Năm 2020, ĐHQGHN tuyển sinh 10.420 chỉ tiêu, với 133 ngành/CTĐT thuộc các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội và nhân văn, Công nghệ – Kỹ thuật, Kinh tế – Luật, Y – Dược, Khoa học giáo dục…
Các phương thức xét tuyển của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2020 như sau:
– Về xét tuyển thẳng theo Quy định của Bộ GD&ĐT và của ĐHQGHN, cụ thể, năm 2020, ĐHQGHN mở rộng đối tượng được xét tuyển thẳng:
Học sinh các trường THPT trên toàn quốc được xét tuyển thẳng vào bậc đại học tại ĐHQGHN nếu là thành viên tham gia cuộc thi tháng của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức; hoặc thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có môn đạt giải thuộc tổ hợp xét tuyển hoặc môn đạt giải phù hợp với ngành đào tạo và điểm trung bình chung học tập 5 học kỳ đạt từ 8,0 trở lên; Học sinh các trường THPT chuyên trên toàn quốc đạt thành tích học tập tốt (chi tiết theo Hướng dẫn tuyển sinh của ĐHQGHN))
– Xét tuyển thí sinh có kết quả kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020;
– Xét tuyển theo phương thức khác (các thí sinh có chứng chỉ quốc tế), cụ thể:
Thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK) với tổ hợp kết quả 3 môn thi theo các khối thi quy định của ngành đào tạo tương ứng. Mức điểm mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range ≥ 60);
Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm 1100/1600 hoặc 1450/2400 trở lên;
Xét tuyển thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa ACT (American College Testing) đạt điểm từ 22/36 trong đó các điểm thành phần môn Toán (Mathematics) ≥ 35/60 và môn Khoa học (Science) ≥ 22/40.
Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đươngvà có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn).
(Các chứng chỉ phải còn hạn sử dụng trong thời gian 02 năm kể từ ngày dự thi)
Triển khai đào tạo theo hướng liên ngành, xuyên ngành
GS.TS Nguyễn Đình Đức, trưởng Ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2020, ĐHQGHN tiếp tục phát triển các ngành/CTĐT theo hướng liên ngành, xuyên ngành nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 trong thời gian tới, với 15 ngành mới mở được tuyển sinh trong năm 2020 gồm:
5 ngành thuộc Trường ĐHKHTN (Khoa học dữ liệu; Kỹ thuật điện tử và tin học; Quản lý phát triển đô thị và bất động sản; Khoa học và công nghệ thực phẩm; Công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường); 3 ngành thuộc Trường ĐH Giáo dục (Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Lịch sử và Địa lý);
02 ngành thuộc Trường ĐHKHXHNV (Hàn Quốc học, Văn hóa học); ngành Nhật Bản học thuộc Trường ĐH Việt Nhật; ngành Điều dưỡng (Khoa Y Dược); ngành Marketing và Truyền thông (Khoa Quản trị và Kinh doanh); 02 ngành mới (ngành Marketing; ngành Quản lý) – chương trình đào tạo đồng cấp bằng (cấp 2 bằng ĐH) của Khoa Quốc tế, ĐHQGHN và của đối tác (Trường ĐH Help – Malaysia (ngành Marketing); Trường ĐH Keuka – Hoa kỳ (ngành Quản lý).
Ngoài ra, có thêm 03 CTĐT chuẩn được chuyển đổi theo hướng mô hình đào tạo chất lượng cao thu học phí theo điều kiện đảm bảo chất lượng, cụ thể:
Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu thuộc Trường ĐH Công nghệ;
Quốc tế học thuộc Trường ĐHKHXH&NV;
Kinh tế phát triển thuộc Trường ĐH Kinh tế, nâng tổng số CTĐT CLC, CTĐT đặc thù theo đề án của ĐHQGHN lên 36 chương trình.
Hầu hết các CTĐT CLC đều sử dụng tổ hợp xét tuyển có môn ngoại ngữ hoặc ngoại ngữ là môn điều kiện để đăng ký vào học các CTĐT CLC (thí sinh phải đạt điểm tiếng Anh tối thiểu từ 4.0 trở lên hoặc tương đương) nhằm đảm bảo năng lực ngoại ngữ cần thiết để thí sinh có thể theo học các CTĐT này và đáp ứng vị trí việc làm trình độ quốc tế sau khi tốt nghiệp.
Năm 2020, ĐHQGHN tiếp tục tổ chức cho thí sinh Xác nhận nhập học trực tuyến, việc này hỗ trợ tối ưu cho thí sinh, giúp hạn chế việc đi lại và tránh được tình trạng thất lạc hồ sơ của thí sinh khi gửi qua bưu điện.
Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác tuyển sinh trong nước, ĐHQGHN tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trao đổi sinh viên quốc tế, thu hút các thí sinh là người nước ngoài theo học các CTĐT CLC, đặc thù.
Theo Dantri