fbpx
Home Tin tuyển sinh Chọn ngành học: Khối ngành sức khỏe thay đổi ra sao khi có biến đại dịch?

Chọn ngành học: Khối ngành sức khỏe thay đổi ra sao khi có biến đại dịch?

0
Chọn ngành học: Khối ngành sức khỏe thay đổi ra sao khi có biến đại dịch?

2020 là năm ghi dấu của ngành y tế thế giới khi đại dịch Covid-19 bùng nổ toàn cầu. Từ đây, sẽ có sự đổi thay mạnh mẽ về quan điểm cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho khối ngành y tế sức khỏe.

Áp dụng công nghệ nhiều hơn và lưu ý đào tạo các ngành dự phòng, y tế công cộng, xét nghiệm là những điểm thay đổi chính yếu.

Tăng ứng dụng công nghệ

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Q.2 (TP.HCM), cho rằng thời đại 4.0, ứng dụng công nghệ là lộ trình ngành y phải hướng tới, dù có xảy ra dịch bệnh hay không.

Nhưng dịch Covid-19 này sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa ứng dụng 4.0 từ quản lý, điều hành cũng như giao dịch của các bệnh viện.Theo bác sĩ Khanh, các bệnh viện đang tích cực áp dụng nhiều giải pháp công nghệ để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong môi trường đông người như: máy quét nhiệt độ, vòng đeo tay để bác sĩ nắm được số phòng và tất cả thông tin của bệnh nhân.

Nhiều bệnh viện cũng áp dụng một số robot thay cho lao công, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Bệnh án điện tử cũng đang dần thay thế cho bệnh án bằng giấy đang sử dụng lâu nay để hạn chế lây lan, tiếp xúc gần.

Thanh toán viện phí cũng dần không dùng tiền mặt mà thông qua chuyển khoản, cà thẻ. Tiến trình kỹ thuật số tại các bệnh viện đang được thúc đẩy nhanh hơn.

Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, dịch bệnh xảy ra cũng là cơ hội cho y khoa tiến đến một tương lai mới.

Đó là phát triển robot trong quá trình phục vụ, giao thuốc bằng băng chuyền, dùng phần mềm hô hấp nhân tạo tim… Rộng hơn là áp dụng công nghệ trong hệ thống khám chữa bệnh, cảnh báo, phòng ngừa lây nhiễm bằng trí tuệ nhân tạo.“Với sự thay đổi đó, chính trường ĐH phải là nơi tiên phong.

Sinh viên học khối ngành sức khỏe trong thời đại này phải đặt mình vào yếu tố toàn cầu hóa, tính quốc tế. Chẳng hạn, dịch bệnh Covid-19 hiện nay đã lan rộng toàn thế giới. Người học phải nắm kỹ năng cơ bản để hội nhập, có ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ. Yếu tố quốc tế vì thế sẽ rộng hơn so với học kiến thức truyền thống của thời kỳ trước”, tiến sĩ Hải chia sẻ.

Lưu ý đào tạo y học dự phòng, y tế công cộng

Cũng theo BS Trần Văn Khanh, qua mùa dịch này, còn một vấn đề khác cần lưu ý. Đó là việc phát triển nhân lực cho y học dự phòng, y tế công cộng.

Hiện nay, mô hình đào tạo nguồn nhân lực y tế của Việt Nam khá hoàn chỉnh, bố trí theo 3 cấp. Trong đó mảng dự phòng với các trung tâm kiểm soát bệnh tật từ trung ương đến quận huyện, phường xã đều được xây dựng.

Tuy nhiên, hiện nay việc đào tạo nhân lực cho y học dự phòng chưa được chú trọng nhiều. Việc tuyển dụng nhân lực cho y học dự phòng, y tế công cộng cũng chưa nhiều.“Ở trung tâm, trạm y tế, chỉ cần tuyển một số bác sĩ làm công tác chủ chốt. Còn chủ yếu nên tuyển bác sĩ dự phòng, cử nhân y tế công cộng. Tuyển dụng chuyển theo hướng đó sẽ thu hút được nhiều người học hơn. Còn chương trình học thì hiện nay các trường đã có đầy đủ, đủ sức đào tạo để đáp ứng cho đội ngũ này”, BS Khanh nhận định.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho rằng khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta càng thấy rằng nhiều ngành khác trong khối ngành sức khỏe cũng không kém phần quan trọng so với y đa khoa, dược mà thí sinh thường chú trọng. Đó là các ngành y tế công cộng, y học dự phòng. Các trường cũng sẽ chú tâm đào tạo các ngành này hơn.

Dịch Covid-19 lần này càng cho chúng ta thấy rằng những ngành như công nghệ sinh học cực kỳ quan trọng nhưng đang khan hiếm người học, người làm. Những trung tâm nghiên cứu sinh học của quốc gia trong đợt dịch như vậy cực kỳ cần thiết nhưng hiện nay ở nước ta chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

TS-BS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng chia sẻ việc quản lý sức khỏe, phòng bệnh cần được quan tâm nhiều hơn. Nhà nước nên có chính sách ưu tiên để phát triển y học dự phòng, y học gia đình và y tế công cộng. Việc này sẽ giúp cho phòng dịch, phòng bệnh tốt ngay từ trong cộng đồng.

Theo Thanhnien


Comments

comments