Ngày 24/1, Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Theo các giáo viên có kinh nghiệm, so với năm 2017, đề minh họa năm nay khó hơn, kiến thức trải rộng từ lớp 11 đến hết lớp 12, có sự phân hóa sâu và học sinh khó để lấy điểm 9-10 ở nhiều môn.
Từ nay đến kỳ thi THPT không còn nhiều thời gian, vì vậy việc công bố đề minh họa các môn thi ở thời điểm này được cho là phù hợp để thầy trò lớp 12 năm nay có định hướng ôn tập. Đặc biệt, năm nay, theo định hướng, học sinh sẽ phải thi cả phần kiến thức lớp 11 và lớp 12, trong đó kiến thức lớp 11 không được giới hạn.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay vẫn giữ nguyên phương thức thi trắc nghiệm, với thời gian làm bài tương đối ngắn: Ngữ Văn (120 phút), Toán (90 phút), các môn khác (50 phút).
Đề Toán hay, phân hóa rõ
Đề Toán năm nay có 50 câu trắc nghiệm, bao gồm kiến thức lớp 11 và lớp 12. Thí sinh làm bài trong thời gian 90 phút.
Bà Phạm Thị Ngọc Huệ, Tổ trưởng môn Toán, Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) cho biết, đề được sắp xếp từ dễ đến khó nên khi cầm đề học sinh có thể làm một lượt từ trên xuống dưới. Trong đó, khoảng 30 câu đầu học sinh trung bình, trung bình khá có thể làm gần hết được. Còn những câu từ số 30 trở đi, độ phân hóa rất rõ, đòi hỏi học sinh phải học chắc kiến thức mới làm được. Chưa kể, đề có một số câu hỏi lạ như câu số 42, số 50.
Tuy nhiên, theo bà Huệ, nếu đánh giá đề minh họa, bà thấy đề Toán năm nay khá hay, phân hóa rõ hơn năm ngoái, kiến thức trải rộng. Trong 50 câu hỏi có tới 11 câu thuộc về kiến thức lớp 11, trong đó có 4 câu phân hóa. Vì vậy, học sinh giỏi, học sinh trường chuyên mới có thể làm được điểm 9 hoặc hơn còn học sinh trung bình để đạt được điểm 5-6 cũng phải học vất vả.
Ông Đào Nguyên Sử, giáo viên dạy Toán, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cũng cho rằng, đề khó, có tính phân loại cao với nhiều câu hỏi hay, đa dạng. Như định hướng kiến thức thi THPT quốc gia từ đầu năm học, đề bao phủ kiến thức rất tốt, trong đó kiến thức lớp 11 trong đề chiếm khoảng 25%. Vì đề phân hóa cao nên đòi hỏi học sinh ngoài nắm kiến thức tốt còn phải có tư duy Toán học mới có thể làm tốt. “Nếu có thể, trong đề thi chính thức Bộ GD&ĐT nên giảm độ khó ở các câu phân hóa thì học sinh mới đạt được điểm cao, nếu không đa số học sinh sẽ chỉ làm được ở mức độ trung bình khá”, ông Sử nói.
Cũng theo ông Sử, từ nay đến kỳ thi THPT quốc gia không còn nhiều thời gian, vì thế với cách ra đề như vậy học sinh nên tranh thủ thời gian ôn luyện trên lớp và giải thật nhiều các bộ đề trên mạng, đề của giáo viên các trường và học cả bạn bè. “Phải học nhiều kênh, giải nhiều dạng đề học sinh sẽ có phản xạ nhanh khi làm đề trắc nghiệm và quen với các dạng bài hơn”, ông nói.
Ông Sử cũng khuyên học sinh, nên làm thứ tự từ dễ đến khó. Các câu khó mất nhiều thời gian, vì thế chỉ giải quyết những câu này khi đã hoàn thành các câu trong khả năng ở phía trên.
Sẽ thiếu thời gian làm đề Văn
Đề minh họa môn Ngữ Văn năm nay đọc qua tưởng chừng như không có gì thay đổi so với đề minh họa, đề thi năm 2017. Bởi đề vẫn gồm 2 phần: đọc hiểu (3 điểm) và làm văn (7 điểm). Trong đó, phần đọc hiểu, đề ra một trích đoạn trong một tác phẩm và yêu cầu học sinh trả lời 4 câu hỏi. Tuy nhiên, khi đọc kỹ phần làm văn, đề được cho là kiến thức bao phủ ở cả 2 lớp 11 và 12, có tính phân hóa cao, phù hợp với học sinh chuyên, gây “sốc” đối với học sinh ban A và học sinh có sức học trung bình.
