Giáo viên Địa nhận định: “Phổ điểm chủ yếu từ 4 đến 6 điểm, rất ít điểm 9-10. Các trường đại học hoàn toàn yên tâm có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển. Chắc chắn không có điểm liệt đối với môn Địa lý”
Đối với môn Địa lý (Mã đề 302), cấu trúc đề thi giống với đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố trước đây. Vì thế không có gì bất ngờ đối với thí sinh.
Ngoài những câu hỏi với kiến thức cơ bản, đề thi còn có những câu hỏi yêu cầu thí sinh phải kỹ năng vận dụng và có tư duy liên hệ kiến thức địa lý. Các câu hỏi trong đề thi tường minh, kiến thức hoàn toàn nằm trong chương trình đã học và không đánh đố học sinh.
Ở mã đề thi này, có 60% các câu hỏi lý thuyết (khoảng 25 câu), 15 câu hỏi về kỹ năng vân dụng. Nhìn chung đề thi năm nay theo đúng ma trận đề của Bộ GD&ĐT đưa ra và đảm bảo 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao.
Riêng về kỹ năng thực hành, có 11 câu thuộc phần khai thác Alat Địa lý, đọc phân tích nhận xét bảng số liệu 2 câu và nhận diện dạng biểu đồ 2 câu. Đối với học sinh được ôn luyện kỹ thì các kỹ năng nhận biết như: Khai thác Atlat không quá khó. Chỉ cần học sinh đọc kỹ câu hỏi và tìm đúng trang Atlat là có thể trả lời được.
Riêng đối với các câu hỏi nhận xét, phân tích bảng số liệu nhận diện biểu đồ, ngoài kỹ năng tính toán, học sinh phải có tư duy liên hệ với kiến thức về Địa lý.
Về lý thuyết, đề có sự phân hóa rõ rệt, mức độ khó tăng dần. Kiến thức bao quát cả lớp 11 và lớp 12. Lớp 11 chủ yếu rơi vào phần vấn đề phát triển kinh tế xã hội của một số nước trên thế giới như Trung Quốc, nhật bản và các nước ASEAN.
Lớp 12, đề thi trải đều từ phần địa lý tự nhiên, dân cư, các ngành kinh tế và các vùng kinh tế, vấn đề biển đảo. Đề có đề cập đến vấn đề thực tiễn hiện nay như: thực tiễn của các nước Asean, du lịch biển đảo vào mùa khô của đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, đề hơi dài yêu cầu học sinh phải biết kỹ năng đọc hiểu và tổng hợp kiến thức.
Dự đoán phổ điểm chủ yếu từ 4 đến 6 điểm, rất ít điểm 9-10. Các trường đại học hoàn toàn yên tâm có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển. Chắc chắn không có điểm liệt đối với môn Địa lý.
Thầy giáo Bùi Ngọc Phóng – giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội: “Đề thi bao quát kiến thức cả chương trình lớp 11, 12”
Đề Địa lí năm nay đã đảm bảo được bao quát kiến thức cả chương trình lớp 11, 12. Trong chương trình lớp 11 gồm những phần kiến thức các quốc gia tiêu biểu, khu vực Đông Nam Á, khu vực kinh tế trên thế giới; trong khi đó lớp 12 đã bao quát phần địa lí tự nhiên và địa lí kinh tế xã hội. Đề năm nay có có phân hoá được các mức độ trung bình, khá và giỏi.
Nhìn chung, khi học sinh vận dụng được các kĩ năng như đọc và khai thác Atlat địa lí, xử lí bảng số liệu, tìm các mối quan hệ nhân quả thì sẽ làm được bài thi rất tốt.
Phần liên hệ kiến thức thực tiễn, đề đã thể hiện được những kiến thức thực tiễn đang diễn ra trong khu vực như việc làm, kết nối giữa các nền kinh tế trong khu vực, vấn đề môi trường. Học sinh cần phải nắm được tính thời sự đang diễn ra hàng ngày, cùng với việc liên hệ kiến thức trong môn địa lí để giải quyết các câu hỏi.
Tôi ấn tượng nhất với đề lần này là yêu cầu học sinh nắm vững kĩ năng của bộ môn, đòi hỏi học sinh có tư duy và đề này không yêu cầu học thuộc.
