fbpx
Home Tin tuyển sinh Đề xuất bỏ thay thế môn Ngoại ngữ bằng môn thi tự chọn

Đề xuất bỏ thay thế môn Ngoại ngữ bằng môn thi tự chọn

0

Trong cuộc họp ngày 21/3/2016, do Bộ GD&ĐT chủ trì kết hợp với lãnh đạo các trường đại học tổ chức cụm thi từ Đà Nẵng vào TP HCM, một số đại diện nhà trường đã đưa ra ý kiến nên xóa bỏ quy định thay thế môn Ngoại ngữ bằng môn thi tự chọn đối với những thí sinh không được học bộ môn này hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng.

Theo quy chế thi THPT Quốc gia 2016, để được xét công nhận tốt nghiệp, các thí sinh phải dự thi ít nhất 4 môn. Trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn. Thí sinh nào không đủ điều kiện thi môn Ngoại ngữ thì có thể thay thế bằng môn thi tự chọn khác.

Tuy nhiên, đại diện nhiều trường cho rằng, Bộ nên sớm chấm dứt việc thực hiện quy định này. Dù đây là một quy định đúng và có lợi cho các thí sinh. Nhưng hệ lụy của nó là không hề nhỏ. Hầu hết các giáo viên đều đánh giá ngoại ngữ là một môn thi khó kiếm điểm, nên cũng hướng các em học sinh chọn môn khác để thay thế. Chính điều này đã vô tình khiến cho việc dạy và học ngoại ngữ chậm đổi mới và kém hiệu quả.

Nhiều trường để các em được chọn môn thi thay thế, đã không đẩy mạnh việc dạy và học bộ môn này. Thậm chí có trường đủng đỉnh không chịu đầu tư đổi mới, nâng cấp chất lượng giảng dạy, không bổ sung giáo viên bộ môn khi thiếu nhân lực.

Việc các thí sinh không thi ngoại ngữ mà thay thế bằng môn thi khác “dễ thở” hơn, cũng sẽ gây mất công bằng cho các thí sinh khác. Theo thống kê năm 2015, môn thi ngoại ngữ là môn có phổ điểm dưới trung bình cao nhất, rất ít em thi môn này mà dành được điểm cao. Trong khi đó môn Địa lý là môn thi tự chọn mà các em lựa chọn nhiều nhất là môn được đánh giá dễ kiếm điểm, thậm chí là gỡ điểm cho các em không thi ngoại ngữ.

Thêm vào đó, hiện ngoại ngữ đóng vai trò rất quan trọng trong mọi mặt của đời sống. Muốn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế thì không thể thiếu công cụ giao tiếp này. Chính phủ nước ta cũng đã có nhiều đề án nhằm thúc đẩy dạy và học bộ môn này trong hệ thống giáo dục quốc dân. Mục tiêu của các đề án là đảm bảo được bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực nước nhà.

Nhiều chương trình dạy và học ngoại ngữ được đầu tư kỹ lưỡng và triển khai từ bậc tiểu học đến đại học, thậm chí là chuyên sâu sau đại học. Lượng giáo viên ngoại ngữ cũng được đào tạo để nâng cao chất lượng giảng dạy. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện rất ít trường phổ thông trên cả nước không có đủ số giáo viên ngoại ngữ cần thiết.

Đại diện các trường cho rằng, với điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy và học tập ngoại ngữ hiện nay đã khá đầy đủ, vì thế, Bộ nên xem xét để sớm chấm dứt quy định thay thế môn Ngoại ngữ bằng môn thi tự chọn khác để đảm bảo công bằng trong thi cử cũng như thúc đẩy sự đổi mới trong công tác giảng dạy bộ môn này.

Comments

comments