Có một vấn đề mình từng gặp phải trước khi ra trường đó là đắn đo suy nghĩ việc nên đầu quân cho một công ty như thế nào, tầm cỡ khá nhỏ, vừa và nhỏ, hay lớn thật lớn.
Quy mô nhỏ: là những công ty có dưới 50 nhân viên, chủ yếu là start-up hoặc công ty gia đình. Giám đốc sẽ kiêm luôn bên marketing, gặp gỡ và tìm kiếm khách hàng, có thể kiêm luôn bếp trưởng nấu ăn cho team để tiết kiệm,…
Quy mô vừa: công ty có quy mô này sẽ có khoảng từ 50 – 200 nhân viên. Sẽ có từng phòng ban riêng rẽ làm nhiệm vụ của từng bên và chỉ tập trung chính vào nhiệm vụ đó, có thể có CEO là người nước ngoài.
Quy mô lớn: công ty thuộc dạng này thì phần nhiều là công ty đa quốc gia, CEO là người nước ngoài, có thuê cả COO để giúp đỡ CEO. Quy mô lớn nên số lượng nhân viên rất đông (>200) và phân bố nhiều nước khác nhau.
Nếu làm việc ở công ty nhỏ
Công ty nhỏ là công ty có quy mô vài người đến vài chục người, các bộ phận phân tách không rõ ràng. Làm việc ở đây mình sẽ được cái nhìn tổng quan hơn về quy trình hoạt động để ra được sản phẩm đến tay khách hàng. Từ khâu lấy hợp đồng, bàn bạc ý tưởng và triển khai, testing và giao hàng. À quên, còn có kế toán phát lương này nọ nữa chứ (cái này quan trọng).
Mình sẽ được học hỏi về quy trình mà một công ty hoạt động (vì chưa đi làm lần nào), cũng vì gần như ngồi gần nhau trong một không gian khá nhỏ hẹp nên rất dễ trò chuyện với mọi người và có thể học hỏi nhiều. Những việc mình làm sẽ nhanh chóng được biết đến bởi tất cả mọi người, do đó mọi ý tưởng, thành quả công việc sẽ ngay lập tức được thực hiện và tuyên dương. Nghe thôi là đã thấy sung sướng hết cả người.
Ngoài ra, khi làm việc ở một công ty nhỏ mình sẽ có cơ hội làm tất cả các công việc mà mình có khả năng làm, được làm nhiều việc hơn so với mức lương sẽ nhận. Vì mình là coder nên được code thoải thích, có khả năng design nên sẽ được design, có thể nấu ăn thì nấu ăn, rửa bát, chà rửa toilet cũng được nốt…
Công ty dạng này chế tài xử lý lỗi sẽ nhẹ nhàng hơn nên khi đi trễ, chậm task không có áp lực nhiều, đây cũng là điều nhiều người mong muốn và thỏa mãn thay vì tiền lương hậu hĩnh nhưng đầu óc lúc nào cũng căng lên đối mặt với thời hạn hoàn thành dự án.
Và điều cuối cùng mình thích nhất ở đây là mối quan hệ khăng khít giữa các thành viên với nhau, mọi người coi nhau như anh em trong gia đình. Mặc dù sau này đã thôi không còn làm việc chung nữa nhưng vẫn giữ liên lạc và nói chuyện thân thiết như ngày trước.
Tuy nhiên, cái giá của nó đổi lại là gì?
- Ở công ty nhỏ thì tất nhiên sẽ có ngân sách eo hẹp, ảnh hưởng tới công việc hàng ngày của mình (chậm lương, chậm thưởng). Có tháng mình phải ăn cả mì gói trừ bữa vì tiền lương về trễ.
- Mạng lưới quan hệ nhỏ khiến cho khả năng gặp gỡ người có tài năng để mình học hỏi không nhiều, vì công ty nhỏ nên người có tài ít khi ở lại lâu…
Nếu làm việc ở công ty lớn
Tới với công ty lớn mình sẽ học được rất rất nhiều thứ, có thể nhìn thấy điều tốt và cả điều xấu khi làm việc. Có rất nhiều người thông minh làm việc ở đây vì họ được hưởng những gì xứng đáng với những gì họ làm, họ đã có gia đình và không mạo hiểm để ra đi. Được tiếp xúc với nhiều người ở mọi lứa tuổi, khi đi ăn chung và nói chuyện với nhau thì có nhiều chuyện hay để kể và học hỏi.
