Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội mở 14 ngành mới, nâng tổng số ngành đào tạo lên 133 và tuyển 10.320 sinh viên, cao hơn năm 2019 gần 1.000.
So với dự thảo đề án tuyển sinh được trường công bố cuối tháng 12 năm ngoái, số lượng ngành mới giảm từ 17 xuống 14, chỉ tiêu tăng từ 10.000 lên 10.320.
Trường tuyển sinh 133 ngành theo hai phương thức. Một là xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hai là dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và các chứng chỉ quốc tế SAT, A-Level, IELTS.
Về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, trường sẽ công bố mức điểm nhận hồ sơ của thí sinh thi tốt nghiệp THPT sau khi có kết quả. Những em sử dụng chứng chỉ A-Level phải đạt mỗi môn từ 60/100 điểm trở lên, SAT tối thiểu 1.100/1.600 hoặc 1.450/2.400 hoặc IELTS không dưới 5.5.
Các chương trình đào tạo tài năng, chuẩn quốc tế, chất lượng cao chỉ xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc các nguồn tuyển sinh khác theo yêu cầu của từng chuyên ngành đào tạo.
Từ đầu năm 2020, Đại học Quốc gia Hà Nội nhiều lần thay đổi phương án tuyển sinh. Sau khi Thủ tướng chấp thuận tổ chức thi tốt nghiệp thay cho thi THPT quốc gia, ngày 22/4, trường thông báo tuyển sinh theo ba phương thức gồm tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên bài thi đánh giá năng lực do trường tổ chức và xét học bạ. Hai tuần sau, Đại học Quốc gia Hà Nội bỏ thi riêng, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia làm phương thức xét tuyển chính như năm 2019.
Đại học Quốc gia Hà Nội hiện có 7 trường đại học là Khoa học Xã hội và nhân văn, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Ngoại ngữ, Giáo dục, Kinh tế, Việt – Nhật; và 5 khoa thành viên gồm: Luật, Y Dược, Quốc tế, Quản trị và Kinh doanh, Các khoa học liên ngành. Sắp tới, Đại học Quốc gia Hà Nội có thêm Đại học Y Dược, được thành lập trên cơ sở nâng cấp khoa Y Dược.
Năm ngoái, ngành Đông Phương học của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn có điểm chuẩn 28,5, cao nhất toàn Đại học Quốc gia Hà Nội
Theo VNE