Tiến sĩ (TS) Phạm Hữu Cường – Hệ thống giáo dục Học mãi đã chỉ ra một số sai lầm mà thí sinh cần tuyệt đối tránh khi làm bài thi môn Ngữ văn THPT quốc gia năm 2017.
Để cung cấp tới quý độc giả và các em thí sinh, Tiến sĩ Phạm Hữu Cường – đến từ Hệ thống giáo dục Học mãi, người thầy dạy Ngữ văn đã có hơn 20 năm kinh nghiệm luyện thi đã chỉ ra một số sai lầm mà thí sinh cần tuyệt đối tránh khi làm bài thi môn Ngữ văn THPT quốc gia năm 2017. Cụ thể là:
1. Học tủ:
Theo quy trình ra đề thi của Bộ GD&ĐT, đối với các môn khoa học xã hội, trong đó có môn Ngữ văn, phải bốc thăm chọn chủ đề một cách ngẫu nhiên, sau đó các cán bộ ra đề thi theo các chủ đề đã chọn. Vì vậy đề thi có thể rơi vào bất cứ bài nào trong chương trình, kể cả những bài vừa thi năm trước.
Có thí sinh cho rằng năm trước, đề thi đã ra vào bài này, phần này, nên năm nay sẽ không rơi vào bài đó nữa. Đó là một nhận thức chủ quan, vừa sai lầm, vừa thiển cận. Do đó, với cách ra đề phân thành nhiều câu, nhiều phần như hiện nay, học tủ trở nên cực kì nguy hiểm.
2. Phân bổ thời gian làm bài không hợp lí:
Để bài văn đạt điểm cao, thí sinh cần giải quyết đầy đủ, sâu sắc các yêu cầu của đề bài trong vòng 120 phút. Vì vậy, việc phân bổ thời gian làm bài không hợp lí sẽ khiến bài làm văn có điểm số không cao.
Các em nên làm phần đọc hiểu trong vòng 20’, câu nghị luận xã hội khoảng 25’, thời gian còn lại dành cho câu nghị luận văn học. Không nên lập dàn ý chi tiết hay viết nháp mở bài, kết bài hoặc từng đoạn rồi mới chép vào bài thi vì như thế sẽ không đủ thời gian làm bài. Chỉ nên vạch ra một số ý chính theo yêu cầu của đề, rồi vừa nghĩ vừa viết.
3. Xác định không đúng yêu cầu về kĩ năng/ phương pháp và kiến thức cần huy động:
Chẳng hạn, câu nghị luận xã hội bao giờ cũng yêu cầu thí sinh bình luận về một vấn đề xã hội chứ không phải chứng minh.
Vì vậy các em cần trình bày được suy nghĩ, quan điểm, thái độ, cách nhìn nhận đánh giá của mình về vấn đê cần bàn luận chứ không phải đưa thật nhiều dẫn chứng từ đời sống xã hội vào để chứng minh vấn đề đó. Một bài nghị luận xã hội chỉ nên lấy khoảng 4 dẫn chứng là đủ, miễn là dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc, giàu sức thuyết phục và được nêu khéo léo, ngắn gọn.
4. Lỗi thiếu ý, thiếu dẫn chứng:
Để bài văn đạt điểm cao, các em học sinh cần trả lời chính xác, đầy đủ từng ý nhỏ trong từng câu hỏi của phần đọc hiểu. Các ý trong bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học càng sâu sắc, đầy đủ và toàn diện càng tốt. Lập luận cần chặt chẽ, lí lẽ cần sắc sảo thông minh, dẫn chứng cần xác thực và giàu sức thuyết phục.
5. Lỗi trình bày, diễn đạt, chữ viết:
Bài văn trình bày càng rõ ràng, rành mạch, sạch đẹp thì càng tốt. Diễn đạt cần đúng ngữ pháp, càng giàu hình ảnh và cảm xúc thì điểm càng cao. Mắc lỗi diễn đạt và chính tả là văn viết “chưa sạch nước cản”, sẽ bị trừ điểm rất nặng. Vì vậy, các em nên viết chữ rõ ràng, không viết thiếu nét, thiếu dấu, không viết hoa viết tắt tự do, phân biệt đúng chính tả l/n, tr/ch, x/s…
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Phạm Hữu Cường cũng cho biết, các em thí sinh nên nhớ một số “điểm nhấn” trong định hướng ôn tập thi THPT quốc gia năm 2017.
“Ở phần đọc hiểu và nghị luận xã hội, các em học sinh nên chú ý đến các văn bản liên quan đến các vấn đề về bảo vệ văn hóa dân tộc, chống xâm hại trẻ em, sự sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp, sự dấn thân và ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ…
Phần nghị luận văn học, thí sinh không cần ôn các bài Đàn ghi-ta của Lor-ca, Những đứa con trong gia đình. Nhưng các em nên ôn tập tất cả các văn bản tác phẩm trong chương trình ngữ văn 12, đặc biệt chú trọng 5 bài gồm: Đất Nước, Việt Bắc, Sóng, Người lái đò sông Đà, Vợ chồng A Phủ”, TS Cường nhấn mạnh thêm.