Ngày 22/6, khoảng 866.000 thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017. Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh đại học và các trường cao đẳng sư phạm thuộc Bộ GD&ĐT là 392.000.
Kỳ thi THPT quốc gia bắt đầu từ năm 2015. Đây được coi là mốc quan trọng trong việc đổi mới thi cử ở Việt Nam. Lần đầu tiên sau 12 năm học, học sinh chỉ tham gia một kỳ thi duy nhất với 2 mục đích, vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự thay đổi của Bộ GD&ĐT đạt được một số thành tựu như giảm tốn kém cho xã hội, giảm áp lực về giao thông, chỗ ăn ở của học sinh tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, kỳ thi được cho là vẫn tồn tại một số bất cập.
Liên tiếp trong năm 2016 và năm nay là 2017, Bộ GD&ĐT đưa ra những thay đổi theo lộ trình để kỳ thi hoàn thiện hơn.
Theo Bộ GD&ĐT, đề thi năm nay được ra theo hướng đánh giá năng lực trên cơ sở đã thực hiện, kiểm nghiệm tại Đại học Quốc gia Hà Nội 3 năm qua.
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 có các bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trong đó, chỉ bài thi môn Ngữ văn thực hiện theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm.
Mỗi bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội có 120 câu hỏi với 4 lựa chọn, với duy nhất một phương án đúng. Thời gian làm bài thi trắc nghiệm 150 phút. Bài thi ngoại ngữ gồm 50 câu, thời gian làm bài 60 phút. Riêng môn Toán có 50 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút.
Về môn thi, lần đầu tiên Giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi cấp quốc gia. Tổ hợp môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) và Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) cũng lần đầu xuất hiện.
Theo lý giải của Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, khái niệm “tổ hợp” chỉ là sự thay đổi về kỹ thuật để ghép 3 môn thành một bài thi, nhằm giảm bớt thời gian thi.
Trong số những môn thi trắc nghiệm, đáng chú ý, lần đầu tiên môn Toán thi trắc nghiệm. Thông tin này được công bố đầu năm học 2017 dấy lên luồng tranh cãi trong dư luận và giới chuyên môn.
Ngày 12/9, GS.TSKH Phùng Hồ Hải, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam, cho biết hội này đã họp và thống nhất quan điểm không đồng tình với việc tổ chức thi trắc nghiệm môn Toán.
Trong đó, lý do được hội đưa ra là việc tổ chức thi Toán trắc nghiệm quá gấp gáp, ảnh hưởng tiêu cực tâm lý cửa học sinh. Các nhà toán học cho rằng thi trắc nghiệm sẽ khiến học sinh sa vào học mẹo, học “vẹt”, không đáp ứng được yêu cầu về tư duy, đặt vấn đề và giải quyết vấn đề.
Những năm trước, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức chủ yếu ở các thành phố lớn, mỗi phòng thi có 6 mã đề. Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức ở 63 tỉnh thành phố trong cả nước.
Trước lo ngại về tính an toàn của kỳ thi, Bộ GD&ĐT quy định mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng. Cụ thể, một phòng thi sẽ có 24 mã đề khác nhau nhằm hạn chế tình trạng quay cóp, trao đổi khi làm bài trắc nghiệm.
Tuy nhiên, việc tăng số lượng mã đề thi cũng chỉ mang tính kỹ thuật. Để đảm bảo khách quan, công bằng, nghiêm túc của kỳ thi, vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở khâu coi thi, thanh tra, giám sát kỳ thi. Năm nay, lần đầu tiên các địa phương đứng ra gánh vác trọng trách của kỳ thi. Trước đây, họ chỉ chủ trì việc xét tốt nghiệp.
Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị huy động giảng viên tham gia coi thi THPT quốc gia trên cả nước, đảm bảo đúng tinh thần quy chế mỗi phòng thi có một giảng viên đại học và một giáo viên THPT coi thi.
Trước lo ngại về tính an toàn của kỳ thi, Bộ GD&ĐT quy định mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng. Cụ thể, một phòng thi sẽ có 24 mã đề khác nhau nhằm hạn chế tình trạng quay cóp, trao đổi khi làm bài trắc nghiệm.
Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị huy động giảng viên tham gia coi thi THPT quốc gia trên cả nước, đảm bảo đúng tinh thần quy chế mỗi phòng thi có một giảng viên đại học và một giáo viên THPT coi thi.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định trong kỳ thi này, các khâu đều quan trọng bởi chỉ cần sơ hở nhỏ là sẽ ảnh hưởng lớn đến kỳ thi. Do vậy, bộ đã nhắc nhở các trường đại học phối hợp, các địa phương phải hết sức thận trọng thực hiện đúng theo quy chế. Công tác in sao đề áp lực hơn do số lượng tăng. Các khâu từ đề thi, coi thi, chấm thi đều có bộ phận an ninh giám sát, chặt chẽ.
Những năm trước, nội dung đề thi nằm trong chương trình 3 năm THPT. Năm 2017, đề thi sẽ chủ yếu trong chương trình lớp 12. Theo lý giải của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, thay đổi này nhằm giúp học sinh yên tâm trong việc chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia có nhiều điểm mới như tăng cường đề thi trắc nghiệm, bổ sung một số bài thi tổ hợp.
Đề thi THPT quốc gia 2017 sẽ có kết cấu 60% câu hỏi ở mức độ cơ bản phục vụ cho việc xét tốt nghiệp, 40% câu hỏi ở mức độ phân hóa phục vụ việc xét tuyển vào cao đẳng, đại học.