Ngành Khí tượng thủy văn được xem là ngành “bắt bệnh ông Trời”. Tuy không phải là ngành “hot” được nhiều bạn trẻ quan tâm nhưng đây là ngành có cơ hội việc làm rất lớn.
Một nữ thí sinh đặt câu hỏi tại Ngày hội tư vấn xét tuyển 2019: “Em được 19,5 điểm khối A00, là con gái nhưng muốn đăng ký nguyện vọng vào khối ngành Khí tượng học? Cho em hỏi học khí tượng học sau này ra trường có giống như anh Thành trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” không? Cơ hội nghề nghiệp cũng như làm việc sau khi ra trường của ngành này thế nào?”.
TS. Nguyễn Thanh Bình (Trưởng phòng chính trị và công tác sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) cho rằng đây là câu hỏi thú vị của một bạn trẻ tâm huyết với ngành “bắt bệnh ông Trời”.
Ông Bình trả lời như sau: “Bạn được 19,5 điểm thì hoàn toàn có thể mạnh dạn đăng ký vào ngành Khí tượng học. Bởi vì ở khu vực miền Bắc hiện tại có 2 trường đại học đào tạo ngành này là trường Đại học Khoa học Tự nhiên và trường Đại học Tài nguyên môi trường. Đối với ngành Khí tượng, các bạn theo đuổi sẽ không phải lo lắng vấn đề việc làm.
Nếu là con gái không muốn làm kỹ sư đo đạc ở các trạm khí tượng như anh Thành (trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa) thì các bạn có thể làm nữ dự báo viên. Ở ngay Hà Nội cũng có các trạm dự báo tại Hà Nội ngay khu vực đường Láng hoặc các bạn có thể xin đăng ký vào làm việc ở trung tâm cảnh báo thiên tai của Đài Truyền hình Việt Nam. Hiện nay, có nhiều bạn cử nhân tốt ngành Khí tượng ra làm ở đây.
Đây là ngành liên quan đến tất cả lĩnh vực mà bạn có thể triển khai ví dụ dự báo thời tiết, quan sát cảnh báo cho các chuyến bay trong hàng không. Rất nhiều cán bộ của ngành khí tượng thủy văn là nữ. Bạn hoàn toàn yên tâm theo đuổi nếu thực sự mong muốn”.
Điểm sàn cách điểm chuẩn bao nhiêu?
Đây là câu hỏi của một thí sinh được ban tư vấn đánh giá là câu hỏi khó. TS Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết hiện nay chỉ có hai nhóm ngành đào tạo giáo viên và khối ngành sức khỏe là bộ quy định điểm sàn chung, còn các ngành khác do trường tự xác định điểm sàn xét tuyển cho các ngành học.
“Ở thời điểm này, câu hỏi điểm sàn cách điểm chuẩn bao nhiêu không ai có thể trả lời được vì còn 10 ngày thí sinh được thay đổi nguyện vọng. Sau khi thời hạn thay đổi nguyện vọng kết thúc thì tương quan điểm thi và số lượng thí sinh đăng ký vào từng ngành của mỗi trường sẽ quyết định việc trúng tuyển ở ngành đó, trường đó”, bà Phụng giải đáp.
“Sớm nhất là ngày 8/8 mới biết điểm chuẩn cách điểm sàn bao nhiêu”, bà Phụng chia sẻ.
“Em không muốn thay đổi nguyện vọng so với nguyện vọng ban đầu thì có phải điều chỉnh lại trên trực tuyến hoặc phiếu xét tuyển hay không?”, một thí sinh khác thắc mắc.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng trả lời: “Việc thay đổi nguyện vọng trong những ngày tới chỉ dành cho các em có nguyện vọng điều chỉnh nguyện vọng. Nói thay đổi ở đây là đồng bộ cả các em có cần chọn lại trường, ngành, tổ hợp xét tuyển, thứ tự ưu tiên hay không… Nếu tất cả nội dung đó đều không phải chọn lại thì các em không cần tham gia mà chỉ cần đợt đến lúc có kết quả xét tuyển mà thôi”.
Muốn học ngành Kinh tế, đạt gần 20 điểm thì nên đăng ký vào trường nào?
Em Ngô Thanh Hoa (Bắc Ninh) hỏi rằng: “Em thi được 19,85 điểm và có ý định học khối ngành Kinh tế, thầy cô có thể tư vấn cho em trường Đại học nào phù hợp với mình không?”.
“Khối ngành Kinh tế đa dạng trong các chương trình đào tạo (chuẩn, chất lượng cao, liên kết quốc tế).. với dải điểm chuẩn khác nhau. Mức của em có thể không đạt cơ hội cao ở chương trình đào tạo chuẩn thì có thể tham khảo cơ hội ở chương trình liên kết hợp tác quốc tế”, PGS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội trả lời băn khoăn của thí sinh trên.
Một phụ huynh đến từ Tuyên Quang đặt câu hỏi: “Con tôi năm nay đạt 21,4 điểm khối A01 (cộng cả điểm ưu tiên là 22) thì có thể đỗ vào trường ĐH Bách Khoa Hà Nội hay không, cháu đăng ký khoa Công nghệ kỹ thuật ô tô?
PGS.TS Trần Trung Kiên – Trưởng phòng Tuyển sinh trường Đại học Bách khoa Hà Nội giải đáp: “Với tổng điểm của em (22 điểm) cũng có nhiều cơ hội liên quan đến ngành đào tạo khối kinh tế quản lý, ngành vật lý kỹ thuật và các ngành mới (công nghệ giáo dục, phân tích kinh doanh) hoặc các ngành về khoa học và công nghệ vật liệu… Tuy nhiên các em cần xác định mình thực sự muốn học ngành gì, cơ hội sau khi ra trường sẽ công tác, làm việc ở đâu từ đó đưa ra lựa chọn.
Riêng ngành Kỹ thuật ô tô với 22 điểm thì rất khó. Trong dự báo điểm chuẩn thì ngành này có mức điểm chuẩn dự báo từ 24-25 điểm. Nhưng nếu em vẫn mong muốn thì cứ đặt nguyện vọng 1 vào ngành này. Đồng thời, lựa chọn thêm các ngành liên quan như kỹ thuật cơ khí động lực, mức điểm trúng tuyển thấp hơn. Về sau với ngành đó khi ra trường em vẫn có thể làm việc tại các nhà máy, lĩnh vực liên quan đến ô tô được.
Thí sinh cũng có thể có lựa chọn khác thêm ở Đại học Công nghiệp, Đại học Mỏ địa chất, Đại học Giao thông vận tải với mức điểm của em…”.