fbpx
Home Tài liệu luyện thi Môn Sinh Cách giải câu hỏi “gài bẫy” trong môn Sinh kỳ thi THPT quốc gia 2018

Cách giải câu hỏi “gài bẫy” trong môn Sinh kỳ thi THPT quốc gia 2018

0
Cách giải câu hỏi “gài bẫy” trong môn Sinh kỳ thi THPT quốc gia 2018
Đối với môn Sinh, các câu hỏi trong đề thi mang tính gài “bẫy” thường hay rơi vào phần lí thuyết về cơ chế di truyền và biến dị, thầy Nguyễn Thành Công sẽ có những chia sẻ với thí sinh.

Có thể bạn chưa biết, một trong những bài toán vận dụng cao cực khó mà học sinh thường gặp trong đề thi môn Sinh trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia thuộc về phần: quy luật di truyền phối hợp và “bẫy” trong câu hỏi cơ chế di truyền và biến dị.

Hiện tại, đa phần học sinh chỉ cần một thời gian ngắn sẽ xử lí xong các câu hỏi ở mức nhận biết và thông hiểu. Còn đối với các câu hỏi ở mức độ vận dụng cao lại khiến cho các sĩ tử tốn khá nhiều thời gian mới cho ra đáp án, đặc biệt là dạng toán cực khó về quy luật di truyền và cơ chế di truyền và biến dị.

Theo đó, thầy Nguyễn Thành Công – giáo viên giảng dạy môn Sinh, trường trung học phổ thông chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, bật mí cho sĩ tử về cách tránh “bẫy” ở phần cơ chế di truyền và biến dị, câu hỏi “đếm phương án” ở phần quy luật di truyền phối hợp.

Lưu ý câu hỏi “đếm phương án” phần quy luật di truyền phối hợp

Thầy Nguyễn Thành Công cho biết, đối với các thí sinh với mục tiêu đạt kết quả cao môn Sinh để có cơ hội xét tuyển vào những trường đại học tốp trên thì cần phải xử lí triệt để những câu hỏi vận dụng cao. Đặc biệt, các em lưu ý dạng bài toán vận dụng cao thường gặp ở nhóm quy luật di truyền phối hợp.

Các bài tập “đếm phương án” thuộc nhóm quy luật di truyền phối hợp bao gồm:

Quy luật tương tác phối hợp với phân li độc lập; tương tác gen – liên kết hoàn toàn; tương tác gen – hoán vị gen; tương tác gen – liên kết giới tính; bài toán hoán vị gen phối hợp với phân li độc lập.

Thầy Công nhấn mạnh, với những dạng bài này đòi hỏi thí sinh hiểu rất rõ về các dấu hiệu của quy luật di truyền đơn tính trạng, sau đó phải nhận diện được quy luật di truyền chi phối chung các tính trạng. Từ đó các em mới tính toán được các giá trị để xác định kiểu gen, xác định các ẩn số mà phương án đếm đưa ra. Dưới đây là một ví dụ về câu hỏi “đếm phương án” thường gặp trong phần quy luật di truyền phối hơp:

Cây lanh Linum usitatissimum là giống cây lấy sợi phổ biến ở các nước châu Á, locus chi phối màu sắc hoa có 2 alen trong đó A quy định hoa đỏ là trội hoàn toàn so với a quy định hoa trắng. Hai locus khác mỗi locus 2 alen là B/b và D/d cùng chi phối chiều cao cây.

Tiến hành phép lai phân tích cây dị hợp 3 locus có kiểu hình thân cao, hoa đỏ được đời con 70 cây thân cao, hoa đỏ: 180 thân cao, hoa trắng: 320 thân thấp, hoa trắng: 430 thân thấp, hoa đỏ. Cho các nhận định dưới đây:

I. Hoán vị gen đã xảy ra ở một bên với tấn số 14%.

II. Cơ thể đem lai phân tích có kiểu gen dị hợp tử chéo.

III. Có 8 kiểu gen chi phối 4 lớp kiểu hình ở đời con.

IV. Có 50% số cây con mang kiểu gen đồng hợp.

Về mặt lí thuyết, có bao nhiêu phát biểu chính xác?

