Đợt 1 xét tuyển vào các trường đại học đang bước sang những ngày cuối cùng (ngày 12.8 là kết thúc). Nhiều thí sinh vẫn còn băn khoăn trong việc chọn ngành, chọn trường xét tuyển.
Dưới đây, chuyên gia ở các phòng đào tạo, phòng tuyển sinh trường ĐH sẽ thông tin và tư vấn giúp thí sinh…
Trường “tốp giữa” điểm chuẩn sẽ không đổi
Thí sinh (TS) cần lưu ý kỹ quy định xét tuyển từng trường. Chẳng hạn quy định xét TS ở 2 nguyện vọng khác nhau trong cùng một ngành. Có trường xét đồng thời, có trường thì xác định điểm chuẩn nguyện vọng 2 cao hơn nguyện vọng 1 trong cùng ngành đó… Nếu TS không nắm vững rất dễ bị mất cơ hội trúng tuyển.
Riêng về điểm số, có thể điểm chuẩn các trường “tốp cao” sẽ giảm và điểm chuẩn các trường “tốp giữa” không thay đổi nhiều so với năm ngoái. Vì vậy TS đăng ký vào nhóm trường hoặc ngành có điểm chuẩn từ 17 – 21 có thể tham khảo điểm chuẩn năm ngoái kết hợp với điểm sàn nhận hồ sơ của trường để quyết định việc nộp hồ sơ. Tuy nhiên, về điểm sàn riêng của trường, TS lưu ý có những trường hoặc ngành điểm chuẩn sẽ bằng sàn nhưng có những ngành điểm chuẩn sẽ cách xa điểm nhận hồ sơ.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)
Cẩn thận việc nhân hệ số
Những ngày cuối của đợt, TS cần lưu ý: Thứ nhất, những ngành có nhân hệ số môn chính, TS cẩn thận trong việc tính toán mức điểm. Cách tính điểm các ngành này như thế nào tùy mỗi trường. Chẳng hạn tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn thì môn tiếng Anh các ngành ngôn ngữ sẽ là nhân 2, cộng tổng điểm, nhân 3 chia 4. Nhiều TS nghĩ mình có điểm cao vì chỉ nhân 2 môn tiếng Anh rồi cộng tổng điểm lại nhưng thực tế không tính như vậy. Thứ hai, TS nên tham khảo điểm chuẩn năm vừa rồi. Năm nay có thể điểm chuẩn không cao nhưng không giảm nhiều như TS nghĩ qua số lượng hồ sơ nộp về trường.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
Ngành mới cơ hội cao
Các ngành mà năm nào TS cũng quan tâm nhiều và năm nay có thể có điểm chuẩn cao hơn năm ngoái, đó là: quản lý đất đai, công nghệ kỹ thuật môi trường, kinh tế tài nguyên thiên nhiên. Những ngành đặc trưng khác như khí tượng thủy văn thì ít TS quan tâm hơn.
TS cũng nên lưu ý năm nay trường có 5 ngành đào tạo mới. Trong đó, có những ngành hết sức quan trọng và có thể có nhiều việc làm khi ra trường trong thời gian sắp tới như: quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững…
Sẽ có ít TS biết về những ngành mới này nên nộp hồ sơ vào các ngành này có khá nhiều cơ hội.
Tiến sĩ Lê Hoàng Nghiêm (Trường ĐH Tài nguyên – Môi trường TP.HCM)
Nghiên cứu điểm chuẩn năm ngoái
TS vẫn quan tâm những ngành mà các năm trước đều “hot” là: marketing, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, tài chính – ngân hàng.
TS nên nghiên cứu điểm chuẩn năm ngoái và chỉ tiêu mỗi ngành của mỗi trường muốn đăng ký để so sánh mức độ cạnh tranh. Cũng cần tìm hiểu kỹ ngành nghề mình yêu thích, tránh trường hợp nộp hồ sơ ngành không phù hợp sở thích, năng lực, dẫn đến không có động cơ học tập.