Bà Phan Hà Thanh, giáo viên dạy Ngữ Văn, Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) nhận định, đề hay nhưng khó và phù hợp cho thời lượng khoảng 150-180 phút làm bài hơn là 120 phút như hiện nay.
Bà Thanh phân tích, ở phần đọc hiểu, học sinh học cơ bản kiến thức có thể làm ngay được nhưng cũng chiếm ít nhất 15 phút bao gồm đọc hiểu và viết trả lời 4 câu hỏi. Phần làm văn với câu hỏi 2 điểm cũng yêu cầu học sinh viết đoạn văn 200 chữ nữa đã chiếm khoảng 1/3 thời gian làm bài thi. Trong khi đó, điểm mới và khó ở câu 3 là đề yêu cầu học sinh nêu cảm nhận và so sánh hình tượng Người lái đò vượt thác (Người lái đò sông Đà) và cảnh cho chữ của nhân vật Huấn Cao (Chữ người tử tù). Hai hình tượng này đều của chung một tác giả nhưng kiến thức nằm ở hai lớp 11 và 12. Cho chữ và hình tượng người lái đò vượt thác là hai phần rất hay trong 2 tác phẩm của Nguyễn Tuân nhưng để tiếp cận và hiểu hết ý học sinh cần nhiều thời gian mới nói hết được. “Chưa kể, việc yêu cầu học sinh so sánh, cảm nhận trong một câu hỏi với 2 tác phẩm khó có vẻ như phù hợp với học sinh giỏi hơn và quá sức với học sinh ban A, học sinh trung bình”, bà Hà Thanh nói.
Theo bà Thanh, khi thi chính thức, đề Văn nên tiết giảm hơn kiến thức ở câu 3 để học sinh tiếp cận và làm được trọn vẹn. Nếu ra một dạng đề dài, yêu cầu nhiều kiến thức, nội dung như vậy nhưng chỉ có 90 phút làm bài chắc chắn học sinh sẽ khó thực hiện hết. Như vậy, sẽ rất khó để các em đạt được điểm cao.
Từ đề minh họa, bà Thanh khuyên học sinh nên tập luyện các dạng đề so sánh hai tác phẩm, hai nhân vật, 2 chi tiết trong cùng năm học hoặc giữa lớp 11 và lớp 12. Với thời lượng ngắn, đề yêu cầu dài, học sinh cũng cần tập luyện cách viết khúc chiết, đi thẳng vào vấn đề.
Gặp khó vì đề trải rộng
Giáo viên dạy Lịch sử tại trường THPT ở Hà Tĩnh đánh giá, đề ra 40 câu đảm bảo kiến thức cơ bản, trọng tâm, bao gồm cả kiến thức lớp 11 và 12. Trong đó, kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 12%. Đề có sự phân hóa cả 4 cấp độ, trong đó phân hóa ở cấp độ cao cũng rất rõ. Vì vậy, nếu làm để đạt điểm 5-6 thì được còn đạt điểm 7-8 cũng là khó với năng lực chung của học sinh hiện nay.
Ngoài ra, đề các môn như Vật lý, Hóa học, Sinh học… cũng được các giáo viên nhận định đề đảm bảo 60% kiến thức cơ bản, 40 % kiến thức phân loại. Điểm khác của đề minh họa năm nay là có một phần không nhỏ kiến thức lớp 11 vì vậy học sinh phải có hình thức ôn luyện khái quát các dạng kiến thức từ lớp 11 đến hết 12. Đặc biệt, trong các đề năm nay, ngoài kiến thức cơ bản, đề còn yêu cầu học sinh phải có tư duy, ứng dụng, khai thác đồ thị ở môn Vật lý.
Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi THPT quốc gia năm nay tăng các câu hỏi phân hóa để đảm bảo tính phân hóa khi xét tuyển vào ĐH. Với đề minh họa công bố, bộ yêu cầu các trường THPT có kế hoạch học tập, ôn luyện phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng, không gây quá tải, đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Theo Tienphong