Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng, giảng viên khoa Lịch sử (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), để đạt được điểm cao trong bất cứ môn thi nào, thí sinh không chỉ nắm vững kiến thức, mà còn phải tiếp cận, làm quen các dạng câu hỏi khác nhau để khi đọc câu hỏi cảm thấy quen thuộc và tự tin.
Đối với môn Lịch sử, các dạng câu hỏi trắc nghiệm gồm có:
1) Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh lựa chọn câu trả lời đúng
Dạng câu hỏi này thường yêu cầu mức độ nhận biết. Trong 4 phương án gây nhiễu (A, B, C, D) sẽ có một phương án đúng, còn lại đều sai, các em chỉ cần khoanh tròn câu trả lời đúng là có điểm.
Ví dụ 1: Bộ phận phản động và hiếu chiến nhất của chủ nghĩa tư bản là
A. chủ nghĩa phát xít. C. chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
B. chủ nghĩa khủng bố. D. chủ nghĩa tư bản độc quyền.
Ví dụ 3: Yêu cầu số 1 của nông dân Việt Nam thời thuộc Pháp là gì?
A. Ruộng đất. C. Tự do dân chủ.
B. Độc lập dân tộc. D. Quyền công dân.
2) Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh lựa chọn câu trả lời đúng nhất
Dạng câu hỏi này nhằm phân hóa thí sinh (mức độ hiểu và vận dụng), đưa ra 4 phương án gây nhiễu (A, B, C, D), trong đó nhiều phương án đúng, hoặc gần đúng nhưng chỉ có một phương án đúng nhất, đầy đủ nhất, quan trọng nhất, quyết định nhất, hoặc cơ bản nhất…
Nhiệm vụ của thí sinh phải lựa chọn được phương án đúng nhất. Thực tiễn cho thấy, do chưa vững kiến thức trong quá trình ôn luyện nên nhiều em bị nhầm lẫn, mất điểm điểm ở dạng câu hỏi này.
Ví dụ 1: Hai khẩu hiệu chiến lược của cách mạng Việt Nam thời kì 1930 – 1945 là gì?
A. “Độc lập dân tộc’ và “Người cày có ruộng”.
B. “Dân quyền tự do” và “Người cày có ruộng”.
C. “Đánh đuổi Nam triều” và “Người cày có rượu”.
D. “Đánh đổ phong kiến” và “giải phóng dân tộc”.
Ví dụ 2: Trước sự đe dọa xâm lược của các nước phương Tây, Xiêm đã thực hiện chính sách gì để bảo vệ nền độc lập?
A. Chuẩn bị lực lượng quân sự hùng mạnh.
B. Mở rộng buôn bán với bên ngoài.
C. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trong nước.
D. Dựa vào thế lực phong kiến của láng giềng.
Ví dụ 3: Điểm độc đáo và sáng tạo về nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam (1954 – 1975) do Đảng Lao Động Việt Nam đề ra và thực hiện thành công là gì?
A. Làm cách mạng ruộng đất ở miền Bắc, giải phóng dân tộc ở miền Nam.
B. Cả nước tiến hành kháng chiến chống Mĩ, cứu nước và xây dựng CNXH.
C. Làm cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng ruộng đất ở miền Nam.
D. Tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở hai miền
3) Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh đọc hiểu một đoạn tư liệu
Câu hỏi sẽ đưa ra đoạn tư liệu liên quan trực tiếp đến một sự kiện, hiện tượng lịch sử quan trọng (có trong sách giáo khoa hoặc ngoài sách giáo khoa). Đoạn tư liệu là căn cứ định hướng cho các em tư duy, suy luận để đưa ra quyết định lựa chọn.
Ví dụ 1: Cho đoạn trích: “Nhân tài là nguyên khí của nhà nước, nguyên khí mạnh thì trị đạo mới thịnh. Khoa mục là đường thẳng của quan trường, đường thẳng thì chân nho mới có”. Đoạn trích trên cho chúng ta biết điều gì?