Cơ hội cho mình thăng tiến và học hỏi
Mới ra trường thì tất nhiên không ai có thể vỗ ngực xưng tên ta đây code đỉnh. Mình sẽ là thằng gà mờ code dỏm đang học cách improve code, là thành viên của một cộng đồng lớn nơi tìm thấy nhiều người có thể giúp đỡ bạn. Đó là nơi chứng minh thực tế mình có thể làm được việc gì, nếu dự án thành công thì có thể sẽ được giữ lại và tiếp tục công việc với dự án mới trong vai trò lớn hơn, đồng nghĩa với lương cao hơn (thật ra cái này do mình suy diễn). Đó cũng là nơi sau này nghỉ việc có thể chứng minh cho công ty kế tiếp thấy được một cột mốc tốt trong phần lịch sử làm việc của CV.
Các công ty lớn thường có đội ngũ điều hành giỏi nên đó là nơi học hỏi về cách điều hành tốt nhất, quy trình tuyển người, quy trình quản lý con người và làm việc đã được chứng minh bởi sự to lớn của công ty nên khá yên tâm mà học hỏi và áp dụng nếu sau này có cơ hội.
Các dự án on-site training nước ngoài sẽ có tạo cho mình cơ hội đi nước ngoài mở rộng tầm mắt (vì hồi đó giờ toàn đi ngoài ra nước nên cũng mơ ước). Ngoài ra còn có nhiều cơ hội học tập và lấy các chứng chỉ cần thiết với sự tài trợ 100% của công ty.
Mức lương khởi điểm cao, công nghệ tốt hơn
Bởi vì ngân sách nhiều nên mức lương khởi điểm của mình có lẽ sẽ cao hơn công ty nhỏ (lại ảo tưởng), cơ hội tăng thu nhập cũng sẽ cao hơn khi đến lần deal lương kế tiếp.
Các công ty lớn còn cung cấp hệ thống phần cứng và phần mềm khá bài bản và mới. Do đó có lẽ mình sẽ cảm thấy thật tuyệt vời khi làm việc, không thể nào có chuyện về sớm (hồi xưa nghĩ vậy, bây giờ thì). Hệ thống quản lý cũng thông minh nên việc liên lạc với nhau, quản lý dự án rất dễ dàng và chuyên nghiệp hơn.
Nhiều cơ hội được đào tạo
Công ty lớn cung cấp cho nhân viên của họ nhiều cơ hội nâng cao kiến thức và kỹ năng bằng cách cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn, cơ hội để lấy bằng cấp. Do quy mô lớn và đã thành công, các doanh nghiệp lớn có thời gian và tiền bạc để mua các chương trình đào tạo cho nhân viên. Tất nhiên không phải công ty muốn tốt cho mình đâu, thực ra họ muốn mình lấy bằng cấp để chứng tỏ cho khách hàng thấy được công ty có đội ngũ nhân lực có khả năng, từ đó có thể khiến cho khách hàng tin tưởng và ký kết hợp đồng. Nhưng dù sao cũng nên dựa vào đó khiến bản thân có giá trị hơn, nâng cấp giá trị cũng đồng nghĩa với nâng cấp khả năng hàng hóa của mình, sẽ bán được giá cao hơn.
Phúc lợi cao
Họ có nhiều phúc lợi tốt, phòng ăn, phòng thể dục, thưởng tết….. Ồ thế là mình sẽ được khám sức khỏe miễn phí, được đi du lịch hàng năm và đi nhậu với các thành viên của team (team building). Các công ty lớn thường cho nghỉ phép và nghỉ ốm khá nhiều ngày, ngoài ra họ còn có hệ thống phòng thư giãn giữa những lúc mệt mỏi vì công việc.
Vậy thì nó có nhược điểm không, câu trả lời là có.
Mình chỉ được làm một số công việc nhất định trong khả năng, được gán cho một loại công nghệ, ứng dụng hay trách nhiệm nào đó, hậu quả là nó khiến cho mình khó khăn để kiếm được nhiều kinh nghiệm và kĩ năng. Những ý tưởng mới được chấp nhận rất chậm, vì khá khó khăn để đưa nhanh chóng ý tưởng vào thực hiện khi nó phải đi qua khá nhiều phòng ban để duyệt.
Sự gắn kết giữa các thành viên trong một công ty lớn rất là khó, bởi vì mình không thể nào biết hết các thành viên của công ty. Đó cũng là điều khiến không ít công ty lớn phải lo lắng, họ sẽ mất đi tính cộng đồng vốn có khi nó còn ở quy mô nhỏ.
Tóm lại, việc chọn làm việc cho công ty nào lúc mới ra trường thì không quan trọng. Quan trọng là bạn hiểu được mình cần gì và hướng tới cái gì. Còn nếu không biết mình cần gì và hướng tới gì thì có thể tạm chấp nhận làm ở công ty nhỏ rồi từ từ chuyển lên cũng được.