Nếu so sánh với các đề lần trước thì đề lần này mang tín tư duy cao hơn. Phần nhận biết trong đề thì học sinh dễ dàng vận dụng kĩ năng để hoàn thành. Đối với phần thông hiểu, học sinh cần phải sử dụng mối quan hệ nhân quả để tìm ra phương án đúng.
Phổ điểm theo tôi từ 5 trở lên sẽ chiếm khoảng 80%, còn lại là mức độ phân hoá. Các trường đại học vẫn có thể lựa chọn được học sinh có chất lượng với khoảng 10% đến 15% học sinh đạt từ 9-10 điểm. Nhiều khả năng không có điểm liệt.
Thầy Vũ Hải Nam – Giáo viên Tuyensinh247.com – GV THPT chuyên Nguyễn Huệ Hà Nội: “Đề có sự phân hóa cao”
Thầy Nam cho rằng, nội dung đề thi bao gồm kiến thức Địa lí lớp 11 và Địa lí lớp 12 và thực hành kĩ năng Địa lí. Trong đó: phần kiến thức Địa lí lớp 11 chiếm 15%, 6 câu/40 câu trắc nghiệm; Phần kiến thức Địa lí lớp 12 chiếm 47,5%, 19 câu/40 câu trắc nghiệm.
Trong thực hành: 15 câu thực hành, trong đó sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam 11 câu, biểu đồ và bảng số liệu 4 câu, chiếm 37,5% số câu.
Phạm vi: Lý thuyết: 25 câu trắc nghiệm, thuộc các chủ đề: Địa lí tự nhiên Việt Nam (2 câu), Địa lí dân cư Việt Nam (1 câu), Địa lí ngành kinh tế (7 câu), Địa lí vùng kinh tế (9 câu), Địa lí khu vực và quốc gia (6 câu)
+ Thực hành: 15 câu trắc nghiệm với các kĩ năng cơ bản như kĩ năng phân tích, nhận xét, xử lí bảng số liệu, biểu đồ, kĩ năng nhận diện biểu đồ, kĩ năng khai thác và dụng Atlat Địa lí Việt Nam
Đề thi gồm 4 mức độ : nhận biết 18 câu, thông hiểu 12 câu, vận dụng thấp 6 câu, vận dụng cao 4 câu.
Học sinh thi chỉ có mục đích xét tốt nghiệp THPT quốc gia có thể làm được khoảng 5,5 điểm. Học sinh khá/ giỏi có thể đạt >8-9 điểm.
Thầy Nam đánh giá, nội dung đề thi bám sát chương trình của Bộ Giáo dục và đào tạo, phạm vi phủ rộng khắp các chuyên đề theo đề thi minh họa của Bộ. Nội dung đề thi chia thành 2 phần kiến thức và thực hành kĩ năng Địa lí. Tuy nhiên đề có độ khó cao hơn đề minh họa Bộ đã công bố.
Đề thi đảm bảo 2 mức độ phù hợp với mục tiêu của kì thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học. Mức độ khó có tăng hơn so với đề năm 2017.
Các câu hỏi cuối của đề thi yêu cầu thí sinh cần đọc kĩ câu hỏi mới có thể đưa ra được phương án trả lời đúng nhất. Số lượng câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải tư duy nhiều hơn so với năm 2017.
Các câu hỏi được sắp xếp theo mức độ khó tăng dần, 20 câu đầu phù hợp với các thí sinh lựa chọn thi tốt nghiệp THPT, HS lấy điểm xét đại học cần làm tốt các câu sau. Các câu hỏi cuối đòi hỏi thí sinh cần có tư duy phản biện và hiểu rất rõ bản chất vấn đề. Tuy nhiên, nội dung vẫn không nằm ngoài chương trình thi.
Nhìn chung, đề có sự phân hóa cao với các đối tượng học sinh theo mục đích xét tuyển. Để đạt điểm trung bình khá dễ song để đạt được điểm tuyệt đối môn Địa và điểm cao sẽ ít hơn năm 2017. Một số đáp án trả lời còn dễ gây nhầm lẫn và khó lựa cho thí sinh.
Theo Dantri