Những ngày qua, đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt với “giáo dục” thành “záo zụk”, “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt” của PGS.TS Bùi Hiền vấp phải sự phản đối kịch liệt của nhiều người.
GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học, cũng đồng thời là một nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, người Việt Nam dường như rất khoái trá khi có đông người cùng hùa nhau làm một việc gì đó, trong khi mỗi người trong số đó ít suy nghĩ thấu đáo về việc đó như thế nào.
Còn theo nhà nghiên cứu về khủng hoảng truyền thông Lê Ngọc Sơn (hiện đang công tác tại Đức), sau chuyện này thì một “lỗ hổng” lớn lộ ra, đó là truyền thông khoa học. “Truyền thông của Việt Nam hiện nay rất yếu mảng này, nếu không muốn nói là rất tệ”- Ông Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh.
GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm: Không cần thay đổi chữ viết vì sẽ đảo lộn
Ý kiến của PGS. Bùi Hiền nêu ra chỉ là một quan điểm cá nhân để giới khoa học xem xét và tôi tin rằng phần đông các nhà ngôn ngữ học cũng như các nhà quản lý giáo dục sẽ không đồng tình và chắc chắn nó sẽ không đi đến đâu cả.
Về mặt khoa học, đề xuất này liên quan đến mâu thuẫn giữa một bên là tính biến động của ngôn ngữ với bên kia là tính ổn định của chữ viết.
Tuy nhiên, việc thay đổi chữ viết, không phải cứ muốn là được, vì mọi sự thay đổi ở đây sẽ dẫn đến việc đảo lộn trong rất nhiều lĩnh vực và kéo theo vô số hậu quả phức tạp.
Tôi thực sự cảm thấy bất bình về những ý kiến miệt thị, xúc phạm, công kích công trình khoa học cũng như cá nhân PGS. Bùi Hiền.
Người Việt Nam dường như rất khoái trá khi có đông người cùng hùa nhau làm một việc gì đó, trong khi mỗi người trong số đó ít suy nghĩ thấu đáo về việc đó như thế nào.
Cách ứng xử này gần như đã trở thành “đặc sản” tính cộng đồng làng xã của chúng ta và không biết đến bao giờ mới khắc phục được; trong khi các mạng xã hội lại đang trở thành một công cụ hữu hiệu tiếp tay cho thói xấu này.
Điều này ở các nền văn hóa phương Tây và các nước phát triển rất hiếm khi xảy ra, vì mỗi người khi nói gì, làm gì đều có bản lĩnh để suy nghĩ và chịu trách nhiệm cá nhân về ý kiến của mình.
Về những vấn đề người ta không am hiểu thì họ sẽ im lặng để nhường lời cho các chuyên gia; còn nếu cần thể hiện thái độ thì họ trình bày quan điểm một cách bình tĩnh, khách quan, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, chứ không lăng mạ, xúc phạm.
“Liệu trong tương lai chúng ta có cần cải tiến chữ quốc ngữ hay không?”, tôi nghĩ là không cần, nhất là những cải tiến lớn, mang tính đảo lộn.
Nếu là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ am hiểu sâu sắc vấn đề thì sẽ không bao giờ đưa ra một đề xuất cải tiến chữ viết mang tính đảo lộn; nếu là một nhà quản lý dày dạn kinh nghiệm thì cũng sẽ không bao giờ chấp nhận một đề xuất cải tiến chữ viết mang tính đảo lộn.
Trong một số lĩnh vực thì sự đổi mới là cần thiết nhưng đối với một số lĩnh vực như chữ viết, tiền tệ, giáo dục… thì sự ổn định là cần thiết hơn, bởi việc thay đổi một cách thiếu thận trọng thường dẫn đến những hậu quả rất tồi tệ.
Trong lĩnh vực tiền tệ, khi kinh tế lạm phát, việc đổi tiền (bỏ bớt đi các số không phía sau) là dễ dàng và giúp giao dịch gọn gàng, nhưng sẽ gây nên tổn thất và rối loạn về nhiều mặt. Trong lĩnh vực giáo dục, việc cải cách liên miên cũng gây rối loạn cả về tinh thần, tổ chức, và tổn thất về kinh tế.
Trong lĩnh vực chữ viết cũng hệt như vậy. Hơn thế nữa, chữ viết đã trở thành một phần của văn hóa. Đó chính là lý do vì sao trong suốt hơn một thế kỷ không có một đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ nào được thực hiện. Đó cũng là lý do vì sao chữ Anh bất hợp lý hơn chữ Việt rất nhiều lần mà đến nay vẫn được tất cả các nước nói tiếng Anh tiếp tục duy trì.
Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn (Chuyên gia về quản trị truyền thông, rủi ro và khủng hoảng, Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức): Truyền thông khoa học đang bị “khủng hoảng” và “hổng”?
Cần tránh tối đa việc xúc phạm một công trình nghiên cứu nghiêm túc của PGS.TS Bùi Hiền. Đề xuất của ông lạ với những thứ ta đã biết, không có nghĩa là ông sai, ta đúng.
Suy rộng ra, cần ứng xử văn minh với những thứ khác ta, khác cái ta biết sẵn. Cái ta biết chưa hẳn đã đúng, nó chỉ đơn giản là mặc định một thứ ta đã biết là đúng. Nhưng cái đó là chân lý hay tối ưu chưa, thì chưa hẳn.
Nhưng sau chuyện này thì một “lỗ hổng” lớn lộ ra, đó là truyền thông khoa học. Truyền thông của Việt Nam hiện nay rất yếu mảng này, nếu không muốn nói là rất tệ.
Nhiệm vụ của người làm nghiên cứu là thử thách các sự hiểu biết đã có. Còn nếu không thì sinh ra nhà nghiên cứu để làm gì?
Qua chuyện này, cũng nhận ra một điều, chủ nghĩa dân tuý trong khoa học sẽ rất nguy hiểm cho sự tiến bộ. Đây là việc chuyên môn của những nhà ngôn ngữ, hãy để họ phán xét, chứ giờ ông facebooker nào cũng phán được, rồi từ đó quyết định theo số đông, thì nguy to.
Người Việt muốn tạo “sức mạnh mềm” (soft power) và sức ảnh hưởng ra thế giới, ngôn ngữ phải cần được chú trọng. Nếu xem đó là một “mặt trận”, thì ngôn ngữ phải tiên phong. Muốn vậy, Tiếng Việt phải làm sao để người nước ngoài dễ học, dễ tiếp cận. Việc cải biên, tối ưu hoá, hiện đại hoá tiếng Việt là cần thiết.
Theo Tienphong