Đề địa lí THPT quốc gia năm nay ra nhiều câu hỏi mở, hỏi nhiều về khoáng sản, tiềm năng kinh tế trên biển Đông.
Thí sinh Hoàng Ngân tại cụm thi THCS Lê Văn Tám, TP.HCM ra khỏi phòng thi sau môn địa lý, cho biết: “Đề thi địa lý năm nay gồm 40 câu, trong đó khoảng 85% là kiến thức lớp 12. Kiến thức lớp 11 có câu hỏi về Nhật Bản, Trung Quốc. Đề năm nay dễ, tuy có câu dài nhưng mình thấy đọc kỹ là làm được.
Đề thi năm nay có câu hỏi về khoáng sản, tiềm năng kinh tế trên biển Đông, địa hình miền tây Trung Quốc… Mình làm được khoảng 80% và rất hài lòng về bài thi này”.
Tại hội đồng thi Trường THCS Lý Phong Q.5, TP.HCM, thí sinh Thanh Nam cho biết: “Đề địa năm nay ra nhiều câu hỏi mở, toàn hỏi ở ngoài không nên tương đối khó. Có một câu hỏi về kinh tế biển Đông và một câu hỏi về địa hải của Trung Quốc. Mình thấy mơ hồ và không đoán được số câu đã làm đúng”.
Thí sinh Ngô Thi Thanh, điểm thi đại học Công nhiệp Hà Nội chia sẻ: “Đề địa năm nay vừa sức với thí sinh và có tính phân hoá cao, có cả kiến thức 11 và 12 nhưng chủ yếu là lớp 12. Nếu ôn kỹ và nắm chắc kiến thức thì để đạt điểm 8 khá dễ. Trong đề có nhiều câu hỏi đòi hỏi thí sinh vận dụng tư duy. Em tự tin làm được 8 điểm”.
Tại điểm thi Trường THCS Minh Đức, Q.1, TP.HCM các thí sinh ra về sau môn địa với vẻ mặt rạng rỡ. Nhiều thí sính đánh giá đề địa “ngon ăn lắm”, đề tương đối dễ, sử dụng atlat có thể làm được khá nhiều câu, các nội dung được đề cập đến đều nằm trong kiến thức đã học ở trên lớp.
Thí sinh Lý Minh Nguyệt đến từ Trung tâm GDTX Q.9 TP.HCM cho biết đề địa khá dễ, em làm được khoảng 80% và không có câu hỏi nào đánh đố thí sinh cả.
“Em thấy đề có tính phân loại không cao, các câu cũng đều như nhau không có câu nào nổi bật hay khó đến mức thí sinh phải tư duy vận dụng kiến thức nâng cao tự trao dồi thêm. Với đề này, chỉ cần bạn nào ôn tập nghiêm túc đều làm ngon lành, thí sinh thi xét tốt nghiệp với đại học chắc làm không chênh điểm nhau bao nhiêu”, thí sinh này nói.
Thí sinh Lê My, Trung tâm GDTX Tân Bình cho biết đề địa năm nay rất vừa sức, nằm trọn trong sách giáo khoa, trong những phần thầy cô đã dặn học bài và ôn thi. “Không có câu nào thực sự khó cả, nếu suy nghĩ cẩn thận thì sẽ làm được hết”, My chia sẻ.
Các thí sinh ở TP Quy Nhơn, Bình Định cũng cho biết đề vừa tầm với học sinh.
Giáo viên: đề thi hay, phân hóa rõ nét
Theo cô Vũ Thị Bắc, giáo viên môn địa Trường PT Năng khiếu – ĐH Quốc gia TP.HCM, đề thi môn địa năm nay khá hay, khó hơn năm trước nhưng cũng phân loại thí sinh tốt hơn năm trước.
Nội dung đề thi trải dài suốt chương trình, bao gồm địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế, địa lý vùng, các kỹ năng địa lý như đọc bảng số liệu, atlat…Cấu trúc đề thi cũng bám sát đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố, có cả chương trình lớp 11 và lớp 12.
Với đề thi này, thí sinh trung bình dễ dàng đạt được 5 điểm. Thí sinh khá, giỏi dễ dàng đạt 7,8 điểm.
Nhưng để đạt điểm 9 và 10 thì hơi khó. Bởi những câu nâng cao là những câu yêu cầu thí sinh phải biết vận dụng kiến thức vào thực tế, có tư duy nhanh nhạy chứ không chỉ học bài là làm được.
Thầy Phan Ánh Quan (giáo viên địa Trường THPT Trần Quốc Tuấn, TP. Quảng Ngãi) đánh giá đề địa không khó. “So với đề minh hoạ về cấu trúc, nội dung vẫn cơ bản như nhau. Chương trình lớp 11 và 12 đều có, trong số đó có khoảng 10 câu cần kỹ năng đảm bảo trong Alat địa lý. Nhìn chung đề không khó nhưng hay hơn năm ngoái, và vẫn có độ phân loại học sinh. Đề còn hay ở chỗ hỏi về kinh tế biển, về khai thác đánh bắt thuỷ sản, du lịch biển đảo thì cũng đã gợi cho các em tinh thần trách nhiệm với biển đảo đất nước.”
Cô Võ Thị Lệ Thanh (tổ trưởng tổ địa Trường THPT Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho rằng: “Năm nay đề môn địa vừa tầm, không đánh đố hay gây nhiễu cho học sinh. Đề đảm bảo đúng nội dung cấu trúc và rất hay ở chỗ là không tập trung kiến thức mà rải đều chương trình lớp 11 và lớp 12. Đề có tính thời sự cập nhật, có những câu hỏi về biển đảo hay. Quan trọng nữa đề phù hợp với mọi đối tượng học sinh, nhưng vẫn phân hoá cao, nếu các em nắm chắc kiến thức và tinh nhạy biết chốt các từ khoá trong lời dẫn thì sẽ tìm được đáp án đúng. Tuy nhiên tôi cho rằng phổ điểm khoảng 6-7 điểm, vì môn địa cho sử dụng Alat và có biểu đồ cho sẵn nên thường học sinh rất chủ quan.”
Theo Tuoitre