fbpx
Home Học đường Bộ GD&ĐT: Thu phí dạy online là thỏa thuận giữa trường và phụ huynh

Bộ GD&ĐT: Thu phí dạy online là thỏa thuận giữa trường và phụ huynh

0
Bộ GD&ĐT: Thu phí dạy online là thỏa thuận giữa trường và phụ huynh

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ GD&ĐT, cho hay quy định mức thu các loại hình dạy online mang tính chất bổ trợ là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh.

Thời gian nghỉ học do Covid-19 kéo dài, các trường tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh. Việc trường có được thu học phí hàng tháng, phí online hay không được dư luận quan tâm.

Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ GD&ĐT, cho rằng: “Các trường ngoài công lập thực hiện việc thu học phí theo thỏa thuận từ trước với phụ huynh học sinh”.

– Để phòng chống dịch bệnh Covid-19, các địa phương, cơ sở giáo dục cho học sinh, sinh viên nghỉ kéo dài. Việc thu học phí trong thời gian nghỉ học được thực hiện như thế nào, thưa ông?

– Việc thu học phí thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Các trường không thực hiện thu học phí đối với tháng học sinh được nghỉ để phòng tránh dịch bệnh, thực hiện việc thu học phí đối với tháng đi học bù, đồng thời đảm bảo việc thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, đào tạo thường xuyên theo số tháng thực học.

Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, học phí được thu 9 tháng/năm. Đối với cơ sở giáo dục đại học, học phí được thu 10 tháng/năm. Các trường ngoài công lập thực hiện việc thu học phí theo thỏa thuận từ trước với phụ huynh.

Đối với các dịch vụ hỗ trợ học online và hướng dẫn học trong thời gian nghỉ dịch, đây là dịch vụ phát sinh ngoài chương trình chính khóa, phụ huynh và nhà trường tự thỏa thuận, không tính bù vào chương trình học và thu học phí thêm.

– Trường quốc tế và tư thục, ngoài học phí, còn có những khoản thu khác nữa. Các khoản thu này nên tính toán thế nào cho hợp lý? Trường tư đã thu phí dạy online là đúng hay sai, có phù hợp các quy định hiện hành hay không?

– Như tôi đã nói ở trên, các trường quốc tế và tư thục thu học phí phải được thông báo công khai ngay từ đầu năm học, khóa học cho từng năm và cả lộ trình.

Việc thực hiện thu theo thỏa thuận ban đầu, đúng kế hoạch năm học. Trong thời gian nghỉ, nếu triển khai dịch vụ hỗ trợ học online và thu chi phí, việc này triển khai trên cơ sở thỏa thuận giữa 2 bên và phải thông báo công khai ngay từ đầu.

Bộ GD&ĐT chỉ quy định việc thu học phí các chương trình đào tạo theo quy định của bộ. Bộ không quy định chương trình và mức thu cho các chương trình bổ trợ này. Do đây là dịch vụ thỏa thuận, việc thu hay không tùy thuộc các trường và phụ huynh thỏa thuận với nhau trên cơ sở có chi phí hợp lý.

Bộ GD&ĐT không thể hướng dẫn việc này vì đây là các hoạt động ngoài kế hoạch và chương trình. Nhà trường phải căn cứ nội dung, khối lượng công việc để xây dựng tính toán mức thu hợp lý, thu đủ bù chi cho các dịch vụ, chứ không thể thu theo học phí, đồng thời phải thông báo công khai và thỏa thuận với phụ huynh học sinh trước khi triển khai.

– Một số khoản mà nhà trường đã thu nguyên học kỳ hoặc một năm, chẳng hạn các khoản phụ trợ (nước uống, vệ sinh…), theo ông, các trường nên xử lý thế nào?

– Đối với các khoản đã thu dịch vụ như tiền nước, vệ sinh, theo thỏa thuận được thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh cho cả năm học, thường triển khai vào đầu năm. Việc dọn vệ sinh trường lớp, chuẩn bị điều kiện cho các con quay trở lại phải do nhà trường thực hiện, không được thu thêm chi phí.

Ngoài ra, các trường có thể kêu gọi hội phụ huynh cùng hỗ trợ và tham gia vệ sinh dọn dẹp, phòng chống dịch theo nguyên tắc tự nguyện.

Bộ GD&ĐT đang tiến hành rà soát khó khăn, vướng mắc của các cơ sở giáo dục, từ đó điều chỉnh một số văn bản hiện hành cho phù hợp. Đồng thời, bộ sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ một số chính sách đặc thù, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19.

Theo Zing

Comments

comments