Kết thúc 8 môn thi THPT 2016, từ ngày 5/7, các điểm thi bắt tay ngay vào việc chấm điểm. Công an các tỉnh có nhiệm vụ áp tải, bảo vệ bài thi về các điểm chấm thi an toàn.
Sáng 4/7, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Bùi Văn Ga dẫn đầu đến Đà Nẵng, thăm hỏi, động viên thí sinh trước buổi thi môn Lịch sử.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga chỉ đạo ngành viễn thông địa phương tập trung tốc độ đường truyền mạng cho ĐH Đà Nẵng ở thời điểm bắt đầu công bố điểm thi.
Ông cũng chỉ đạo ĐH Đà Nẵng cùng các đơn vị chủ trì các cụm thi khác trên cả nước nhanh chóng triển khai kế hoạch chấm thi ngay ngày 5/7 để đảm bảo công bố điểm thi đúng tiến độ, không để thí sinh phải chờ đợi kết quả quá lâu.
“Ngay khi có kết quả điểm thi, ngành giáo dục địa phương chỉ đạo các trường phổ thông trên địa bàn mở cửa phòng máy vi tính để thí sinh có thể đến đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng trực tuyến với sự hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ túc trực tại các trường”, ông Ga nói.
Thứ trưởng đánh giá cao công tác phối hợp của ĐH Đà Nẵng với ngành giáo dục và các ban, ngành chức năng liên quan, đặc biệt là lực lượng công an, y tế…, đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Riêng với ĐH Đà Nẵng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của đại học vùng khi làm tròn trách nhiệm tổ chức thi không chỉ ở cụm thi 40 ở Đà Nẵng mà còn cả các cụm thi ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum…
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra tại các hội đồng thi ở miền Trung. Ảnh: Khải Minh. |
“Đây là những địa bàn có nhiều huyện miền núi, công tác tổ chức thi vất vả hơn, nhưng kiểm tra thực tế cho thấy công tác tổ chức thi được tổ chức bài bản, nghiêm túc. Các điểm thi ở vùng sâu, vùng xa triển khai công tác coi thi nghiêm túc, bài bản như các điểm thi trong thành phố”, ông Ga nhận xét.
Tại khu vực phía Nam, ngay sau khi kết thúc môn thi Toán sáng 1/7, nhiều trường đã triển khai làm phách và lên kế hoạch chấm thi. Các trường đại học chủ trì cụm thi ở các tỉnh đều mang bài thi về TP HCM chấm. Giáo viên THPT ở các tỉnh không được mời chấm bài thi của học sinh trong tỉnh.
TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP HCM cho biết, nhà trường đã bắt tay ngay vào làm phách từ chiều 1/7. Trường sẽ bắt đầu chấm thi ngày 7/7 với 25 giảng viên, 120 giáo viên các trường THPT chấm thi môn Toán; 60 giáo viên THPT chấm thi môn Văn và 20 giảng viên cùng 80 giáo viên chấm thi phần tự luận môn tiếng Anh.
Các môn trắc nghiệm được chấm tại trường bằng máy. Dự kiến, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP HCM hoàn tất khâu chấm thi trước ngày 20/7.
Thí sinh rạng rỡ sau môn thi Vật lý chiều 2/7 tại điểm thi ĐH khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM. Ảnh: Phước Tuần |
Theo TS Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM, từ hôm nay, 4/7, trường sẽ làm phách bài thi và bắt đầu chấm thi ngay. Giảng viên và giáo viên THPT tại TP HCM sẽ chấm bài môn tự luận. Môn Văn, trường nhờ giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP HCM, chấm; đổi lại trường sẽ nhận chấm môn Toán cho cụm thi của trường Nhân văn.
TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng đào tạo ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP HCM, cho biết, nhà trường đã phối hợp Sở GD&ĐT TP HCM, huy động tối đa lực lượng chấm thi và dự kiến ngày 18/7 chấm xong
Các trường đại học chủ trì các cụm thi ở các tỉnh như ĐH Luật, Nông lâm, Công nghiệp, Giao thông Vận tải, Ngân hàng… quyết định đem toàn bộ bài thi ở các tỉnh về TP HCM chấm thi.
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo, ĐH Nông lâm TP HCM, cho biết kết thúc từng môn thi, bài thi được vận chuyển về tại hội đồng trung tâm của Phân hiệu ĐH Nông lâm TP HCM tại Gia Lai. Sau đó, toàn bộ bài thi được chuyển từ Gia Lai về TP HCM trong ngày 5/7.
Kế hoạch chấm thi của trường này từ ngày 9/7 đến 18/7. ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM sẽ làm phách ngày 5/7. Từ ngày 7 đến 15/7, trường sẽ chấm bài thi và gửi dữ liệu cho Bộ GD&ĐT ngay khi chấm xong.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM sẽ làm phách tại Phan Thiết (Bình Thuận), sau đó vận chuyển bài thi vào TP HCM chấm. Ngoài giảng viên của trường, năm nay, ĐH Sư phạm kỹ thuật mời thêm các giáo viên trường THPT tại Đồng Nai và các quận 9, Thủ Đức để cùng tham gia chấm thi. Trường sẽ chấm thi từ ngày 6/7 và dự kiến ngày 19/7 sẽ hoàn thành.
Trong quá trình vận chuyển bài thi từ các tỉnh về TP HCM chấm thi, lực lượng công an các tỉnh sẽ có nhiệm vụ áp tải, bảo vệ bài thi về đến các điểm chấm thi an toàn.
Làm việc với Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, công tác tổ chức thi tại cụm thi 40 ở Đà Nẵng an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Năm nay, tại Đà Nẵng, số lượng thí sinh giảm hẳn so với các năm trước do không có thí sinh ở các tỉnh, thành khác về, chỉ có thí sinh ở Đà Nẵng. Do đó, cơ sở vật chất được đảm bảo điều kiện tốt nhất.
Các năm trước còn tổ chức điểm thi ở trường tiểu học, năm nay, cả 11 điểm thi đều là các trường đại học, cao đẳng và một số trường THPT. Số thí sinh vắng thi qua 6 môn thi vừa qua không nhiều (tỷ lệ dự thi các môn đều trên 90%, trừ môn Địa lý dưới 90%), và chủ yếu là các thí sinh thi tự do.
“Cả 5 trường hợp thí sinh bị đình chỉ đều do mang điện thoại vào phòng thi, trong đó có 1 trường hợp sử dụng điện thoại trong phòng thi bị phát hiện ngay, 4 trường hợp còn lại chưa sử dụng đã bị cán bộ coi thi phát hiện và lập biên bản kỷ luật đình chỉ thi ngay”, GS.TS Nam cho hay.