Ngoài thí sinh Lê Quang Kỳ được tăng 20,5 điểm sau khi được chấm phúc khảo, nhiều thí sinh khác ở Tây Ninh cũng có bài thi trắc nghiệm từ 0 điểm được tăng lên. Trong đó, một thí sinh có điểm tăng lên đến 21,25 điểm.
Trước đó, Sở GD-ĐT Tây Ninh cho biết sau khi kết quả kỳ thi THPT quốc gia được công bố, địa phương này có 34 trường hợp bị điểm 0 một cách không bình thường. Cụ thể ở môn thi trắc nghiệm, gồm Toán 13 bài, Tiếng Anh 9 bài; tổ hợp bài thi Khoa học tự nhiên 4 bài và Khoa học xã hội 8 bài.
Kết quả phúc khảo của 34 thí sinh này đều tăng, trong đó mức điểm tăng ở tổ hợp bài thi Khoa học xã hội tăng nhiều hơn.
Cụ thể như trường hợp thí sinh Nguyễn Thị Thu Thảo, ban đầu điểm 3 môn của tổ hợp Khoa học xã hội của em cũng đều là 0. Điểm sau khi phúc khảo, môn Địa: 7,5; môn GDCD 8 và môn Sử 5,75. Như vậy, số điểm được tăng lên của Thảo là 21,25 điểm.
Thí sinh Lại Văn Phú, được tăng 18 điểm sau khi phúc khảo đối với tổ hợp Khoa học xã hội. Từ ban đầu với 0 điểm cho các môn, sau khi chấm lại nam sinh này đạt điểm môn Địa 6,25; môn GDCD 7,75 và Sử là 4 điểm.
Thí sinh Nguyễn Hoàng Nam, điểm sau phúc khảo tăng 18,75 điểm, trong đó môn GDCD là 7,5 điểm, Sử: 5,5 và Địa 5,75 điểm.
Thí sinh Lê Quyền Huy, sau phúc khảo đạt điểm môn Địa là 5,5; môn GDCD là 8, môn Sử 3,75. Số điểm được tăng lên sau phúc khảo là 17,25.
Thí sinh Trương Thị Thuỳ Dương, điểm tổ hợp Khoa học xã hội ban đầu đều 0. Sau khi phúc khảo, được tăng 17 điểm, trong đó môn Địa 6,5 điểm, GDCD 6,5 và Sử 4 điểm.
Thí sinh Nguyễn Thị Kim Thoa, điểm tổ hợp Khoa học xã hội sau khi phúc khảo cũng tăng lên 17,5 điểm. Từ điểm các môn thành phần chỉ 0, phúc khảo thì điểm môn Địa là 5,25, GDCD 8,75 và Sử 3,5 điểm.
Trong khi đó, đối với tổ hợp Khoa học tự nhiên, thí sinh Lê Quang Kỳ có điểm tăng nhiều nhất lên đến 20,5 điểm. Đây là thí sinh từng 2 năm liên tiếp đạt học sinh giỏi quốc gia ở môn Tin học.
Thí sinh Hà Thị Quỳnh Châu, điểm tổ hợp Khoa học tự nhiên đều là 0. Sau phúc khảo tăng lên 14 điểm, trong đó hai môn Hoá và Sinh cùng đạt 5 điểm, môn Lý: 4 điểm.
Ngoài ra, trong số 13 thí sinh có bài thi môn toán là 0, sau khi phúc khảo số điểm tăng cao. Chẳng hạn như trường hợp thí sinh Võ Thị Kim Loan, điểm thật sau phúc khảo tăng lên thành 8 điểm. Các môn còn lại của thí sinh này gồm Văn:6; Vật lí 5,50; Hóa học 6; Sinh học 5 điểm.
Thí sinh Lê Thị Hồng Huế, điểm thật được trả lại là 7,2 ở môn Toán. Điểm số các môn khác của nữ sinh này cũng khá đều gồm Văn: 6, 75 điểm; Vật lí 6,75; Hóa học: 7,25; Sinh học: 4,75; Tiếng Anh 7,40. Như vậy, thí sinh này suýt trượt tốt nghiệp THPT chỉ vì môn toán bị lỗi chấm.
Thí sinh Trần Văn Huy, từ 0 sau phúc khảo cũng đạt 7,4 điểm môn Toán; thí sinh Nguyễn Giê Nha cũng tăng lên 7,2 điểm môn Toán.
Bài thi môn Toán có điểm tăng ít nhất sau phúc khảo là 2,8 điểm.
Được biết, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, trường ĐH Công nghệ Đồng Nai là đơn vị phụ trách chấm thi trắc nghiệm cho Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh.
Hôm qua, trả lời trên báo Tuổi trẻ, đại diện trường ĐH này cho rằng những bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 do phần mềm chấm thi không nhận dạng được bản scan phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh. Trường đã kiểm tra bản quét phiếu trả lời trắc nghiệm trước đây và thấy bản scan rất rõ ràng, không vấn đề gì. Tuy nhiên khi đưa bản scan vào, máy chấm không nhận diện được phần trả lời của thí sinh nên đã chấm 0 điểm. Do đó, cán bộ chấm thi sử dụng phiếu trả lời gốc của thí sinh và nhập bằng tay từng câu trả lời vào phần mềm chấm thi, máy mới chấm điểm được. Ngoài ra có một bài thi tăng điểm do thí sinh tô sai mã đề thi, một bài thi có hai câu thay đổi phương án nhưng chưa xóa sạch phương án bỏ khiến máy chấm nhận diện thí sinh tô 2 câu trả lời nên loại.