Theo ông Trần Anh Tuấn, phần lớn trường đại học đã tuyển đủ chỉ tiêu. Một số ngành mới hay “ế khách” sẽ tuyển sinh đợt hai.
Sau đợt một xét tuyển đại học từ 8/8-12/8, đợt xét tuyển bổ sung bắt đầu từ ngày 13/8.
Ông Trần Anh Tuấn – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho hay sau khi tuyển sinh đợt 1, căn cứ chỉ tiêu ngành nghề, nếu còn thiếu, các trường sẽ công bố xét tuyển đợt 2.
Thí sinh trúng tuyển đợt một nếu có nhu cầu thay đổi nguyện vọng có quyền từ chối xác nhận nhập học. Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn khuyến cáo thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng.
“Thông thường các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu đợt một, chỉ một số ngành mới hoặc khó tuyển xét bổ sung đợt 2. Với số lượng chỉ tiêu ít, khả năng đỗ khó nên các em cần cần suy nghĩ kỹ trước quyết định thay đổi nguyện vọng”, ông Tuấn nói.
Thực tế, điểm chuẩn vào các trường phụ thuộc một số điều kiện. Trong đó, bề dày phát triển ngành nghề đào tạo tương ứng thương hiệu của trường. Tỷ lệ sinh viên có việc làm càng cao thì sức hút càng lớn. Điểm chuẩn của các trường này so với năm 2017 không có nhiều sự thay đổi.
Với những trường mới thành lập, ngành nghề mới, thương hiệu chưa bằng cơ sở giáo dục có bề dày phát triển nên điểm chuẩn giảm.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội, phần lớn trường trong nhóm GX khu vực phía Bắc, nhất là top trên, đã tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt một.
Chỉ một số trường top giữa như ĐH Thủy Lợi, ĐH Mỏ Địa chất…còn thiếu ít chỉ tiêu vào một số ngành nên sẽ xét nguyện vọng bổ sung.
Đối với trường đại học ngoài công lập, tổng số nguyện vọng thấp hơn số chỉ tiêu nên sẽ xét tiếp đợt nguyện vọng bổ sung.
Theo Zing