A. 1 B. 2 C. 3 D. 4

Bên cạnh đó, các em cũng nên lưu ý những câu hỏi “đếm” thuộc phần cơ chế di truyền và biến dị, bao gồm các câu hỏi: xác suất xuất hiện bộ mã di truyền; các tính toán liên quan đến quá trình tự sao, quá trình phiên mã, dịch mã và bài toán đánh dấu phóng xạ các đơn phân.

Để trả lời được phần này, các em phải thực sự hiểu các cơ chế di truyền và biến dị ở mức phân tử, từ đó vận dụng vào giải quyết các câu hỏi thực tế.

Tránh “bẫy” phần cơ chế di truyền và biến dị

Thầy Nguyễn Thành Công cho biết, trong đề thi môn Sinh các câu hỏi mang tính gài “bẫy” thường hay rơi vào phần lí thuyết về cơ chế di truyền và biến dị. Đơn giản vì phần này kiến thức chủ yếu là tư duy trừu tượng, học sinh không hiểu rõ bản chất của các cơ chế di truyền như tự sao, phiên mã, dịch mã, các cơ chế gây đột biến số lượng và đột biến cấu trúc NST, nên các em rất dễ bị mắc “bẫy”.

Vì thế, các em phải nắm vững toàn bộ kiến thức lí thuyết cơ bản của cơ chế di truyền và biến dị, dành thời gian luyện tập thường xuyên dạng bài toán này. Đặc biệt, các câu hỏi này thường hay “giấu bẫy” ở đề.

“Các thí sinh là không nên giải vội vàng mà hãy đọc kĩ đề, để tìm ra “bẫy” trước” – thầy Công khuyên thí sinh.

Ví dụ đề bài yêu cầu: Ở một loài côn trùng, thân xám B là trội so với thân đen b, cánh dài V là trội so với cánh ngắn v, 2 locus cùng nằm trên 1 cặp NST thường.

Ở một cá thể dị hợp tử đều, xét 1 tế bào sinh tinh có xảy ra hoán vị gen. Tỷ lệ các loại giao tử sau giảm phân là bao nhiêu, biết rằng các tế bào đơn bội tạo ra đều có khả năng sống sót:

A. BV = bv = Bv = bV =25%

B. BV = bv<25% và Bv = bV> 25%

C. BV=bv>Bv=bV, tỷ lệ tùy tần số TĐC

D. Bv = bV = 50%

Ở câu hỏi trên, rất nhiều thí sinh chọn đáp án C vì nghĩ rằng có tần số hoán vị thì tỉ lệ BV = bv > Bv = bV, giá trị lớn hơn bao nhiêu tùy tần số hoán vị.

Song, ở đây chỉ có 1 tế bào thôi, đề bài cho 1 tế bào, có hoán vị có nghĩa tạo ra 4 loại tinh trùng với tỉ lệ 1:1:1:1, đáp án là A mới chính xác.

Đối với học sinh khóa 2001 sẽ dự thi trung học phổ thông quốc gia năm sau, thầy Công cũng dặn dò cho các em về lộ trình ôn luyện môn Sinh gồm 3 mốc thời gian sau:

Bắt đầu từ tháng 7 hè này, các em hãy ôn luyện toàn diện kiến thức trọng tâm Sinh học của lớp 10, 11 theo cách hệ thống hóa để dễ bao quát, dễ nhớ, dễ học.

Giai đoạn cuối hè, có thể bắt đầu tự học kiến thức lớp 12, chuẩn bị bài trước để hiểu vấn đề.

Đến tháng 1/2019, chuyển sang việc luyện mọi dạng bài có thể gặp trong đề thi. Thời gian này các em cần rèn kỹ năng làm bài thật nhanh, gọn, chính xác để tối ưu hóa tốc độ làm bài, nâng cao sự phản xạ với đề thi.

Cuối cùng, vào 2 tháng cuối trước kì thi (04/2019), các em nên tiến hành ôn luyện chọn lọc.

Lúc này các em chỉ cần ôn luyện kiến thức trọng tâm, tổng hợp tất cả những phương pháp giải nhanh và chiến thuật loại trừ đáp án nhiễu để làm sao nâng tối đa điểm số từ 1 -2 điểm.

Theo Dantri

Comments

comments