fbpx
Home Tin tuyển sinh Đăng ký đến 20 nguyện vọng có chắc đậu đại học?

Đăng ký đến 20 nguyện vọng có chắc đậu đại học?

0
Đăng ký đến 20 nguyện vọng có chắc đậu đại học?

Đây là vấn đề được nhiều học sinh quan tâm trước khi đăng ký nguyện vọng dự thi THPT quốc gia 2019 vào ngày 1/4 sắp tới.

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, có thí sinh đăng ký đến 36 nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng. Năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục giữ phương án không hạn chế số lượng đăng ký nguyện vọng của thí sinh. Vì thế, nhiều em tư duy theo hướng đăng ký “thả phanh” nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển đại học.

Trên một số diễn đàn về học tập, dân mạng hỏi, trao đổi nhiều về vấn đề này, khi thời điểm đăng ký ngày 1/4 đang đến gần. Một số bạn cho rằng chỉ cần đăng ký từ 5 đến 10 nguyện vọng là đủ, quan trọng là biết chọn trường vừa sức. Trong khi đó, không ít thí sinh nêu quan điểm đăng ký 20, thậm chí 30 nguyện vọng cho “chắc ăn”.

Nên nắm rõ nguyên tắc trước khi đăng ký nguyện vọng

Tư vấn trong chương trình “Đưa trường học đến thí sinh 2019” diễn ra ngày 23/3, TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác Sinh viên, Đại học Quốc gia TP.HCM, khuyên rằng thí sinh cần biết biết rõ sức học của mình. Đề thi THPT quốc gia 2019 được dự đoán có lượng kiến thức rộng hơn, trải từ lớp 10 đến lớp 12.

“Đề thi sẽ có tính phân hóa và khó hơn đề thi học kỳ tại trường. Vì thế, học sinh không nên nhìn vào điểm trung bình học kỳ mà chủ quan trong việc lượng sức mình để chọn con đường phù hợp”, TS Mai nói.

Nữ tiến sĩ cho rằng nếu nắm được nguyên tắc tuyển sinh và khả năng của bản thân, bạn trẻ chỉ cần 5 đến 6 nguyện vọng là có cơ hội trúng tuyển. Nếu không, đăng ký đến 20 nguyện vọng cũng khó vào được đại học.

Một điểm lưu ý đối với kỳ thi năm nay là Bộ GD&ĐT không quy định điểm sàn đối với các ngành, trường đại học cao đẳng, trừ sư phạm và khối ngành sức khỏe. Thí sinh được thay đổi nguyện vọng một lần sau khi có kết quả thi THPT quốc gia. Năm 2018, 50% thí sinh thay đổi nguyện vọng. Điều này phần nào cho thấy các em chưa xác định được ngành nghề và chủ quan về điểm thi.

Cần hiểu rõ năng lực bản thân

Hàn Thuyên (trường THPT Nguyễn Thị Diệu, TP.HCM) hỏi: “Sau khi thi đại học, nếu lỡ rớt, em nên làm gì?”.

TS Trần Đình Lý, Trường phòng Đào tạo, ĐH Nông Lâm TP.HCM, khẳng định hiện nay, không có thi đại học như trước đây. Thay vào đó, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức từng năm.

Học sinh có thể lựa chọn 5 phương thức khi đã tốt nghiệp THPT là xét tuyển thẳng theo quy định của từng trường; tuyển sinh dựa vào điểm thi THPT quốc gia; hoặc dựa vào điểm học bạ. Ngoài ra, gần đây, nhiều trường tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực, có thể kể đến kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Nghĩa là con đường đến cổng trường đại học rất rộng mở.

“Vấn đề là em muốn làm gì, học đại học hay qua lối rẽ khác? Em có thể đi theo đường vòng như học cao đẳng, trung cấp, cao đẳng nghề trước rồi liên thông đại học”, TS Trần Đình Lý thông tin.

Liên quan ngành học, bạn Nguyễn Minh Tân (THPT Trưng Vương, TP.HCM) thắc mắc nếu em học Luật, khi tốt nghiệp không muốn làm luật sư thì có thể làm gì?

Thạc sĩ Nguyễn Văn Nhật, đại diện ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết trường có đào tạo ngành Luật kinh tế. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm những công việc liên quan lĩnh vực luật, nếu không muốn trở thành luật sư. 

“Tốt nghiệp ngành Luật kinh tế, sinh viên có thể làm việc tại bộ phận pháp chế của các công ty. Đôi khi, các công ty chỉ biết làm ăn, buôn bán nhưng đã bước vào ‘sân chơi lớn’ thì phải tuân thủ luật lệ, quy định giữa các quốc gia. Chính vì thế, bộ phận này rất quan trọng”, thạc sĩ Nguyễn Văn Nhật nói.

Nhiều học sinh khác quan tâm về việc học hai ngành cùng lúc tại một trường đại học. Theo TS Trần Đình Lý, sinh viên hoàn toàn có thể học hai ngành cùng lúc. Tuy nhiên, mỗi trường sẽ có điều kiện ràng buộc khác nhau.

“Tại ĐH Nông Lâm TP.HCM, khi vào học chương trình thứ nhất, sau học kỳ đầu tiên, nếu điểm trung bình không dưới 2.0, sinh viên có thể đăng ký học ngành thứ hai. Tuy nhiên, trong quá trình học, nếu điểm của ngành học thứ nhất bị giảm xuống 2.0, sinh viên phải ngừng chương trình hai. Sau khi đã hoàn thành tín chỉ tích lũy và nhận bằng chương trình một, sinh viên mới được nhận bằng chương trình hai”, TS Trần Đình Lý chia sẻ.

Comments

comments