Sau 2/3 thời gian làm bài môn Sử sáng 4/7, nhiều em rời trường thi với tâm trạng phấn khởi vì làm được bài. Tuy nhiên, một số giáo viên nhận định, thí sinh khó đạt điểm cao.
ết thúc thi môn Lịch sử sáng 4/7, thí sinh rời phòng thi trong tâm trạng phấn khởi. Nhiều thí sinh cho biết đề thi Lịch sử có nội dung mở, theo hướng sử dụng kiến thức để phân tích về sự kiện, mang tính tự luận cao.
Rời phòng thi trong tâm trạng vui vẻ, thí sinh Lê Đức Dũng (điểm thi Cao đẳng Công nghệ – Kinh tế và Thủy lợi miền Trung, Đà Nẵng) cho biết: Đề thi Lịch sử có 4 câu, trong đó có 7 câu hỏi nhỏ. Nội dung đề thi năm trong kiến thức chương trình học tập.
“Kết quả làm bài của em khá tốt, trong đó em tự tin nhất là phần câu hỏi số 4, trình bày suy nghĩ về chủ trương thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc trong đường lối đổi mới đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam và thế hệ trẻ hiện nay phải làm gì để phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc.
Đinh Thị Yến (học sinh Trường THPT Quang Trung, huyện miền núi Đông Giang, Đà Nẵng) chia sẻ: Trong 4 câu hỏi đề thi môn Lịch sử, em hoàn thành câu 2, 3, 4. So với đề thi môn Sử năm trước, Yến cho rằng nội dung đề thi mang tính mở cao. Muốn làm bài đạt điểm giỏi, thí sinh phải có kiến thức vững vàng và khả năng tổng hợp, phân tích các sự kiện đề bài yêu cầu.
Tại điểm thi trường THPT Đoàn Kết, Hà Nội, hết 2/3 thời gian nhưng rất ít thí sinh ra sớm. Nguyễn Tiến Anh (học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên Hai Bà Trưng) cho biết: Đề thi có câu 1 là học thuộc lòng nhưng em không làm được vì không chuẩn bị. Câu 2 suy luận tương đối dễ dàng. Câu 3 nói về đại đoàn kết dân tộc trong thời đại mới cần nhiều kiến thức xã hội và suy luận nên mình làm không tốt lắm.
Thí sinh cười tươi cho biết làm bài khá tốt môn Lịch sử sáng 4/7. Ảnh: Anh Tuấn. |
Khó đạt 8 điểm
Chúng tôi có trao đổi với cô Trần Thị Hậu (trường chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng), nói rằng, đề thi năm nay mang tính dàn trải trong toàn bộ chương trình THPT. “Đề thi này, thí sinh phải làm cật lực trong 90 phút mới xong. Khó nhất là câu hỏi cuối cùng. Câu này đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức xã hội thời sự. Theo tôi, đề thi năm nay có tính phân loại cao”, cô Hậu phân tích.
Cùng chung quan điểm, cô Nguyễn Thị Lan (Trung tâm luyện thi A&D, Đà Nẵng), cho biết, với đề thi này, câu I, II và III, thí sinh nắm chắc kiến thức trong SGK có thể kiếm được 5 – 6 điểm. Tuy nhiên, tổng thể đề thi thì rất khó để các em đạt 8 điểm trở lên.
Cô Hứa Hoa Mai, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh cho biết: Đề thi theo hướng phân tích khái quát, không yêu cầu học sinh thuộc quá nhiều sự kiện, có tính liên hệ thực tiễn, phát huy được ý kiến cá nhân và có ý nghĩa đối với thế hệ trẻ.
“Tôi cũng đánh giá đây là một đề hay, phân loại được học sinh. Nếu học sinh trung bình có thể 5 – 6 điểm, khá có thể có 7 -8 điểm. Tuy nhiên, muốn điểm cao, thí sinh phải có khả năng phân tích sự kiện, khái quát và phải có cách viết, cách trình bày, lập luận khoa học”, cô Mai nói.
TS Lê Thị Thu Hương (giảng viên Đại học Thủ đô) nhận định, phổ điểm trung bình năm nay tập trung ở điểm 5, 6 và ít điểm 9, 10. Đề thi ít câu hỏi mang tính tái hiện, chỉ có câu 1 giúp thí sinh có thể dễ dàng lấy điểm ở phần tái hiện lịch sử.
“Cái hay của đề thi năm nay là Bộ đã giảm câu hỏi về học thuộc lòng mà đòi hỏi sự tư duy logic của thí sinh, cách nhìn tổng quan về tình hình lịch sử và khả năng tư duy, suy luận cao”, nữ tiến sĩ nêu quan điểm.
Theo Zing.vn