A. Là văn bản hướng dẫn các sĩ tử con đường thi cử để làm quan.
B. Tư tưởng đề cao cải cách giáo dục của vua Lê Thánh Tông ở thế kỉ XV.
C. Ý nghĩa của việc dựng bia tiến sĩ trong Văn Miếu, Quốc Tử Giám.
D. Coi trọng chính sách giáo dục, khoa cử đào tạo nhân tài của nhà Lê sơ.
Ví dụ 2: Cho đoạn trích: “Vừa rồi, Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây, nhưng vì vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức… nên giặc phải bó tay chiu hàng” (Trần Quốc Tuấn căn dặn vua Trần Anh Tông, năm 1300). Câu nói trên của Trần Quốc Tuấn căn dặn nhà vua về
- Bài học phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, từ dòng tộc đến nhân dân.
- Phát huy truyền thống yêu lao động sản xuất để đánh giặc giữ nước.
- Sự kết hợp giữa truyền thống yêu nước với truyền thống yêu lao động sản xuất.
- Chiến thuật bao vây tiêu diệt quân Mông – Nguyên có thể áp dụng về sau.
Học sinh lớp 12 chỉ còn khoảng 7 tháng nữa sẽ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: Đình Tuệ. |
4) Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh lựa chọn ý phủ định trong 4 phương án đã cho
Câu hỏi được kiểm tra, đánh giá ở các mức độ khác nhau, yêu cầu các em không hiểu sai về các sự kiện, hiện tượng lịch sử. Các cụm từ thường được sử dụng trong dạng câu hỏi này là không đúng, ngoại trừ, không phải, không chính xác…
Ví dụ 1: Nhận xét nào dưới đây không đúng về cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là?
A. Đây là cuộc cách mạng có tính chất nhân dân sâu sắc.
B. Đây là cuộc cách mạng có tính chất dân tộc điển hình.
C. Đây là cuộc cách mạng có tính chất dân chủ điển hình.
D. Đây là cuộc cách mạng có tính chất bạo lực rõ nét.
Ví dụ 2: Ý nào dưới đây không phải là đặc điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của các triều Lý, Trần và Lê sơ (thế kỉ XI – XV)?
A. Hòa hiếu, nhún nhường với nước lớn.
B. Khi Tổ quốc bị xâm phạm thì sẵn sàng chiến đấu.
C. Hòa hiếu, nhân nhượng có nguyên tắc.
D. Đôi lúc gây ra chiến tranh để nâng cao thanh thế.
5) Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh lựa chọn đúng phương án nhận xét, tranh biện về sự kiện, hiện tượng lịch sử (các quan điểm, chính kiến, hoặc ý kiến nhận xét, đánh giá về lịch sử)
Ở dạng câu hỏi này, đề thi sẽ đưa ra sẵn các quan điểm, chính kiến hoặc ý kiến nhận xét về sự kiện, hiện tượng lịch sử phức tạp, yêu cầu thí sinh phải lựa chọn phương án đúng. Không thông hiểu vấn đề, thí sinh sẽ chọn sai.
Ví dụ 1: Nhận định nào dưới đây phản đúng về tác động, ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917?
- Giải trừ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân trên thế giới.
- Chọc thủng khâu yếu nhất của hệ thống chủ nghĩa tư bản.
- Thúc đẩy sự ra đời của Quốc tế cộng sản.
- Thiết lập nhà nước công – nông ở nước Nga.
Ví dụ 2: Nhận định nào dưới đây phản ánh đúng hình thái của cách mạng miền Nam trong thời kì 1954 – 1975?
A. Từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa.
B. Khởi nghĩa từng phần tiến thẳng lên chiến tranh giải phóng.
C. Đấu tranh chính trị tiến thẳng lên chiến tranh giải phóng.
D. Đấu tranh chính trị, tiến lên khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng.
Ví dụ 3: Ý nào dưới đây là nhận định đúng về lí do Nguyễn Ái Quốc quyết định chọn Cao Bằng là nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng (1941)?
- Nơi đây có điều kiện khí hậu thuận lợi để xây dựng và phát triển lực lượng.
- Đồng bào dân tộc Tày rất trung thành với cách mạng.
- Nơi đây hội tụ yếu tố địa lợi và nhân hòa để xây dựng, phát triển lực lượng.
- Cao Bằng hội tụ đủ yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa.