Địa lý là môn thi thứ 4 được nhiều thí sinh lựa chọn trong kỳ thi năm 2016. Tuy nhiên để làm tốt môn thi Địa lý, trong quá trình ôn thi, thí sinh cần lưu ý những vấn đề sau:
-
Cần nắm chắc cấu trúc đề thi
Việc đầu tiên cần làm trước khi ôn thi là nắm vững cấu trúc đề thi gồm: Đề thi gồm mấy câu, dạng bài chủ yếu trong từng câu là gì, những nội dung gì thường xuyên được đề cập đến… Thông qua đó có thể tóm gọn các vấn đề, khái quát nội dung để tránh tình trạng ôn thi tràn lan không có trọng tâm.
Theo thông tin của Bộ GD&ĐT, cấu trúc đề thi năm nay không có nhiều thay đổi so với đề thi năm ngoái. Tuy nhiên sẽ đẩy mạnh hơn câu hỏi mang tính vận dụng nhằm kiểm tra kiến thức xã hội của thí sinh. Vì vậy trong quá trình ôn thi thí sinh không chỉ cần nắm vững kiến thức mà còn phải có sự hiểu biết nhất định đến những vấn đề “nóng” đang được dư luận quan tâm.
2. Có phương pháp học lý thuyết
Đừng chỉ dừng lại ở việc học thuộc các định nghĩa, nội dung của từng bài mà thí sinh cần có phương pháp học tập thật nhanh chóng và hiệu quả đặc biệt trong giai đoạn nước rút. Khi học một bài, hoặc theo câu hỏi, thí sinh nên gạch theo từ “chìa khóa”, từ đó có thể vận dụng Atlat hoặc những hiểu biết của mình để triển khai các ý theo từ “chìa khóa” đó. Không nhất thiết phải đảm bảo đúng hoàn toàn theo nội dung trong sách giáo khoa.
Ví dụ, khi học về phần đặc điểm dân cư nước ta, thí sinh nhớ những từ sau: Đông, tăng nhanh, trẻ, nhiều dân tộc. Sau đó, vận dụng Atlat để chứng minh:
Đông: Thí sinh khai thác biểu đồ trong Atlat dân số nêu ra số liệu để chứng minh dân số đông, hoặc số liệu cập nhật dân số hiện nay…
Tăng nhanh: Thí sinh có thể quan sát vào biểu đồ sự phát triển dân số nước ta để tính mỗi năm trung bình dân số tăng bao nhiêu.
Trẻ: Sử dụng tháp dân số để chứng minh.
Nhiều dân tộc: Sử dụng bản đồ các dân tộc…
3. Kỹ năng biểu đồ
Trước hết cần có kỹ năng phân biệt các dạng biểu đồ thường xuyên gặp phải trong đề thi:
- Biểu đồ tròn: Thường được dùng khi đề yêu cầu vẽ biểu đồ mô tả cơ cấu, tỉ lệ các thành phần trong một tổng thể.
- Biểu đồ miền: Nên lựa chọn biểu đồ miền khi cần thể hiện cơ cấu tỉ lệ, ví dụ tỷ lệ xuất và nhập, cán cân xuất nhập khẩu, tỷ lệ sinh tử…
- Biểu đồ hình cột: Được sử dụng để biểu hiện động thái phát triển, so sánh tương quan về độ lớn giữa các đại lượng hoặc thể hiện cơ cấu thành phần của một tổng thể.
- Dạng biểu đồ đường (đồ thị): Là loại biểu đồ được sử dụng để thể hiện tiến trình, động thái phát triển của một đối tượng qua thời gian.
- Biểu đồ kết hợp: Thường gồm biểu đồ kết hợp giữa đường và cột, khi đề bài yêu cầu thể hiện các đối tượng khác nhau về đơn vị nhưng có mối quan hệ với nhau. Hoặc đề bài có từ ba loại số liệu trở lên mà cần biểu diễn trên cùng một biểu đồ.
Bên cạnh đó, trong quá trình vẽ cần đảm bảo tính thẩm mỹ và tính chính xác, tránh để mất điểm ở những lỗi cơ bản.
4. Sử dụng Atlat
Đây là một trong những câu hỏi dễ ăn điểm nhất của bài thi. Vì vậy trong quá trình ôn tập thí sinh cần chú ý ôn luyện thật tốt, học thuộc các ký hiệu trong Atlat cũng như nắm được nội dung của từng trang.
Atlat Địa lý được sắp xếp thành 4 phần chính:
- Từ trang 6 đến trang 14 là những kiến thức giúp học tốt chương tự nhiên (Bài 6 đến bài 15 trong chương trình Địa lý 12 cơ bản).
- Trang 15, 16 giúp học tốt chương Địa lý dân cư (Bài 16, 17,18).
- Trang 17 – 25: Nói về các ngành kinh tế.
- Các trang còn lại là kiến thức của các vùng kinh tế và vùng kinh tế trọng điểm.
Bên cạnh đó, thí sinh chú ý nắm chắc các kĩ năng nhận xét và giải thích biểu đồ, bởi đó là một kênh thông tin cực kì quan trọng trong việc đưa ra các số liệu chứng minh cho luận điểm của mình.
Theo Hoc.vtc.vn