Từ năm nay, các trường đại học (ÐH) chính thức tự chủ hoàn toàn tuyển sinh. Cùng với đó, do dịch bệnh, nhiều trường phải thay đổi kế hoạch tuyển sinh.
Nhanh chóng thay đổi phương án tuyển sinh
Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý với phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, nhiều trường ĐH lập tức thay đổi kế hoạch tuyển sinh. ĐH Quốc gia Hà Nội quyết định xét tuyển dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực và hồ sơ thí sinh. Trường này sẽ kiểm tra các năng lực cơ bản của thí sinh, gồm 2 bài thi bắt buộc Toán (90 phút) và Bài viết luận (60 phút); và bài tự chọn: Ngoại ngữ (60 phút), Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội (60 phút). Dự kiến tổ chức thi vào cuối tháng 7, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoại trừ bài luận thi viết, các bài thi theo hình thức trắc nghiệm trên giấy theo thang điểm 100. ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ tổ chức thi ở Hà Nội và phối hợp các trường ĐH ra đề thi, chấm thi và xét tuyển ĐH chính quy.
Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, năm nay, trường sẽ tuyển sinh theo các phương thức xét tuyển thẳng và xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ông Triệu cho rằng, các trường hoàn toàn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH mà vẫn đảm bảo chất lượng và sự công bằng.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM chốt 3 phương thức xét tuyển thẳng, xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, trường dành 30% chỉ tiêu để xét điểm thi tốt nghiệp THPT với tổ hợp ba môn thi từ 20 điểm trở lên.
10% trường tốp trên tổ chức thi
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS.TS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói rằng, các trường ĐH đã có một thời gian dài để chuẩn bị cho kế hoạch tự chủ tuyển sinh. Năm nay kỳ thi có sự thay đổi, đáng lẽ việc tự chủ phải đến 2021; do tình hình dịch bệnh nên các trường phải thực hiện sớm hơn. Theo ông Ga, với thực tế năm nay, nếu tổ chức thi như những năm trước sẽ khó khăn, bị động. Vì vậy, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 để xét tốt nghiệp là phù hợp với yêu cầu thực tế. Vấn đề còn lại là các trường ĐH sử dụng kết quả này như thế nào để tuyển sinh.
Theo ông, phần lớn các trường ĐH có phương án xét học bạ từ những năm trước; năm nay, nếu xét kết quả học tập của thí sinh ở 5 học kỳ cộng với kết quả thi tốt nghiệp của thí sinh thì sẽ bao quát, đảm bảo sự công bằng. Đối với những ngành có tính cạnh tranh cao như y, dược, công nghệ thông tin…, các trường có thể sơ tuyển bằng kết quả học ở bậc phổ thông. Nếu đầu vào xấp xỉ chỉ tiêu tuyển sinh của trường thì có thể tuyển sinh luôn; nếu lượng thí sinh quá lớn thì cần có bài kiểm tra để phân loại.
Trước câu hỏi liệu các trường ĐH có phải hạ chuẩn để phù hợp với thực tế năm nay, GS Ga cho rằng, năng lực học sinh được tích lũy qua 12 năm học, chứ không phải chỉ một học kỳ lớp 12. Tuy nhiên, do chương trình học kỳ II lớp 12 được giảm tải nên với lứa thí sinh này khi vào ĐH, các trường cần lưu ý bổ sung kiến thức phổ thông ban đầu. “Thực tế, tôi cho rằng, không có gì đáng lo ngại về chất lượng đầu vào của thí sinh. Điều tôi quan tâm nhất là đảm bảo tính công bằng đối với những ngành, những trường có tính cạnh tranh cao. Đây là lý do cần phải tổ chức đợt thi riêng với những trường này, ngành này”, ông nói.
GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết, tuyển sinh ĐH là để phân loại thí sinh có đủ năng lực theo học ở bậc học này hay không, nên kỳ thi tuyển sinh ĐH có ý nghĩa hết sức quan trọng với các trường ĐH. Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chất lượng đầu vào là một tham số quan trọng đầu tiên. GS Đức cho rằng, nếu chúng ta tuyển sinh ĐH quá dễ sẽ ảnh hưởng chất lượng đào tạo ở bậc học này. Do đó, muốn tuyển sinh ĐH có chất lượng, phải có kỳ thi hay bài thi để đánh giá chuẩn kiến thức và năng lực trên toàn quốc. Sau đó, các trường trên cơ sở tự chủ của mình có thể có thêm các yêu cầu khác với thí sinh, tùy từng ngành.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện có khoảng 10% số trường tốp trên tự tổ chức thi, trừ các trường quân đội, công an và trường y; còn lại vẫn lấy theo kết quả kỳ thi này để xét tuyển và khoảng 25% số trường sẽ xét học bạ. Trước băn khoăn liệu như vậy có dẫn đến tình trạng giống như nhiều năm trước đây “loạn” các kỳ thi tuyển sinh, Phó Thủ tướng khẳng định sẽ không có chuyện đó. Không phải tất cả các trường đều tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng; chỉ một số trường tốp đầu tổ chức thi. Các trường tốp giữa có thể liên kết với các trường tốp trên để lấy kết quả tuyển sinh. Điều này hoàn toàn đúng theo xu thế đổi mới tự chủ ĐH.
Theo Tienphong