fbpx
Home Tài liệu luyện thi Môn Văn Cô giáo 9x gợi ý cách học hiệu quả tác phẩm ‘Ai đã đặt tên cho dòng sông’ trong tháng nước rút

Cô giáo 9x gợi ý cách học hiệu quả tác phẩm ‘Ai đã đặt tên cho dòng sông’ trong tháng nước rút

0
Cô giáo 9x gợi ý cách học hiệu quả tác phẩm ‘Ai đã đặt tên cho dòng sông’ trong tháng nước rút
Giáo viên Diệu Thu, Trường THPT Trần Quang Khải (Hà Nội) gợi ý cảm thụ tác phẩm ‘Ai đã đặt tên cho dòng sông’ trở nên dễ dàng.

Trong chương trình thi THPT Quốc gia 2018 – Bộ GD&ĐT đã đưa ra đề minh họa. Trong đó, trọng tâm kiến thức lớp 12, phần tác phẩm lớp 11 là phần liên hệ thêm. Nhiều học sinh trong quá trình tiếp cận tác phẩm thường gặp những khó khăn nhất định khi không thể hiểu sâu, hiểu đúng, hoặc chưa tự khám khá ra cách hiểu của mình. Hệ quả là phụ thuộc nhiều vào cách hiểu của người hướng dẫn.

Đặc biệt hơn, khối lượng tác phẩm lớp 12 có tác phẩm kí – đây là thể loại mới. Cho nên, trong quá trình cảm thụ tác phẩm văn xuôi giàu chất trữ tình “Ai đã đặt tên cho dòng sông” nhiều học sinh sinh gặp lúng túng.

Thấu hiểu được điều này, cô Diệu Thu – giáo viên trường THPT Trần Quang Khải (Hà Nội) có một vài gợi ý nhằm hỗ trợ các em học sinh lớp 12 ôn tập và có định hướng làm bài hiệu quả trong một tháng cấp tốc.

Để cảm thụ tốt tác phẩm này, đầu tiên các em cần hiểu đặc trưng thể loại kí:

Về đặc trưng của kí, học sinh cần hiểu mỗi tác phẩm kí đòi hỏi tính xác thực cao. Không giống như truyện ngắn, kí thường không hư cấu mà tác giả chỉ lựa chọn ngay những sự việc, những con người vốn đã có giá trị nổi bật trong cuộc sống để phóng bút. Vì vậy, nhiều học sinh khi học đánh giá là tác phẩm này khô khan, khó tiếp cận.

Để tránh nhàm chán thì học sinh cần lấy đặc trưng thể loại làm nền tảng để tiếp cận.

Khi cảm thụ tác phẩm: “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, rõ ràng ta thấy được sự tài tình của tác giả khi khám phá vẻ đẹp của dòng sông ở nhiều góc nhìn: Thiên nhiên, Văn hóa, lịch sử.

Và ở mỗi góc nhìn, tác giả đều mang vào đó trí tưởng tượng phong phú của mình.

Ví dụ, ở góc nhìn thiên nhiên: Sông Hương là cô gái cá tính, chung tình. Lúc ở thượng nguồn, sông Hương mang trong mình vẻ dữ dội, hoang sơ khiến tác giả hình dung như cô gái Di-gan phóng khoáng, man dại. Lúc đến đồng bằng, sông Hương dịu dàng, yên ả giống như người gái đẹp ngủ mơ màng giờ được đánh thức dậy với những phẩm chất nữ tính nhất để bắt đầu bước vào hành trình đi tìm tình yêu.

Khi sông Hương liên tục đổi dòng, giống như người con gái đang băn khoăn kiếm tìm đường về với người yêu: thành phố Huế. Khi sông Hương phát hiện ra thành phố Huế của mình, cô gái ấy chợt dâng đầy cảm xúc: tươi vui, yên tâm… Khi bắt gặp thành phố Huế, cô gái sông Hương như bắt gặp người tình của mình rồi đầy thẹn thùng, e lệ.

Và rồi, điệu chảy lững lờ – điệu slow của sông Hương giống như sự đắm say của đôi lứa trong tình yêu nồng nàn. Khi sông Hương trôi đi, cái dáng uốn cong ôm lấy thành phố Huế được tác giả hình dung như sự lưu luyến nghẹn ngào vì phải chia li của lứa đôi.

Ở góc nhìn văn hóa: trong suy tưởng của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương như người mẹ sản sinh và nuôi dưỡng các giá trị văn hóa cổ truyền của xứ Huế.

Ở góc nhìn lịch sử: Sông Hương hóa thân từ vẻ dịu dàng, trầm tư để trở thành chủ nhân, chứng nhân của một xứ Huế oai hùng từ thời cổ đại, qua trung đại, đến hiện đại.

Như vậy, rõ ràng học sinh chỉ cần thấy rõ các góc nhìn sẽ dễ dàng cảm nhận được tác phẩm kí này. Qua đó, cho thấy Hoàng Phủ Ngọc Tưởng mở ra vẻ đẹp muôn sắc màu của dòng sông Hương, nó nhuốm cả màu huyền thoại. Không chỉ vậy, nó còn giúp người đọc hiểu được Hoàng Phủ Ngọc Tường là một người am hiểu về thiên nhiên, lịch sử xứ Huế và cũng là người yêu tha thiết mảnh đất cố đô này.

Hi vọng với phần gợi ý vừa rồi, học sinh sẽ được trang bị một chìa khóa để mở ra cánh cửa để bước vào tác phẩm kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” một cách tốt nhất.

Comments

comments