Học ngành công nghệ thông tin ra trường làm gì? Đây không những là câu hỏi của nhiều bậc phụ huynh có con đang theo học trong lĩnh vực này mà còn do chính người trong cuộc hỏi như thế. Không phải học CNTT là phải ngồi viết mã (code), đó là quan niệm sai lầm. Hãy xem 10 nghề dưới đây để hiểu rõ hơn ngành Công Nghệ Thông Tin.
1. Lập trình viên (Công nghệ thông tin)
Lập trình viên tạo ra, kiểm thử và xử lý các vấn đề của chương trình máy tính, họ cũng là người nâng cấp và sửa chữa chương trình đó. Hầu hết họ làm việc trong công ty viết và bán phần mềm, nhưng cũng có thể làm việc trong các lĩnh vực khác. Nhiều lập trình viên làm việc trong các lĩnh vực khác. Nhiều lập trình viên làm việc trong dự án như một chuyên gia, họ được thuê chỉ để hoàn thành một chương trình nhất định. Khi công nghệ phát triển, nhu cầu về lập trình viên làm việc cho những chức năng cơ bản của máy tính giảm đi. Tuy nhiên, nhu cầu về lập trình viên cho những chương trình nâng cao, chuyên biệt vẫn tiếp tục tăng lên.
Công việc trong ngành lập trình về cơ bản yêu cầu bằng đại học về khoa học máy tính hoặc công nghệ thông tin. Tuy nhiên, có những ví trí trong lĩnh vực này dành cho những người có chứng chỉ 2 năm. Nhà tuyển dụng khi tuyển nhân viên thường chú ý nhiều đến kinh nghiệm làm việc. Những lập trình viên kiên nhẫn, suy nghĩ logic và cẩn thận, tỉ mỉ vẫn luôn đắt giá. Thêm vào đó, nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên những người có khả năng truyền đạt các thông tin kỹ thuật cho những người chưa biết.
2. Chuyên gia phân tích hệ thống (System Analyst)
Các chuyên gia tuân thủ các bước đã được mô tả trong vòng đời hệ thống. Họ sẽ lên kế hoạch và thiết kế các hệ thống mới hoặc tổ chức lại các tài nguyên máy tính của công ty để sử dụng một cách tốt nhất. Chuyên gia phân tích tuân thủ tất cả các bước trong vòng đời hệ thống bao gồm: khảo sát sơ bộ, phân tích, thiết kế, phát triển, triển khai và bảo trì.
Thông thường, vị trí phân tích hệ thống yêu cầu bằng đại học chuyên ngành khoa học máy tính hoặc hệ thống thông tin và kinh nghiệm chuyên môn. Kinh nghiệm làm việc thực tế với những công nghệ mới nhất được coi là lợi thế cho những người đang tìm kiếm công việc trong ngành nghề này.
3. Quản trị cơ sở dữ liệu (Database Administrator)
Họ sử dụng các phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu, để xác định cách thức tổ chức và truy cập dữ liệu của công ty một cách hiệu quả nhất. Thêm vào đó, quản trị cơ sở dữ liệu cũng phải chịu trách nhiệm đảm bảo tính bảo mật của cơ sở dữ liệu và sao lưu hệ thống. Quản trị cơ sở dữ liệu là một ngành đang phát triển nhanh chóng và hứa hẹn tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Vị trí quản trị cơ sở dữ liệu thường đòi hỏi có bằng cử nhân trong ngành khoa học máy tính và hệ thống thông tin và có kinh nghiệm kỹ thuật. Những ai đã có kinh nghiệm làm việc thực tế với công nghệ mới nhất, thì sẽ có lợi thế rất lớn khi tìm kiếm công việc trong ngành này. Ứng viên cũng có thể chuyển những kỹ năng đã có trong một ngành nhất định, như tài chính, sang một ngành nghề mới là quản trị cơ sở dữ liệu. Để làm được điều này, nhiều người đã chọn giải pháp học thêm về khoa học máy tính.
4. Nhà quản lý hệ thống thông tin (Information System Manager)
Nhà quản lý sẽ giám sát công việc của những lập trình viên, nhà phân tích hệ thống và các chuyên gia máy tính khác. Họ là những người tạo ra và thực hiện chính sách cũng như hệ thống máy tính cho công ty. Những chuyên này cũng tham khảo ý kiến của nhà quản lý, đồng nghiệp và khách hàng để đạt mục tiêu.
Hầu hết các công ty đều tìm kiếm những người có nền tảng kỹ thuật tốt, đôi khi là nhà tư vấn, với bằng thạc sỹ kinh tế. Nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm các cá nhân có khả năng lãnh đạo và kỹ năng giao tiếp. Nhà quản lý hệ thống thông tin thường dành cho những ai đã từng làm cố vấn hoặc quản lý trước đó. Các doanh nghiệp và xã hội ngày càng có nhu cầu tìm những người có nhiều kinh nghiệm về máy tính và an ninh mạng, vì vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề bảo mật quan trọng.
5. Chuyên gia mật mã (Cryptographer)
Mật mã học (cryptography) là ngành khoa học che giấu và khôi phục lại thông tin đã được che giấu hay mã hóa. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mật mã học thường được hiểu là giữ bí mật các thông tin. Ví dụ, thông tin cần phải giữ bí mật có thể là dữ liệu về tài chính, như thông tin về ngân hàng và số thẻ tín dụng được dùng khi mua hàng trực tuyến, hay thông tin về thư điện tử và các thông tin khác liên quan.
Chuyên gia mật mã (cryptographer) là người thiết kế hệ thống mật mã, phá vỡ hệ thống mật mã và thực hiện các nghiên các nghiên cứu về mật mã, những công việc vốn thuộc về trách nhiệm của kỹ sư bảo mật thông tin hay nhà quả trị mạng. Nhìn chung, chuyên gia mật mã là những nhà toán học, chuyên về việc tạo mã hay giải mã.
Có rất nhiều chuyên gia mật mã làm nhà tư vấn về mật mã, và luôn có những vị trí làm việc dành cho họ trong Chính phủ hay một số tập đoàn lớn. Để trở thành chuyên gia mật mã, điều kiện tiên quyết là phải có bằng tiến sỹ về mật mã. Không chỉ vậy, họ phải có kinh nghiệm sâu rộng trong cả các lĩnh vực toán học và khoa học máy tính hoặc hệ thống thông tin.