Thạc sĩ Lê Trọng Tuyến (Trường ĐH Tài chính – Marketing)
Cách xét tuyển an toàn
Qua gần 1 tuần đầu, mỗi ngày Trường ĐH Y Dược TP.HCM nhận trung bình khoảng 200 -300 hồ sơ (tính cả 3 hình thức: trực tiếp, trực tuyến và bưu điện). Những TS nộp vào trường đều có điểm số khá cao.
Thực tế vẫn có TS chờ đợi thông tin cho đến những ngày cuối. Tuy nhiên, Bộ đã yêu cầu các trường tuyệt đối bảo mật thông tin của những TS xét tuyển vào trường. Do vậy việc tham khảo mức điểm chuẩn năm trước là cần thiết.
Đặc biệt, tôi cho rằng TS nên suy nghĩ để chọn ra một ngành học thực sự yêu thích. Ở khối ngành y dược, việc học các ngành này tại trường không hề dễ dàng, nếu không thích sẽ không theo được. Thậm chí nếu theo được cũng khó để làm việc sau khi ra trường vì tính đặc thù.
Do vậy, trong tình huống hiện nay, cách an toàn là TS nên mạnh dạn nộp hồ sơ vào 2 trường, trong đó 1 trường có điểm cao tương đương với mức điểm chuẩn năm ngoái, 1 ngành có điểm chuẩn năm ngoái thấp hơn điểm thi để an toàn.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi (Trường ĐH Y Dược TP.HCM)
Những ngành nộp hồ sơ sẽ trúng tuyển cao
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đến thời điểm này đã nhận được hơn 4.000 hồ sơ. Năm nay, trường xét 5.000 chỉ tiêu, tăng 1.000 so với năm 2015. Do vậy, nhiều khả năng điểm chuẩn sẽ thấp hơn mức 23,55 của năm ngoái một chút. Có những nhóm ngành trường nhận định xã hội rất cần mà TS lại ít nộp hồ sơ như: kinh tế học, kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, kinh tế chính trị, toán tài chính, thống kê kinh doanh, hệ thống thông tin kinh doanh. Mức điểm tối thiểu quy định của những ngành này chỉ là 15. Vì vậy, TS có điểm từ 15 – 18 đều có thể nộp và cơ hội trúng tuyển tương đối cao.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)
Ý kiến:
TS nên nộp hồ sơ trực tuyến
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM hiện đã nhận được khoảng 4.200 hồ sơ, với mức điểm chủ yếu từ 17 – 18. Năm nay trường mở một số ngành mới như: công nghệ vật liệu, công nghệ may dự kiến điểm trúng tuyển gần với sàn.
Để đảm bảo an toàn, chính xác về mặt thông tin, TS nên nộp hồ sơ trực tuyến, vì các bước nộp rất khoa học, đòi hỏi TS điền chính xác thông tin mới được tiếp tục thực hiện những bước tiếp theo. Tuy nhiên, nộp trực tuyến TS không thể chỉnh sửa sai sót, nên các em cần suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ trước khi điền nguyện vọng.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM)
Nộp hồ sơ đúng quy chế
Nếu năm trước TS có tâm lý chờ đến những ngày cuối của đợt xét tuyển, thì năm nay TS nộp hồ sơ ngay ngày đầu tiên khá nhiều. Khác với năm trước, năm nay TS đăng ký xét tuyển trong bối cảnh không biết tỷ lệ chọi, không biết thứ hạng của mình. Điều này sẽ dẫn đến sự chênh lệch về số lượng hồ sơ giữa những ngành học.
TS lưu ý nộp hồ sơ đúng quy chế. Có trường hợp vô tình hay cố ý TS vẫn đăng ký xét tuyển vào nhiều hơn 2 trường. Những trường hợp này, theo nguyên tắc hệ thống sẽ “chặn” trường thứ 3. Vì vậy nếu lỡ trường bị chặn lại là nguyện vọng TS thực sự muốn theo học, TS sẽ bị thiệt.
Tiến sĩ Trần Đình Lý (Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM)
Theo báo Thanh Niên