fbpx
Home Tin tuyển sinh ‘Công xưởng’ in đề thi THPT quốc gia

‘Công xưởng’ in đề thi THPT quốc gia

0
‘Công xưởng’ in đề thi THPT quốc gia

Phòng in sao đề thi THPT quốc gia của Đại học Bách khoa Hà Nội được ví như “công xưởng” bởi chứa hơn 4 tấn giấy in.

Năm 2018, Đại học Bách khoa Hà Nội cần in sao hơn 700.000 đề của 9 môn thuộc 5 bài thi THPT quốc gia cho cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chủ trì. Do vậy, trường cần khoảng 2,1 triệu tờ giấy cứng A4, tương đương 4 -5 tấn giấy.
“Hai xe tải chất đầy giấy được chở đến, năm ngoái có 570.000 đề mà phòng in đã như “công xưởng”. Năm nay, núi giấy sẽ cao hơn nữa”, thầy Hiệu phó Trần Văn Tớp nói.
Ông Tớp giải thích số lượng đề thi THPT quốc gia tăng đột biến từ năm 2017 do quy định mỗi phòng thi có 24 mã đề, thay vì 6 mã đề như trước. Việc thay đổi phương thức thi, trừ Ngữ văn làm tự luận có thể in trong một tờ giấy, các bài thi khác đều là trắc nghiệm, phải dùng 3 tờ in hai mặt mới hết đề, cũng đẩy lượng giấy cần sử dụng lên tăng cao.
 Làm 13 tiếng/ngày để kịp in sao đề thi
 Một cán bộ tham gia tổ in sao đề thi THPT quốc gia năm 2017 cho biết, hơn 10 năm làm công tác này, chưa khi nào chị và đồng nghiệp phải đối mặt với khối lượng đề cần nhân bản lớn như 2017. Nhân sự làm in sao do đó phải tăng cường gấp đôi mọi năm.
 Có 9-10 ngày để hoàn tất việc in sao đề THPT quốc gia, vài chục người ở căn phòng khóa kín phải luôn chân, luôn tay làm việc theo dây chuyền, suốt từ 7h30 đến 22h, thậm chí có hôm tới 24h. Ngoài khoảng hơn hai tiếng ăn trưa, tối, các cán bộ gần như không giải lao.
 “Mọi người đều làm việc hăng say, nghiêm túc lắm bởi ai cũng xác định đang làm nhiệm vụ quan trọng của quốc gia nên tận lực, tận tâm, làm cẩn thận”, một nữ cán bộ chia sẻ.
 Được “giao” nhiệm vụ dập ghim trong những ngày trực tiếp vào phòng cách ly nhưng dù gắng sức làm nhanh đến cứng đờ cánh tay, thầy Tớp vẫn không kịp tiến độ bốc, ghép các tờ đề mà cán bộ nhà trường thực hiện. Trên cánh tay của nhiều người là miếng giảm đau, băng y tế bởi giấy liên tục cứa đứt tay.
 Dùng cân điện tử để phát hiện thừa thiếu tờ đề
 Quá trình in sao đề thi có nhiều công đoạn như nhân bản, ghép đề, dập ghim, cho đề vào túi đựng… Do mỗi thí sinh có một mã đề riêng, có em thi một bài tổ hợp, em thi hai, có những sĩ tử chỉ thi 1-2 môn thành phần trong bài tổ hợp nên việc in sao, ghép đề cực kỳ phức tạp. Đại học Bách khoa Hà Nội do đó chỉ chọn cán bộ có nhiều năm kinh nghiệm in sao đề, làm việc cẩn trọng, tỉ mỉ để đưa vào vòng lõi cách ly.
 “Không có chuyện tán gẫu ở khu vực in sao. Thi thoảng, các thầy cô mới trêu đùa một câu cho không khí bớt căng thẳng”, thầy Tớp nói.
 Nhiều năm làm việc trong tổ in sao đề, ông Tớp vừa ngỡ ngàng vừa thán phục sự chuyên nghiệp, sáng tạo của cán bộ làm công tác này. Một người trong đội ngũ in sao ấy sẽ lên lịch trình cụ thể khi nào, những ai sẽ thực hiện công đoạn gì. Có người chuyên đứng giám sát khi dây chuyền in sao hoạt động, để kịp thời phát hiện các sai sót.
 Vài năm trước, một cán bộ của Đại học Bách khoa Hà Nội có ý tưởng dùng cân điện tử để phát hiện sự thừa – thiếu số lượng tờ giấy trong một túi đề thi. “Chiếc cân này có thể đo được chính xác cân nặng của một tờ giấy nên dù túi đề chỉ thừa hoặc thiếu một tờ, cân cũng phát hiện ra”, ông Tớp nói. Sáng kiến trên đã giải phóng bao công sức cho cán bộ làm công đoạn kiểm đếm số lượng tờ đề trong mỗi túi đựng đề thi. Công việc này chỉ cần thiếu kiên nhẫn, không tập trung một chút, có thể gây nhầm lẫn tai hại cho cả kỳ thi quan trọng của quốc gia.
 Sau khi in sao, các đề thi được đóng gói vào bao bì cứng đã mã hóa bằng màu sắc để dễ phân biệt túi đề của từng môn. Đề thi tiếp đó được đưa vào những thùng tôn lớn, niêm phong kín và chuyển tới điểm thi. Tất cả đều có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của công an thành phố, để đảm bảo an toàn, bảo mật cho tài liệu thuộc Danh mục bí mật nhà nước độ tối mật của ngành Giáo dục và Đào tạo.

Comments

comments