn học 11 và 12. Nhưng phần so sánh để chỉ ra nét tương đồng và sự khác biệt giữa hai đoạn thơ, của hai tác giả trong việc thể hiện khát vọng tình yêu của tuổi trẻ chắc chắn sẽ khiến nhiều hoc sinh lúng túng, nên phổ điểm chủ yếu ở câu này sẽ là 3 điểm. Nhưng đây chính là chỗ đề phân hóa trình độ thí sinh tốt nhất.
Trong đề thi thử môn Ngữ văn THPT quốc gia 2018 của TP Hà Nội, các câu hỏi ở phần đọc hiểu khá cơ bản, không khó đối với học sinh có học lực trung bình trở lên. Các em chỉ cần đọc kĩ văn bản, vận dụng các kĩ năng đọc hiểu thông thường là có thể hoàn thành tốt các câu hỏi này, Vì vậy, ở phần đọc hiểu, sẽ khá nhiều thí sinh đạt được từ 2 đến 2,5 điểm, thậm chí đạt điểm tối đa.
Ngoài ra, đề thi bám rất sát cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT, bám sát chương trình THPT, nhất là chương trình Ngữ văn 11, 12. Độ dài các câu tương đối hợp lý. Đề thi có mức độ kiến thức và kĩ năng khá cơ bản, phù hợp với học sinh có học lực trung bình và khá. Các câu trong đề nhìn chung được sắp xếp từ dễ đến khó, đảm bảo được việc kiểm tra kiến thức và kĩ năng ở các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Đề thi nghiêng về tính truyền thống, hầu như không đề cập đến các vấn đề thời sự hiện nay của dân tộc, của đất nước, nên tính thời sự của đề thi cũng không cao. Với đề thi này, học sinh sẽ được khoảng 7 – 8 điểm là chủ yếu.
Theo Dantri