Cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng, chọn ngành, trường phù hợp năng lực và tài chính là những điều thí sinh cần chú ý sau khi biết điểm thi THPT quốc gia 2019.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia năm 2019, thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng sao cho phù hợp mức điểm của mình.
Theo dõi sát sao dự báo điểm chuẩn
Theo thầy Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm, TP.HCM, sau khi tra cứu điểm thi, thí sinh cần phải có cái nhìn đúng đắn để chuẩn bị thật tốt cho việc điều chỉnh nguyện vọng.
Nếu điểm thi cao hơn dự kiến, đại diện ĐH Nông lâm khuyên thí sinh nên điều chỉnh nguyện vọng theo hướng “nhìn lên” để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành và trường mơ ước, hoặc thay đổi nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên.
Ngược lại, nếu điểm thi của sĩ tử thấp hơn so với điểm sàn hoặc ở mức “lưng chừng”, thầy Lý khuyên thí sinh cần lấy gốc “hướng nghiệp trước, hướng trường sau” và bám sát vào năng lực thực tế của bản thân để chọn ngành đúng sở trường, né sở đoản. Sau khi chọn được ngành, thí sinh mới nên chọn trường đào tạo ngành đó với hệ đào tạo và học phí phù hợp.
Việc điều chỉnh nguyện vọng cần theo dõi sát sao mức điểm chuẩn của các trường đại học trên cả nước. Bên cạnh việc chờ thông tin điểm chuẩn từ các trường, thí sinh có thể dự kiến điểm chuẩn bằng cách tham khảo đề thi năm trước.
“Chuẩn cao hay thấp còn tùy thuộc vào độ khó đề thi. Đề thi THPT quốc gia 2018 khó hơn so với đề thi năm trước (năm 2017) và năm nay nên các em cần tham khảo vài năm sẽ có giá trị hơn”, TS Trần Đình Lý chia sẻ.
Tuy nhiên, để điều chỉnh nguyện vọng hợp lý, thí sinh không thể chỉ dựa vào mức điểm của bản thân so với điểm chuẩn của các ngành và trường. Việc tham khảo thêm thông tin về phương thức, chất lượng đào tạo, đầu ra việc làm của sinh viên của các trường cũng rất cần thiết.
“Tất cả trường đều có website, đều thực hiện công khai thông tin theo quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, tuyển sinh và cả tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, rất nhiều thông tin trên các diễn đàn và fanpage sinh viên của các trường. Thí sinh nên tìm hiểu thêm thông tin tại các trang web đó trước khi điều chỉnh nguyện vọng”, thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), khuyên.
Tìm hiểu kỹ mức học phí
Bên cạnh những thông tin trên, đại diện ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM còn lưu ý thí sinh nên tìm hiểu kỹ về mức học phí của các ngành và trường mình đang dự định xét tuyển.
“Nhiều thí sinh không tìm hiểu rõ mức học phí nên khi vào học mới biết quá sức chịu đựng so với hoàn cảnh kinh tế gia đình mình. Điều này sẽ là gánh nặng cho gia đình và ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình theo học của sinh viên”, thạc sĩ Quán nói.
Ông Quán cho biết mức học phí hiện nay của các trường đại học đều dựa trên loại hình đào tạo. Theo đó, khoảng 147 trường đại học công lập trên cả nước có mức học phí từ 8,5 triệu đến 11 triệu đồng/năm. Trường đại học công lập tự chủ (23 trường) có học phí khoảng 18 triệu đồng/năm (học phí sẽ tăng thêm từ 4% đến 6% trong những năm kế tiếp).
Ở các chương trình đào tạo theo đề án như chương trình tiên tiến, chất lượng cao của đại học công lập và đại học công lập tự chủ, mức học phí từ 30 triệu đến 70 triệu đồng/năm.
Khoảng 60 trường đại học ngoài công lập trên cả nước có học phí từ 30 triệu đến 80 triệu đồng/năm. Các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, mức học phí từ 80 triệu đến 200 triệu đồng/năm và thay đổi theo mỗi năm.
Việc điều chỉnh nguyện vọng chính thức chỉ được thực hiện một lần duy nhất, vì vậy, thí sinh cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nhấn nút điều chỉnh.
Thời gian điều chỉnh nguyện vọng theo phương thức trực tuyến từ ngày 22/7 đến 29/7. Phương thức điều chỉnh bằng phiếu đăng ký xét tuyển diễn ra từ ngày 22/7 đến 31/7.
Trước đó, thí sinh sẽ có 3 ngày (từ 16/7 đến 18/7) để thực hành “thử” điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.