Bộ GD&ĐT đề nghị Ban Trường học Bộ Công an, Cục Nhà trường Bộ Quốc phòng gửi danh sách thí sinh trúng tuyển trước ngày 28/7. Kết quả này giúp Bộ GD&ĐT và các trường ĐH lọc ảo thí sinh chính xác hơn.
Hôm qua, 23/7, thời gian điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh kết thúc. Công tác cập nhật dữ liệu của thí sinh dự kiến sẽ hoàn tất trong hôm nay. Có thể thấy, đa số các thí sinh đều điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi THPT quốc gia
Ghi nhận tại TPHCM, ngày cuối cùng cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH- CĐ có rất ít thí sinh.
Em Nguyễn Đình Tường Khoa, học sinh trường THPT Gò Vấp, TPHCM vừa điều chỉnh 1 loạt nguyện vọng. Cụ thể, trước đó Khoa đăng ký các ngành gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật hóa, Môi trường vào trường Đại học Bách khoa TPHCM.
Tuy nhiên, điểm thi của Khoa chỉ được 18,9 điểm nên Khoa đã đổi ngay sang trường khác. “Với điểm thi này, em rất khó để vào được trường Đại học Bách khoa nên em chuyển ngay sang trường Đại học Công nghiệp TPHCM cũng với các ngành trên”, Khoa nói.
Thầy Nguyễn Anh Tài, giáo viên học vụ trường THPT Gò Vấp cho biết, kết thúc thời gian điều chỉnh nguyện vọng, trường ghi nhận được 319/ 542 em thực hiện quyền này, trong số này có 44 em điều chỉnh tăng nguyện vọng.
“Khi các em đến điều chỉnh, trường sẽ phát cho các em phiếu để điền vào. Tiếp đó, chúng tôi sẽ nhập lên hệ thống rồi in ra cho các em xem nguyện vọng các em đã thay đổi để kiểm tra. Nếu đồng ý các em sẽ ký tên vào đó và chúng tôi sẽ enter thông tin đã chính sửa trên hệ thống”, thầy Tài nói.
Thầy Tài cũng cho biết, trong 2 ngày cuối tuần có rất ít thí sinh đến điều chỉnh nguyện vọng. Thậm chí, ngày ở cuối (23/7), không có em nào đến trường để thực hiện quyền này.
Ông Đỗ Văn Khoa, giáo viên học vụ trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú cho biết, kết thúc quá trình tiếp nhận điều chỉnh nguyện vọng qua cả hình thức là Online và bằng phiếu có 160/249 học sinh đều chỉnh nguyện vọng.
Trong số này có 42 em tăng thêm nguyện vọng. Theo ông Khoa, qua quan sát, đa phần các em điều chỉnh nguyện vọng không thay đổi ngành mà chủ yếu chuyển nguyện vọng từ trường này sang trường khác. “Nguyên do là các em trong quá trình học được thầy cô tư vấn kỹ về ngành nghề nên sau khi có điểm, các em chọn lại trường cho phù hợp mà thôi”, thầy Khoa nói.
Thầy Khoa ví dụ, 1 em thích học ngành Quản trị kinh doanh nhưng lúc đầu không tự tin nên nguyện vọng 1 vào trường Đại học Ngân Hàng, nguyện vọng 2 vào Đại học Tài chính Marketing và nguyện vọng 3 vào Đại học Kinh tế.
“Giờ em này thi được 24 điểm, trong khi điểm chuẩn của Đại học Kinh tế năm trước là 21. Do đó, em này điều chỉnh lại nguyện vọng 1 vào trường Kinh tế, nguyện vọng 2 Đại học Tài chính Marketing và nguyện vọng 3 Đại học Ngân Hàng…”, thầy Khoa ví dụ.
Tương tự, nhiều trường THPT khác trên địa bàn TPHCM có số lượng điều chỉnh nguyện vọng chiếm gần 50%, tuy nhiên, số điều chỉnh tăng lại rất ít. Tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), có 90 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trên tổng số 300 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH- CĐ, trong đó, chỉ có hơn 10 thí sinh tăng nguyện vọng.
Trường THPT Phú Nhuận có 45/ 776 học sinh trường hợp đến trường để điều chỉnh tăng nguyện vọng. Trường THPT Trưng Vương (quận 1) có khoảng 50% thí sinh trong tổng số 646 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ điều chỉnh nguyện vọng chiếm. Trường THPT Võ Thị Sáu có gần 60 thí sinh điều chỉnh tăng nguyện vọng…
Cũng trong chiều qua, thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho biết trường có hơn 480 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trong tổng số 631 thí sinh. Trong số này có hơn 100 thí sinh điều chỉnh bằng phiếu.
“Đáng tiếc có duy nhất một thí sinh điều chỉnh trực tuyến tại nhà bị nhầm. Thí sinh có đến trường phản ánh nhưng dữ liệu đã được nhập lên hệ thống nên không sửa được nữa” – thầy Bình cho hay.
3 ngày chạy dữ liệu
Trao đổi với Tiền Phong, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết trong thời gian điều chỉnh không có sự cố bất thường xảy ra. Các thí sinh đều điều chỉnh theo hướng các nguyện vọng sát với kết quả thi THPT quốc gia của mình.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho hay, theo kế hoạch, các trường xét tuyển thẳng như xét tuyển học sinh tham gia tuần cuộc thi Olympia của ĐH Kinh tế quốc dân, đánh giá năng lực của ĐH Luật TPHCM… đều phải công bố danh sách trúng tuyển và danh sách thí sinh đã đến xác nhận nhập học trước ngày 25/7.
Đối với các trường khối công an, quân đội, Bộ GD&ĐT cũng đang đề nghị Ban Trường học Bộ Công an, Cục Nhà trường Bộ Quốc phòng gửi danh sách thí sinh trúng tuyển về Bộ trước ngày 28/7.
“Các quy định cũng như đề nghị này giúp cho các trường cũng như cho Bộ GD&ĐT lọc ảo được một cách chính xác nhất” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.
Từ ngày 26/7 đến ngày 28/7, các trường ĐH xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia sẽ nhận được dữ liệu thí sinh đăng ký vào trường mình để xác định điểm chuẩn. Từ ngày 28/7 đến ngày 30/7 Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành lọc ảo cho các trường mỗi ngày hai lần.
Trong 3 ngày, Bộ sẽ lọc ảo 6 lần. Mỗi lần lọc ảo, dữ liệu sẽ được gửi lại cho các trường để các trường điều chỉnh. Sau lần cuối cùng, các trường sẽ có được điểm chuẩn chính xác nhất để ngày 1/8 chính thức công bố để thí sinh biết.
Trước đó, theo nhận định của Bộ GD&ĐT, kết thúc đợt 1 xét tuyển, các trường ĐH tuyển được khoảng 83% chỉ tiêu. Trong đó, có 85 trường tuyển được 100%, 66 trường đạt từ 80% đến 99%, có 83 trường đạt từ 40% đến 79% so với chỉ tiêu.
Theo Tienphong